Giải pháp an toàn giao dịch trong thanh toán không dùng tiền mặt

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Để tránh tình trạng lừa đảo trong giao dịch ngân hàng, bên cạnh việc cảnh báo hướng dẫn người dùng, việc nâng cấp công nghệ, đảm bảo an ninh bảo mật là điều mà các nhà cung cấp dịch vụ phải lưu tâm.

Năm 2021, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua NAPAS lên tới 1,86 tỷ giao dịch với số tiền 23,6 triệu tỷ đồng. Nguồn: Internet
Năm 2021, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua NAPAS lên tới 1,86 tỷ giao dịch với số tiền 23,6 triệu tỷ đồng. Nguồn: Internet

Tăng trưởng vượt bậc

Đại dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế, làm đảo lộn đời sống sinh hoạt người dân và các hoạt động giao dịch, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong giai đoạn cả nước gồng mình chống dịch, thì các hoạt động dịch vụ thanh toán lại đạt được sự tích cực nhất định, là động lực thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao. Đồng thời, người dân cũng nhận ra vai trò của việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các app, còn các tổ chức tín dụng thấy được sự chủ động đầu tư thiết bị công nghệ, thực hiện ngân hàng số trong một thời gian dài đến nay đã đạt được kết quả ngoài sự mong đợi.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, năm 2021, theo số liệu Hiệp hội nắm bắt, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua NAPAS lên tới 1,86 tỷ giao dịch với số tiền 23,6 triệu tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2019 đến nay, thì số lượng giao dịch tăng lên 169% và giá trị giao dịch tăng lên 164 % bình quân hằng năm. Điều đó cho thấy lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt trong thời gian qua tăng lên với tốc độ hết sức lớn đặc biệt trong hai năm 2020-2021.

“Phải nói rằng, các hệ thống tổ chức tín dụng, các đơn vị trung gian thanh toán và các công ty tài chính tiêu dùng coi đây là một nhiệm vụ chiến lược, vì vậy đã chủ động đầu tư các thiết bị công nghệ để thực hiện chuyển đổi số. Do đó, lượng vốn đầu tư vào các lĩnh vực này rất lớn, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, người dân lại được giảm phí giao dịch, thậm chí đến đến nay là miễn phí hoàn toàn. Điều này cho thấy kết quả đầu tư của các tổ chức tín dụng đã đem lại kết quả hết sức khả quan, có tác động ngược trở lại phục vụ tốt cho người dân”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo vị Tổng thư ký, một trong những dịch vụ mà các tổ chức tín dụng đã mở rộng đó là triển khai dịch vụ eKYC, thanh toán qua QR Code, mở thẻ tín dụng, cho vay online,... Tuy nhiên, việc triển khai chưa được đồng bộ và hoàn thiện, vì hành lang pháp lý, trước hết là Luật giao dịch điện tử năm 2014 đến nay chưa sửa đổi, bổ sung, chưa đủ điều kiện để mở rộng, nhằm hoàn thiện đầy đủ các hoạt động dịch vụ của các tổ chức tín dụng, mà mới chỉ đáp ứng được phần nào. Ví dụ với eKYC mới chỉ để mở tài khoản, hay gửi hồ sơ thông qua Email, qua mạng để có thể giảm bớt thời gian của khách hàng cũng như của ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi thẻ chip cũng được quan tâm đẩy mạnh trong thời gian qua, nhưng tốc độ vẫn chưa đạt được. Vấn đề này, ông Hùng cho rằng, hơn hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết tâm muốn chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, song cũng có một số nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động như:

Thứ nhất, về khách quan, việc triển khai vào giai đoạn gấp rút nhất, thì bản thân chúng ta lại xảy ra dịch COVID-19, nên việc đi lại để giao dịch giữa người dân với tổ chức tín dụng bị khó khăn hơn.

Thứ hai, về chủ quan, bản thân người dân cũng chưa ý thức được, cho rằng khi thẻ vẫn sử dụng bình thường, chưa có vấn đề gì thì tại sao lại phải thay. Vì thế người dân cũng không chủ động đến để làm việc với ngân hàng chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Thêm vào đó là khi họ sử dụng thanh toán qua app tiện lợi quá, nên không quan tâm lắm đến việc đổi thẻ.

“Trong thời gian tới, tất cả những thẻ từ đến hạn sẽ hết hiệu lực, lúc đó sẽ có lộ trình triển khai thẻ chip phù hợp hơn”, ông Hùng nói.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng thế giới đánh giá, ở nhiều nơi trên thế giới, mọi người có thể sử dụng điện thoại thông minh để chuyển tiền và giờ đây, Việt Nam cũng đang bắt đầu triển khai thí điểm thanh toán di động Mobile Money. “Tất nhiên sẽ mất một thời gian, nhưng tôi tin rằng, đây sẽ là hướng đi đúng đắn, giúp những người dân không có tài khoản ngân hàng có thể tham gia vào nền kinh tế số, cho dù chúng ta ở miền núi phía Bắc, hay đồng bằng sông Cửu Long đều có thể thực hiện thanh toán. Đặc biệt, là nhận các khoản trợ cấp của Chính phủ, như đã thấy ở một số quốc gia và đây sẽ là công cụ tuyệt vời hỗ trợ cho việc chi trả”.

Nâng cao an toàn giao dịch

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, nhu cầu và hành vi tiêu dùng của người dân trên các kênh số tăng cao, tuy nhiên các ngân hàng, các trung gian thanh toán sẽ chuyển đổi số thế nào để đảm bảo an toàn, minh bạch và tiện lợi, nhằm thu hút khách hàng hướng tới xã hội không tiền mặt cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Đặc biệt, khi thanh toán không tiền mặt phát triển mạnh mang nhiều lợi ích cho người dân, thì đây cũng là mảnh đất màu mỡ mà tội phạm công nghệ cao lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh việc liên tục cảnh báo hướng dẫn người dùng, việc đầu tư nâng cấp công nghệ, xây dựng hệ sinh thái đảm bảo an ninh bảo mật cũng là điều mà các nhà cung cấp dịch vụ phải lưu tâm.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho rằng, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước trong khu vực có tốc độ tăng trưởng rất nhanh về thanh toán điện tử. Tuy nhiên, thời gian tới cũng cần phải lưu tâm giải quyết một số việc, ví dụ như liên quan đến hệ sinh thá,i hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hay cơ sở dữ liệu quốc gia, đến việc định danh cá nhân toàn quốc, rồi chia sẻ thông tin dữ liệu,... được triển khai nhanh hơn.

Còn theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Tiên Phong, áp dụng công nghệ để có thể thực hiện dịch vụ eKYC xác thực khách hàng từ xa, thì ngân hàng phải thực hiện rất nhiều các quy trình khác nhau để xác thực đúng đối tượng, bởi vì qua kênh này, sẽ có một số đối tượng cố tình giả mạo danh tính hòng qua mặt ngân hàng và mở tài khoản. Cho nên, trong thời gian sắp tới, khi mỗi người đều được trang bị Căn cước công dân gắn chíp, thì lúc đó các cơ sở giao dịch sẽ thuận lợi hơn và eKYC sẽ đảm bảo sự tin cậy hoàn toàn.

Tuy nhiên công nghệ liên tục thay đổi, trong khi quy định pháp luật còn chậm bổ sung, sửa đổi, ban hành cũng đang khiến các ngân hàng gặp khó trong chuyển đổi số ảnh hưởng chung đến mục tiêu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Vấn đề này, ông Hưng cũng chia sẻ, các quy định của chúng ta tồn tại cách đây 5-10 năm, trong khi những công nghệ mới, quy trình mới, dựa trên nền tảng số lại đòi hỏi phải thay đổi hết các quy trình thực hiện.

“Rõ ràng đến bây giờ, chúng ta đang phải làm sao vừa áp dụng được cái mới, nhưng đồng thời phải cố gắng để phù hợp với quy định cũ, đó là một trong những khó khăn, thách thức và chúng tôi kỳ vọng, các cơ quan quản lý đã nhìn thấy vấn đề này thì sẽ sớm có sự tháo gỡ”, ông Hưng bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, từ những băn khoăn trên, việc chuyển đổi công nghệ thẻ sẽ góp phần hạn chế rủi ro, cũng như các gian lận, giả mạo. Về kế hoạch tiếp tục thu hút và đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi thẻ, ông Hùng cho rằng, Hiệp hội Ngân hàng đã trao đổi với các tổ chức tín dụng rất nhiều, đặc biệt là với chi hội thẻ, để triển khai quyết liệt, rà soát, đánh giá rủi ro và làm rõ việc chuyển đổi ra sao, hiệu quả thế nào, tốn kém bao nhiêu.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng đã xác định, phải kiên quyết chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, với mục tiêu trên hết là phục vụ khách hàng được an toàn, hiệu quả nhất. Trong đó, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tiếp tục làm những diễn đàn truyền thông đến người dân, để hiểu được hiệu quả và tác dụng của việc chuyển đổi thẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích: Riêng về vấn đề an toàn giao dịch, đây là một vấn đề hết sức quan trọng, bản thân chúng tôi cũng luôn luôn quán triệt, chỉ đạo, kêu gọi các tổ chức tín dụng làm sao phải đảm bảo an toàn nhất. Thời gian qua, đã có những hiện tượng thông qua các tin nhắn của kẻ gian lợi dụng sự tin tưởng khách hàng, gửi đến điện thoại thông qua các giao dịch của app, dẫn tới hiện tượng lừa đảo xảy ra trong hệ thống ngân hàng.

Nhưng khi xảy ra ở tổ chức tín dụng này, thì ở tổ chức tín dụng khác cũng không xử lý kịp thời, dẫn tới việc tiền đến từ ngân hàng này đến ngân hàng khác và được rút ra. Do đó, dù làm việc với các cơ quan quản lý, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan ban ngành như công an vào cuộc, hỗ trợ cũng chỉ một phần, còn phần quan trọng nhất vẫn là người dân phải xác định được tài sản của mình, những nội dung quan trọng cần phải có sự tra soát, đánh giá lại xem có chính xác không.

Các tổ chức tín dụng cũng kiến nghị rằng, khi xảy ra những hiện tượng đó thì phải thông báo cho toàn hệ thống và cần thành lập một đơn vị, phòng chức năng nào đó, để đảm bảo chỉ cần phát hiện một đơn vị phát sinh giao dịch sai, thì ngay lập tức có thể thông tin được tất cả các hệ thống ngân hàng trong toàn quốc nắm bắt, hạn chế được giao dịch đó. Như vậy để thấy rằng, bản thân Hiệp hội ngân hàng, các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm, đảm bảo quyền lợi của người dân và đã chủ động làm việc với các bộ ngành để giảm thiểu rủi ro.