Các BigTech Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận mới tại Đông Nam Á


Những công ty như Tencent và Alibaba lựa chọn Đông Nam Á để thử nghiệm triết lý kinh doanh tinh tế hơn.

Công nghệ thanh toán bằng lòng bàn tay của Tencent tại trạm tàu điện ngầm Bắc Kinh. Ảnh: Handout
Công nghệ thanh toán bằng lòng bàn tay của Tencent tại trạm tàu điện ngầm Bắc Kinh. Ảnh: Handout

Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc từng được biết đến với sự mở rộng nhanh chóng, mạnh mẽ, hiện đang áp dụng cách tiếp cận hợp tác, có tính toán hơn trong bối cảnh công nghệ tài chính của Đông Nam Á.

Tại ngày hội FinTech Singapore (SFF) gần đây, Tencent, Alibaba và Huawei đã giới thiệu các chiến lược mới, phản ánh việc theo đuổi tăng trưởng đã được điều chỉnh lại, tập trung vào hội nhập địa phương, quyền riêng tư và hợp tác hơn là thống trị.

Tencent, công ty có WeChat Pay đang chứng kiến sự bão hòa ở Trung Quốc, đang thử nghiệm ở Đông Nam Á bằng một giải pháp sinh trắc học mới, công nghệ thanh toán bằng lòng bàn tay.

Tại SFF (Singapore FinTech Festival), Tencent đã giới thiệu hệ thống thanh toán "tĩnh mạch lòng bàn tay + dấu vân tay" hợp tác với Visa, tích hợp công nghệ của mình vào nền tảng của Visa thay vì cố gắng sao chép mô hình WeChat Pay sẵn có. Cách tiếp cận thận trọng dựa trên quan hệ đối tác cho thấy cam kết của Tencent đối với sự thích nghi linh hoạt.

Các chuyên gia đánh giá cao tính bảo mật của thanh toán bằng lòng bàn tay, điều này có thể đã ảnh hưởng đến sự quan tâm của Visa trong việc khai thác mối quan hệ đối tác này.

Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn ở quy mô nhỏ, chỉ giới hạn tại một quán cà phê do Visa quản lý. Điều này cho thấy Tencent nhận thức được tầm quan trọng của việc thâm nhập thị trường một cách dần dần và xây dựng niềm tin từ người tiêu dùng.

Sự hiện diện của Alibaba tại Đông Nam Á phản ánh một sự chuyển đổi tương tự. Trước đây, công ty này từng có ý định biến Alipay thành một tiêu chuẩn thanh toán toàn cầu, nhưng đã phải thu hẹp tham vọng sau khi gặp các rào cản pháp lý tại Trung Quốc.

Hiện nay, thay vì cạnh tranh trực tiếp, Alibaba hỗ trợ các ví điện tử địa phương bằng cách cung cấp hạ tầng kỹ thuật và giải pháp trao đổi tiền tệ, qua đó tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp trong khu vực.

Theo bà Vivian Toh, Tổng biên tập của Techtechchina, thay đổi này thể hiện một tham vọng hợp tác mới của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Bằng cách tăng cường khả năng thanh toán tại địa phương, Alibaba xây dựng niềm tin và thiện chí, củng cố ảnh hưởng của mình mà không cần áp đặt thương hiệu của mình lên thị trường.

Chuyên gia này chỉ ra, lập trường mới này của công ty được phản ánh tầm quan trọng của nhận thức văn hóa và sự nhạy cảm về quy định, những yếu tố chính trong một khu vực đa dạng và phân mảnh như Đông Nam Á.

Đối mặt với những thách thức đặc biệt ở Đông Nam Á, Huawei đã chuyển hướng cung cấp các giải pháp đám mây lai (hybrid cloud) đã được tùy chỉnh phù hợp với các tổ chức tài chính trong khu vực, nhấn mạnh vào tính cá nhân hóa và hiệu quả chi phí.

Sự hợp tác của Huawei với các ngân hàng lớn ở Singapore thể hiện cam kết đáp ứng nhu cầu địa phương cụ thể, kết hợp quản lý rủi ro dựa trên AI với việc cải thiện dịch vụ khách hàng.

Cách tiếp cận thích ứng của Huawei đã gây được tiếng vang ở các thị trường có chi phí cao như Singapore, góp phần định vị công ty như một giải pháp thay thế hấp dẫn cho các nhà cung cấp đám mây phương Tây.

Chiến lược này ưu tiên khả năng chi trả và các giải pháp địa phương, phản ánh xu hướng rộng lớn giữa các công ty công nghệ Trung Quốc nhằm mục đích tăng trưởng bền vững thông qua sự liên quan đến khu vực thay vì sự thống trị sâu rộng.

Những điều chỉnh chiến thuật thể hiện một kỷ nguyên mới cho các công ty công nghệ Trung Quốc, với trọng tâm là nhấn mạnh vào quan hệ hợp tác địa phương, sự nhạy cảm của thị trường và cam kết dài hạn nhằm duy trì sức ảnh hưởng trong lĩnh vực fintech tại Đông Nam Á

Sáng kiến thanh toán lòng bàn tay tập trung vào tích hợp của Tencent, hỗ trợ ví điện tử của Alibaba và các giải pháp đám mây của Huawei đều thể hiện một chiến lược đang dần hoàn thiện khi cân bằng giữa tham vọng với sự thấu hiểu về sự phức tạp của thị trường khu vực.

Đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, Đông Nam Á cung cấp cơ hội mở rộng; khu vực này đóng vai trò như một nền tảng thử nghiệm cho triết lý kinh doanh ưu tiên sự tham gia lâu dài, phù hợp về văn hóa hơn là chiếm lĩnh thị trường.

Theo bà Vivian, nếu thành công, sự phát triển này không chỉ có thể định hình lại bối cảnh fintech của Đông Nam Á, mà còn tạo ra một mô hình mẫu cho các doanh nghiệp Trung Quốc khi thâm nhập vào các thị trường quốc tế đa dạng và cạnh tranh khác.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn