Các công ty hàng không Trung Quốc trước nguy cơ tổn thương tài chính vì lệnh cấm vận của Mỹ
Theo các luật sư thương mại và chuyên gia quốc phòng, khi Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt, các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không đang phải đối mặt với những hạn chế ngày càng tăng đối với các dịch vụ tài chính cũng như công nghệ của Mỹ.
Washington quan tâm sâu sắc đến chiến lược tổng hợp quân sự-dân sự của Trung Quốc, nhằm mục đích hiện đại hóa lực lượng quốc phòng của đất nước bằng cách tích hợp nghiên cứu dân sự và lĩnh vực thương mại với các thành phần tham gia liên quan đến lĩnh vực công nghiệp quân sự, theo South China Morning Post.
Kế hoạch này là một thành phần trọng tâm trong tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về an ninh và phát triển lâu dài của Trung Quốc.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận các sản phẩm lưỡng dụng, tức là các công nghệ có thể được sử dụng cho cả quân sự và các phương tiện hòa bình, bằng cách định danh các công ty hàng không và vũ trụ của Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (Avic) và Công ty Động cơ Hàng không Trung Quốc (AECC), là những "nhà tiêu dùng quân sự đầu cuối".
Các công ty trong diện bị 'chỉ tên đích danh' này bị cấm mua một số mặt hàng, chẳng hạn như cảm biến, thiết bị laser, thiết bị điện tử hàng không và các sản phẩm định vị, trừ khi nhà xuất khẩu có giấy phép.
Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp tục trên con đường 'nâng cao cảnh giác'. Vào tháng 6, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC), một bộ phận trực thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đã đưa ra một danh sách cấm đầu tư mới đối với các công ty công nghệ giám sát và quốc phòng Trung Quốc.
Danh sách các công ty liên hợp công nghiệp-quân sự Trung Quốc bao gồm hơn một chục công ty hàng không và vũ trụ, cũng như nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei.
Nick Turner, luật sư của Steptoe & Johnson ở Hồng Kông, chuyên gia về các biện pháp trừng phạt và tuân thủ kinh tế, cho biết: "Những công ty này cũng có thể sẽ gặp vấn đề với các dịch vụ ngân hàng, mặc dù danh sách này không nhằm mục đích loại bỏ họ khỏi các dịch vụ tài chính".
"Nếu chính phủ Hoa Kỳ muốn cô lập một công ty khỏi các dịch vụ tài chính, họ có các công cụ khác, chẳng hạn như 'Danh sách các công dân được chỉ định đặc biệt' do OFAC quản lý", Turner nói.
Vẫn theo Turner, mặc dù một số tổ chức tài chính có thể có mức độ chấp nhận rủi ro thấp đối với những khách hàng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, nhưng lĩnh vực ngân hàng đang đầu tư nguồn lực để tìm hiểu các hạn chế của Washington do ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng. "Tuy nhiên, các quy tắc rất phức tạp và luôn thay đổi, với các công ty mới luôn được bổ sung", Turner cho biết thêm.
Điều này có nghĩa là các công ty trong danh sách có khả năng tiếp tục gặp khó khăn trong việc cung cấp một số dịch vụ tài chính, mặc dù tình hình có thể cải thiện khi các ngân hàng đã quen với các quy định.
Mỹ đã trừng phạt Avic và nhiều công ty con của tập đoàn này, trong đó có Tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An, một công ty con trong danh sách 'người tiêu dùng cuối' và Công ty Tổ hợp Công nghiệp-Quân sự Trung Quốc, đơn vị cung cấp các bộ phận cho máy bay 737 của Boeing và A320 của Airbus, và cho máy bay phản lực thân hẹp C919 do Tổng công ty chế tạo Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac), một công ty nhà nước có trụ sở tại Thượng Hải, sản xuất.
Tiến sĩ Brendan Mulvaney, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Quốc gia, cho biết chính quyền Biden phần lớn đã giữ nguyên các chính sách của Trump đối với các công ty quốc phòng Trung Quốc.
"Ngoài ra, Quốc hội Hoa Kỳ cũng đang chú ý đến sự hiện diện của các đơn vị kết hợp quân sự-dân sự của Trung Quốc. Vì vậy, các chính sách cấm vận hiện tại vẫn được tiếp tục và thậm chí có thể được mở rộng thêm nhiều hơn", ông nói.
Theo báo cáo hàng năm của Hiệp hội Công nghiệp Hàng không và Vũ trụ, Trung Quốc đã từng là điểm đến xuất khẩu lớn nhất cho các sản phẩm hàng không và vũ trụ của Mỹ, nhưng vị trí tuyệt đối của nước này đã tuột dốc kể từ năm 2019.
Xuất khẩu hàng không và công nghệ hàng không của Mỹ sang Trung Quốc giảm xuống 4,5 tỷ USD vào năm 2020 từ 10,6 tỷ USD vào năm 2019, do quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi.
Boeing, nhà xuất khẩu hàng không vũ trụ lớn nhất của Mỹ, đã vướng vào cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, khi Trung Quốc ngừng đơn đặt hàng kể từ năm 2018.
Thị trường hàng không thương mại của Trung Quốc là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới. Boeing đã dự báo rằng các hãng hàng không ở Trung Quốc sẽ đặt hàng 8.700 máy bay mới vào năm 2040, với trị giá 1,47 nghìn tỷ USD, để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không thương mại đang ngày một mở rộng.
Những tiến bộ trong công nghệ hàng không và vũ trụ đã làm mờ ranh giới giữa việc sử dụng thương mại và quân sự trong các lĩnh vực như hệ thống, bộ phận, phần mềm và tích hợp, Mulvaney nói.
Mulvaney nói: "Hành động cân bằng an ninh-thương mại luôn là một thách thức. Điều đã thay đổi là tập đoàn Mỹ đang phải đối mặt với những khía cạnh tiêu cực của giao dịch với Trung Quốc trong một số trường hợp".
Ngoài các vấn đề lâu nay như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tự do truyền thông và quy định kinh doanh, các công ty toàn cầu ở Trung Quốc phải tính đến các hạn chế của phương Tây.
Mulvaney nói: "Trong bối cảnh này, sẽ có nhiều [đánh giá] hơn từ Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ, nhiều xem xét kỹ càng hơn trong việc cấp giấy phép xuất khẩu và nhiều giám sát hơn [đối với các công ty Trung Quốc".