Buôn lậu than đã giảm
(Tài chính)Theo đánh giá từ Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2014, hoạt động buôn lậu than trên địa bàn đã giảm do việc hạn chế nhu cầu từ phía Trung Quốc và đặc biệt là sự tăng cường kiểm soát của các lực lượng Hải quan cũng như các lực lượng chức năng khác trên địa bàn tỉnh.
Thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn.
Tuy nhiên, trên tuyến biển, hoạt động buôn lậu than vẫn tiếp diễn với phương thức thủ đoạn không mới nhưng tinh vi, phức tạp hơn. Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, các đối tượng buôn lậu thường thu gom than trôi nổi tại các mỏ, các lò than thổ phỉ tại các địa phương như Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí, Đông Triều… sau đó tập kết tại các kho, bến bãi tự phát và bốc rót xuống tàu biển có trọng tải lớn để xuất lậu sang Trung Quốc. Nhằm đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, một số đối tượng sử dụng hóa đơn, chứng từ vận chuyển nội địa để hợp thức hóa hàng hóa.
Để ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu than trên địa bàn quản lý, trong nửa đầu năm 2014, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Ngay từ đầu năm, Cục đã xây dựng Công văn số 316/HQQN-CBL để chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường điều tra, nghiên cứu, nắm tình hình và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan; tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng than. Công tác đấu tranh ngăn chặn còn được thực hiện ngay tại các kho chứa, bến bãi tập kết.
Hải quan Quảng Ninh cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin và phối hợp bắt giữ cũng như công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không buôn lậu, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu than.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng trên địa bàn nói chung, của lực lượng Hải quan nói riêng, trong nửa đầu năm 2014, hoạt động buôn lậu, vận chuyển than trái phép trên địa bàn đã giảm. 6 tháng đầu năm, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 1 vụ vận chuyển than trái phép, cụ thể: ngày 3/4/2014, Chi cục Hải quan Vạn Gia đã chủ trì phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan số 2 kiểm tra, bắt giữ tàu sắt BKS QN 6689 vận chuyển 2.715,67 tấn than cám 7B (trị giá tương ứng là 2.063,9 triệu đồng). Toàn bộ hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Công tác đấu tranh, ngăn chặn vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo phân tích từ Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, mặc dù công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng than đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tế đấu tranh, ngăn chặn vẫn đang tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc.
Với đặc điểm tuyến đường biển rộng, đường phân định trên biển dài và địa hình ven biển phức tạp với nhiều sông suối, luồn lạch, đảo lớn nhỏ một mặt tạo thuận lợi cho các đầu nậu than trốn tránh, đồng thời đã gây không ít khó khăn cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng. Trong khi đó, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh, ngăn chặn của Hải quan đã cũ, một số không còn khả năng vươn khơi xa. Lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát trên biển cũng còn mỏng nên không thể bao quát hết được vùng nước trong khu vực. Chưa kể, kinh phí các chuyến tuần tra kiểm soát trên biển lớn trong khi ngân sách cho hoạt động còn eo hẹp khiến hoạt động tuần tra trên biển gặp nhiều khó khăn.
Chống buôn lậu than trên biển cần sự chung tay vào cuộc của các ngành chức năng.
Công tác trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra, kiểm soát, bắt giữ giữa các lực lượng chức năng trên tuyến biển trong thời gian qua dù đã phát huy hiệu quả nhưng vẫn dừng ở mức vụ việc. Bên cạnh đó, công tác xử lý đối với hành vi buôn lậu than cũng gặp không ít khó khăn bởi, các đối tượng buôn lậu thường thuê tàu để vận chuyển than lậu mà không trực tiếp có mặt trên tàu nên khi bắt giữ, các vụ việc chỉ dừng ở việc xử lý đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép chứ không xử lý được đối tượng buôn lậu.
Thực tế trong thời gian vừa qua, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ được nhiều vụ vận chuyển trái phép than mỏ nhưng chỉ bắt giữ và xử lý được đối tượng vận chuyển thuê. Trong một số trường hợp, các lực lượng chức năng kiểm tra và lập biên bản vi phạm đối với tàu than không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc; tuy nhiên sau đó các đối tượng lại nhanh chóng hợp thức hóa hồ sơ bằng cách “chạy” hóa đơn nên cơ quan Hải quan không thể xử lý.
Giới hạn hẹp về địa bàn hoạt động của lực lượng Hải quan cũng là một trong những yếu tố khiến cho hoạt động kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn hành vi buôn lậu than không thuận lợi. Bởi, những vụ việc phát hiện vi phạm thường xảy ra ngoài địa bàn nên hoạt động nghiệp vụ truy đuổi, bắt giữ của Hải quan gặp không ít khó khăn.
Trong thời gian tới, để công tác đấu tranh, ngăn chặn đối với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép than trên địa bàn đạt hiệu quả tích cực, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh cần chủ trì xây dựng mới quy chế phối hợp hoạt động trên tuyến biển giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Công tác phối hợp cũng cần được mở rộng với việc tăng cường hợp tác cùng các địa phương khác (Hải Phòng, Hải Dương) để nâng cao hiệu quả phòng, chống buôn lậu, xử lý vi phạm đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh, lập kho chứa bất hợp pháp mặt hàng than mỏ.
Hải quan Quảng Ninh cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh và Ban chỉ đạo 127 Tỉnh tăng thêm kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu để đáp ứng nhu cầu tuần tra kiểm soát thường kỳ trên biển. Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn từ những văn bản quy phạm pháp luật liên quan, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cần sớm kiến nghị Chính phủ bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi “mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp”.