Các giao dịch thanh toán quốc tế Việt Nam với Nga có bị ảnh hưởng?

Theo Thế Anh/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Ngày 26/2, Mỹ cùng các nước đồng minh châu Âu và Canada đã đồng ý loại một số ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

VRB hiện là ngân hàng duy nhất có giấy phép tham gia kênh thanh toán riêng sang Liên bang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt - Nga.
VRB hiện là ngân hàng duy nhất có giấy phép tham gia kênh thanh toán riêng sang Liên bang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt - Nga.

Với người dân và doanh nghiệp Việt Nam, nhu cầu giao dịch và thanh toán quốc tế với các ngân hàng, đối tác, hay đơn giản là chuyển tiền cho con cái du học tại Nga có bị ảnh hưởng bởi thay đổi trên hay không?

Trước khi có tư vấn cụ thể từ các ngân hàng thương mại, hoặc có thể có thông tin chính thức từ các đầu mối chức năng chuyên trách, cũng như chờ đợi diễn tiến cụ thể của sự việc trên, người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam có thể định hình hoạt động chuyển tiền và thanh toán sang Nga, và ngược lại, một cách cơ bản trong dòng chảy thanh toán quốc tế chung đang vận hành hiện nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch thanh toán quốc tế tại Việt Nam hiện được chủ yếu xử lý qua Dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua hệ thống SWIFT và Dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) do các tổ chức tín dụng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Trong đó, việc xử lý qua hệ thống SWIFT là chủ yếu và chủ lực, bởi đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác.

Theo số liệu cập nhật đến cuối năm 2019, Việt Nam đứng thứ 15 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 54 các nước sử dụng SWIFT trên thế giới tính theo lưu lượng điện.

Và tính đến hết tháng 6/2019, tổng số lưu lượng điện đạt 8,34 triệu, trong đó số điện gửi là 4,24 triệu (tăng 14,3% so với cùng kỳ 2018); Điện nhận là gần 4,1 triệu (tăng 8,6% so với cùng kỳ 2018). Các tổ chức tín dụng đang sử dụng SWIFT là phương tiện thanh toán chủ chốt trong công tác thanh toán quốc tế.

Trong tình huống trên, nếu Nga bị hạn chế tiếp cận hệ thống SWIFT, các giao dịch thanh toán, chuyển tiền quốc tế từ Việt Nam sang Nga, và ngược lại, vẫn có các kênh truyền thống khác thay thế như thư tín, telex, dù rằng những kênh này không ưu việt như qua hệ thống SWIFT.

Và kể từ năm 2014, Nga đã thành lập hệ thống thanh toán SPFS. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, SPFS hiện có khoảng 400 khách hàng sử dụng và 20% giao dịch chuyển tiền tại Nga hiện được thực hiện thông qua SPFS…

Còn cụ thể và trực tiếp tại Việt Nam, theo giới thiệu của Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB), hiện nay VRB là ngân hàng duy nhất có giấy phép tham gia kênh thanh toán riêng sang Liên bang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt - Nga, giúp các khách hàng thực hiện chuyển tiền Việt - Nga dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và chính xác.

Theo VRB, dịch vụ thanh toán song phương Việt - Nga của VRB với hệ thống thanh toán song phương do Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) chủ trì, kết nối thanh toán trực tiếp đến tất cả các ngân hàng trong và ngoài lãnh thổ Nga có tham gia vào hệ thống thanh toán song phương này. Đây hầu hết là những ngân hàng lớn trên lãnh thổ Nga như VTB, Sberbank...