Các hãng sản xuất điện thoại Android có đang bế tắc?

Theo Zing News

Các nhà sản xuất điện thoại Android đang tích hợp rất nhiều công nghệ mới lên những chiếc điện thoại đầu bảng nhưng lại không tạo được nhiều dấu ấn trên thị trường.

Bản dựng chiếc điện thoại màn hình gập của Samsung.
Bản dựng chiếc điện thoại màn hình gập của Samsung.
Sau cuộc chạy đua về thông số cấu hình, độ phân giải camera, các hãng sản xuất điện thoại Android đang phải chật vật tìm ra thêm cho mình những điểm nhấn riêng để thu hút sự chú ý từ phía người dùng.
Cụm camera với cơ chế trượt mới
Gần đây, Oppo Find X được công bố với mới một màn hình tràn viền cho diện tích hiển thị mặt trước lên tới 93,8%, cao nhất từ trước tới nay. Để làm được điều đó, cụm camera ở cả mặt trước và mặt sau đã được di chuyển ẩn bên trong mô-đun trượt ở giữa.
Trước đó, chiếc Vivo Nex cũng được trình làng với màn hình cho diện tích hiển thị đạt 91,24% mặt trước. Nhà sản xuất đã giữ camera chính ở mặt lưng nhưng sử dụng một mô-đun camera trước có thể tự động bật lên ở trên đỉnh khi sử dụng.
Cách làm này khá sáng tạo, giúp cho màn hình của những chiếc điện thoại thông minh trở nên tràn viền thực sự thay vì phải có một phần "tai thỏ" như trước. Nhưng kiểu thiết kế này cũng để lộ nhiều nhược điểm và hạn chế trong quá trình sử dụng.
Các bộ phận cơ học khi di chuyển, trượt lên xuống nhiều lần trong khoảng thời gian dài có nguy cơ hư hỏng cao hơn. Bên cạnh đó là các vấn đề về độ bền của bộ phận này. Khi rơi hoặc va chạm mạnh, chúng rất dễ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chi phí sửa chữa cũng khá đắt đỏ và khó sửa hơn.
Các hãng sản xuất điện thoại Android có đang bế tắc? - Ảnh 1
Vivo Nex cũng sử dụng mô-đun trượt cho camera selfie.
Ngay cả khi các bộ phận cơ học này có thể hoạt động ổn định, chúng vẫn gây ra nhiều trở ngại khác. Người dùng sẽ không thể sử dụng ốp lưng, vỏ bảo vệ trên Oppo Find X hay Vivo Nex nếu muốn chụp ảnh tự sướng. Chưa kể tới những nguy cơ về bụi bẩn, cát bám vào các linh kiện này gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành.
Các nâng cấp phần cứng khác
Không chỉ cụm camera với cơ chế trượt, rất nhiều ý tưởng đã được các nhà sản xuất đưa ra thử nghiệm. Motorola đã quảng bá về việc sử dụng Moto Mods cho điện thoại Moto Z của mình từ vài năm trước.
Các phụ kiện này kết nối với mặt sau của điện thoại Moto Z bằng nam châm và sẽ cung cấp thêm các tính năng bổ sung bao gồm pin gắn ngoài, máy ảnh tốt hơn và gamepad biến điện thoại Moto Z thành máy chơi game cầm tay.
Các hãng sản xuất điện thoại Android có đang bế tắc? - Ảnh 2
Ý tưởng sử dụng mô-đun trên điện thoại cũng nhanh chóng bị lãng quên.
Ý tưởng này cũng được Essential Phone thực hiện với khả năng truyền dữ liệu không dây. Và trước đó một vài năm, LG cũng cố gắng tích hợp các mô-đun gắn ngoài trên chiếc LG G5 nhưng đã thất bại.
Ngoài ra, điện thoại chuyên chơi game cũng được đẩy mạnh với những tính năng như màn hình 90 Hz và thậm chí 120 Hz. Bên cạnh đó là khả năng làm mát đặc biệt và cả một bộ xử lý đã được ép xung như trên chiếc Asus ROG Phone.
Các hãng sản xuất điện thoại Android có đang bế tắc? - Ảnh 3
Bản dựng chiếc điện thoại màn hình gập của Samsung.
Thậm chí, một số mánh lới quảng cáo vẫn còn chưa được hiện thực hóa như chiếc điện thoại có khả năng gập màn hình lại. Một số tin đồn gần đây cho biết, Huawei đang làm việc với nhà sản xuất màn hình Trung Quốc BOE để tạo ra chiếc điện thoại màn hình 8 inch có thể gập lại được và sẽ công bố vào cuối năm 2018.
Có thể thấy, các nhà sản xuất điện thoại Android đang cố gắng đưa hàng loạt công nghệ mới vào những chiếc điện thoại đầu bảng của mình để tạo ra điểm nhấn trên thị trường.
Các hãng sản xuất điện thoại Android có đang bế tắc? - Ảnh 4
3 camera trên Huawei P20 Pro không chỉ mang tính quảng cáo mà nó cho hiệu quả thực sự.
Rất nhiều tính năng chỉ mang tính trình diễn, không thực sự mang lại nhiều giá trị cho người dùng. Nhưng vẫn có những trang bị thực sự hữu ích như cụm ba camera trên Huawei P20 Pro, cảm biến vân tay trong màn hình như Vivo Nex hay công nghệ rung màn hình để tạo ra âm thanh mà không cần loa.
Cấu hình không còn là duy nhất
Các nhà sản xuất điện thoại thông minh đều hiểu rằng họ không thể phát hành các thiết bị đầu bảng mỗi năm với chỉ những nâng cấp về một bộ vi xử lý nhanh hơn, RAM và bộ nhớ hơn hay màn hình độ phân giải cao hơn.
Các hãng sản xuất điện thoại Android có đang bế tắc? - Ảnh 5
Các hãng không còn tập trung vào cấu hình nhưng lại chưa có những bước tiến thực sự.
Đó đã là xu thể của một vài năm về trước, hiện tại công ty nào cũng có thể làm được điều đó. Muốn tạo được chú ý thì sản phẩm của hãng phải thật khác biệt và độc đáo.
Tuy nhiên với tình trạng các nhà sản xuất liên tục áp dụng hàng loạt tính năng mới tràn lan như hiện nay thì thị trường sẽ khó có thể đạt được những tiến bộ vượt bậc hay tạo ra xu hướng phát triển mới.