Các "đại án" cho thấy đục khoét ngân khố lớn nhất là các nhóm lợi ích
(Tài chính) Thời gian qua, công luận rất quan tâm tới 3 vụ “đại án” đã và đang xét xử bởi lẽ, không chỉ xem phán quyết của tòa có nghiêm khắc hay không, mà dư luận muốn thấu hiểu vì sao các đối tượng này lại dễ dàng qua mặt được các cơ quan chức năng.
Xoay quanh nội dung này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Lấy tiền của Nhà nước quá dễ dàng
Phóng viên: Xin ông đưa ra một nét chung nhất trong 3 vụ “đại án” đã và đang xét xử hiện nay?
Ông Lê Như Tiến: Qua các phiên tòa xét xử các vụ “đại án” vừa diễn ra, một lần nữa làm rõ hơn nguyên nhân vì sao tội tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp. Đó là quản trị doanh nghiệp, quản lý tiền và tài sản nhà nước và quản lý cán bộ đều cực kỳ lỏng lẻo. Điều đó dẫn tới việc những đối tượng này có thể tự tung, tự tác, dễ dàng rút ruột tiền nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.
Lỏng lẻo tới mức, Huyền Như - chỉ là phó phòng thuộc chi nhánh của Ngân hàng Thương mại cổ phân Công thương Việt Nam (Vietinbank) - trong một năm rưỡi có thể dễ dàng chiếm đoạt được 4.000 tỉ đồng. Theo dõi quá trình diễn biến của vụ án, mọi người mới thật sự bàng hoàng bởi thủ đoạn lừa đảo của Huyền Như không có gì đặc biệt, nhưng tầng tầng lớp lớp quản lý, kiểm tra chéo của hệ thống ngân hàng lại không phát hiện ra.
Thực tế kém tới mức, không chỉ bị Huyền Như chiếm đoạt một số tiền lớn, mà khi vụ án diễn ra đã lâu, ngân hàng Vietinbank vẫn cho rằng Huyền Như chiếm đoạt hết tiền của ngân hàng ACB gửi đến.
Trong khi ngày 17/1 vừa qua, đại diện ngân hàng ACB đã đưa ra tòa bằng chứng, một trong 19 nhân viên của ACB vẫn nhận được từ VietinBank thông báo có số dư trong tài khoản. Điều đó cho thấy, dù có vụ án lớn xảy ra tại đơn vị, ngân hàng này vẫn không có được dữ liệu tối thiểu như vậy thì thật khó hình dung.
Với vụ án ở Công ty cho thuê tài chính II (ALCII), ông Vũ Quốc Hảo - Tổng Giám đốc Công ty ALCII vừa lợi dụng chức vụ quyền hạn, vừa cố ý làm sai quy định để lấy tiền của Nhà nước. Tổng giá trị thiệt hại mà ông Hảo và các đồng phạm gây ra lên tới gần 532 tỉ đồng.
Tương tự, Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm có thể dễ dàng “tâng” cái ụ nổi (thực tế là rác thải công nghiệp) từ 2,3 triệu lên tới 9 triệu USD thì... không còn gì để nói. Điều đó chỉ ra một thực tế chua xót: Hệ thống luật, các văn bản pháp quy của ta tuy rất nhiều, nhưng vẫn còn đó những lỗ hổng rất lớn về quản lý vật lực và con người.
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Các “nhóm lợi ích” là nguy cơ lớn nhất trong việc đục khoét ngân khố nhà nước - điều được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã phải cảnh báo. Trong vụ án ở Công ty ALCII, có hai đối tượng chịu mức án tử hình thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước với tội tham nhũng.
Ông Vũ Quốc Hảo và ê kíp của mình, trong vòng một năm (từ tháng 4.2008 - 3.2009) đã ký 10 hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng mua bán tài sản với nhiều đơn vị khác nhau.
Tuy nhiên, những hợp đồng cho thuê tài chính này thực chất là thực hiện nghiệp vụ cho vay, trong khi Công ty ALCII không có chức năng cho vay. Vậy cơ quan chủ quản và các ngành liên quan đã quản lý thế nào mà để Công ty này có thể làm trái luật trong thời gian dài như vậy?
Chúng ta có quyền đặt các câu hỏi: Nếu vụ án này không bị phanh phui sớm, những hành vi sai phạm của ông Hảo sẽ còn diễn ra tới bao giờ và lúc đó thiệt hại sẽ đến mức nào? Liệu chỉ thuần túy lãnh đạo ALCII có thể thực hiện một loạt hành vi sai phạm (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tội tham ô tài sản...) một cách dễ dàng như vậy?
Với vụ án của Dương Chí Dũng, quá trình xét xử đã minh chứng “lợi ích nhóm” trong nội bộ Tổng công ty này "rất sinh động". Thậm chí, giữa Chủ tịch và Tổng giám đốc Tổng công ty Vinalines có thể không muốn nhìn nhau, nhưng họ vẫn có thể ăn chia sòng phẳng.
Dù rằng không ai quá bất ngờ việc “gặm nhấm” trong các dự án, nhưng những lời khai của các đối tượng tại cơ quan điều tra và tại tòa, việc các đối tượng mang cả vali tiền đến nhà để chia chác nhau trong vụ án của Dương Chí Dũng đã thật sự gây bàng hoàng.
Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Tại sao các đối tượng này có thể “tâng” giá lên gấp 3 lần với một số tiền khổng lồ như vậy. Vậy những cơ quan quản lý nào thông qua dự án mua ụ nổi, những cơ quan nào kiểm tra chất lượng con tàu này..., họ có phát hiện ra sự bất bình thường của phi vụ “ngoạm” khối tiền khổng lồ của Nhà nước không?
Do đó, dù có 2 bản án tử hình đã được tuyên với 2 đối tượng cầm đầu, nhưng vẫn còn đó câu hỏi đang bỏ ngỏ với dư luận: Liệu còn những ai trong các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tay, tiếp sức, tiếp mưu cùng Dương Chí Dũng nữa hay không? Đặt ra câu hỏi này bởi lẽ, nếu một mình Dương Chí Dũng cùng đồng phạm liệu có thể “hô biến” một đống sắt vụn như thế từ 2,3 lên tới 9 triệu USD?
Theo ông, để ngăn ngừa có hiệu quả tệ nạn tham nhũng, cần có những giải pháp quan trọng nào?
Chính phủ đã và đang tái cấu trúc lại các DNNN – đây là bước đi rất quan trọng. Vấn đề là tái cấu trúc như thế nào để có thể đưa những người thật sự có tâm, có tầm vào vị trí quản lý doanh nghiệp. Mặt khác, chúng ta cần rà soát các văn bản pháp quy, các quá trình thẩm định quy hoạch, đầu tư, cung cấp tài chính, đấu thầu...
Đồng thời, chúng ta cũng chỉ nên giữ DNNN với những ngành, lĩnh vực thực sự cần thiết, còn lại nên cổ phần hóa. Điều này chúng ta cũng đang tiến hành nhưng tiến độ quá chậm. Và công tác phòng chống tham nhũng sẽ rất có hiệu quả nếu việc kê khai tài sản không hình thức như hiện nay.
Theo tôi, tất cả việc kê khai này cần công khai để cán bộ cùng cơ quan biết, dân biết và kiểm tra, có như vậy thì mọi thu nhập bất chính sẽ khó che giấu hơn rất nhiều.
Chúng ta có thể tin rằng, với các bản án nghiêm khắc vừa qua và các “vụ đại án” sắp đưa ra xét xử, đồng thời nếu thực hiện tốt chỉ thị mới đây của Bộ Chính trị về kê khai tài sản cũng như quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, thì ngay trong năm 2014 này sẽ có nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt.
Xin cảm ơn ông!