Các chỉ số về thanh toán không dùng tiền mặt có tốc độ tăng trưởng tốt
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàngđạt 69,18 triệu giao dịch và đạt 49,91 triệu tỷ đồng, giảm 9,52% về số lượng, tăng 14,88% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt liên tục được tăng cường, mở rộng…
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế.
Trong tổng số gần 105.000 đơn vị hưởng lương từ NSNN trên toàn quốc, đã có khoảng 89.000 đơn vị đã trả lương qua tài khoản (đạt gần 89%); số cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã nhận lương qua tài khoản gần 2,8 triệu người (tương đương khoảng 83%).
Hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM ngày càng hoàn thiện, tạo sự đồng bộ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán; Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, phục vụ tốt cho việc cung ứng các dịch vụ, phương tiện TTKDTM mới, hiện đại; Các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử được phát triển mạnh và đa dạng với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, an toàn, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
NHNN cũng đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc thúc đẩy triển khai thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, như: thu thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội…
NHNN cũng đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) trong việc mở rộng thực hiện thanh toán qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) tại những địa bàn đáp ứng điều kiện cơ sở hạ tầng… Nhờ đó, các chỉ số về TTKDTM có tốc độ tăng trưởng khá tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) đạt 69,18 triệu giao dịch và đạt 49,91 triệu tỷ đồng, giảm 9,52% về số lượng, tăng 14,88% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019.
Giao dịch thanh toán qua thẻ đạt 171,1 triệu giao dịch với giá trị đạt 399,4 nghìn tỷ đồng (tăng 20,9% về số lượng và tăng 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); Giao dịch thanh toán qua Internet đạt 200,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 12,9 triệu tỷ đồng (giảm 1,9% về số lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); Giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 472,2 triệu giao dịch với giá trị đạt 4,9 triệu tỷ đồng (tăng 178% về số lượng và 177,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
Đến nay, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) đã hoàn thành kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng tại 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; 43 ngân hàng phối hợp thu với Tổng cục Hải quan, trong đó có 30 ngân hàng tham gia nộp thuế điện tử và thông quan 24/7; Số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đạt tỷ lệ trên 95% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ TTKDTM liên tục được tăng cường, mở rộng; đến cuối tháng 6 năm 2020, toàn quốc có 19.571 ATM trải rộng khắp cả nước, 266.038 máy POS, phần lớn được lắp đặt tại các điểm bán lẻ và đang mở rộng tới nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích...
Trong tổng số gần 105.000 đơn vị hưởng lương từ NSNN trên toàn quốc, đã có khoảng 89.000 đơn vị đã trả lương qua tài khoản (đạt gần 89%); số cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã nhận lương qua tài khoản gần 2,8 triệu người (tương đương khoảng 83%).
Hiện nay, NHNN đang tập trung nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành, trong đó có những giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số của các ngân hàng, tạo điều kiện thúc đẩy TTKDTM; rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán tại các văn bản Luật hiện hành.
Thứ hai, chỉ đạo hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ TTKDTM, trong đó tập trung phát triển các hệ thống thanh toán của NHNN; hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ tại Việt Nam; tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng của ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số.
Thứ ba, chỉ đạo nghiên cứu, phát triển các dịch vụ, hình thức thanh toán mới, hiện đại như: QR Code, Tokenization, thanh toán không tiếp xúc trên thiết bị di động,...; tập trung chỉ đạo phát triển các dịch vụ thanh toán bán lẻ, như: dịch vụ thanh toán thẻ, phát triển, sắp xếp, hợp lý hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ; hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng; phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử; và phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn gắn với việc triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính Toàn diện.
Thứ tư, tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng, các hệ thống thanh toán, phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, thanh toán xuyên biên giới, đảm bảo hoạt động thanh toán trong nền kinh tế hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt. Triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người người tiêu dùng trong TTKDTM.