Các khoản cho vay ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ phục hồi?


Các khoản cho vay ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản đạt 164 tỷ USD trong ba tháng cuối năm 2024, tín hiệu tích cực nhất trong ba năm qua.

Trong 3 tháng cuối năm 2024, tổng giá trị các khoản cho vay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đạt 164 tỷ USD. Ảnh: BT
Trong 3 tháng cuối năm 2024, tổng giá trị các khoản cho vay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đạt 164 tỷ USD. Ảnh: BT

Thực tế trên báo hiệu một khởi đầu mạnh mẽ cho năm 2025, có khả năng đảo ngược sự suy giảm các khoản cho vay tại khu vực này trong 3 năm từ mức đỉnh hàng năm là 672,5 tỷ đô la Mỹ trong năm 2021.

"Triển vọng lãi suất ổn định và chu kỳ bầu cử kết thúc ở một số nền kinh tế lớn sẽ thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp. Điều này sẽ thúc đẩy hoạt động M&A và chi tiêu vốn. Chúng tôi đang kỳ vọng một sự gia tăng mạnh mẽ trong khối lượng tài trợ", Andrew Ashman, Giám đốc bộ phận cho vay khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Barclays cho biết.

Dòng giao dịch cho năm 2025 đang dần hình thành. Tại Australia, khoản vay mua lại trị giá 800 triệu AUD (683 triệu SGD) hỗ trợ cho việc tiếp quản công ty cho thuê xe SG Fleet Group của Pacific Equity Partners dự kiến sẽ được triển khai trong I/2025. Trong khi đó, công ty than đá Mỹ Peabody Energy cũng có kế hoạch vay 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm nay để mua lại các mỏ than luyện thép của Anglo American.

Tại Ấn Độ, Reliance Industries đang tìm cách vay tới 3 tỷ đô la Mỹ, đây có thể là khoản vay lớn nhất tại ​​quốc gia này kể từ năm 2023, trong khi Shriram Finance đang tìm cách chia sẻ một phần khoản tài trợ xã hội đa tiền tệ trị giá 1,28 tỷ USD. Đây là thỏa thuận quốc tế lớn nhất từ trước đến nay của một công ty tài chính phi ngân hàng tại Ấn Độ. Ở khu vực khác, Marina Bay Sands đang tìm tài trợ cho một khoản vay có giá trị lên tới 12 tỷ đô la Singapore, lập kỷ lục tiềm năng cho Singapore.

Bên cạnh đó, hoạt động tài trợ M&A trong khu vực, ngoại trừ Nhật Bản đã tăng trong quý trước với khối lượng gần như tăng gấp đôi theo năm lên 14 tỷ đô la Mỹ, đưa tổng số tiền hàng năm lên 35 tỷ USD, ngang bằng với năm trước.

Theo Scott Austin, Giám đốc thị trường vốn cho vay Australia và hợp vốn Châu Á - Thái Bình Dương tại Sumitomo Mitsui Banking Corp.: "Với triển vọng rõ ràng hơn về nền kinh tế và lãi suất, các nhà tài trợ có thể hình thành quan điểm mới về việc định giá các thương vụ tiềm năng với sự tin tưởng và tự tin hơn, nhờ vào tâm lý tích cực hơn đối với các yếu tố như lạm phát, chi phí lao động và sức mạnh cơ bản của thị trường".

Trong khi đó, làn sóng các khoản vay Samurai, nơi các công ty nước ngoài huy động nợ bằng đồng yên, dự kiến sẽ tiếp tục khi các bên vay tìm cách giảm chi phí tài trợ và đa dạng hóa nguồn tiền tệ của họ.

Nhóm nghiên cứu tại Bloomberg chỉ ra, các công ty ở Châu Á - Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản, đã ký kết một khoản kỷ lục 1,2 nghìn tỷ yên (8,7 tỷ đô la Singapore) vào các nguồn như vậy vào năm 2024.

Velarie Lee, Giám đốc điều hành bộ phận phát hành và đại lý, thị trường vốn cho vay Nam và Đông Nam Á tại SMBC cho biết: “Mặc dù lãi suất đồng yên đang tăng dần, nhưng kỳ vọng là lãi suất đồng đô la Mỹ sẽ không giảm nhanh như vậy. Vì vậy, điều này vẫn có thể hợp lý đối với những người đi vay nhạy cảm về lãi suất.”

Lãi suất qua đêm có bảo đảm (SOFR) - lãi suất tham chiếu cho các giao dịch bằng đồng đô la Mỹ, đang dao động quanh mức 4,49%/năm sau khi FED cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất vào tháng 12/2024. Ngược lại, Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất gần bằng 0.

Các chuyên gia dự doán, Trung Quốc sẽ vẫn là một trong những thị trường chính cho các khoản vay ở châu Á vào năm 2025, bất chấp những thách thức kinh tế của quốc gia này. Theo dữ liệu được tổng hợp, các giao dịch Nhân dân tệ ở nước ngoài đã tăng hơn 4 lần lên mức kỷ lục 58,7 tỷ nhân dân tệ (11 tỷ đô la Singapore) vào năm 2024.

Chuyên gia Amit Lakhwani tại Standard Chartered nhận định hoạt động cho vay của nền kinh tế Trung Quốc sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động tái cấp vốn, chi tiêu vốn hoặc để tài trợ cho nhu cầu tăng trưởng.

Ông nói thêm: "Mặc dù triển vọng của thị trường cho vay châu Á tương đối tươi sáng, nhưng các ngân hàng vẫn thận trọng về những trở ngại tiềm ẩn có thể phát sinh vào năm 2025. Điều này bao gồm các tín hiệu thay đổi của FED về định hướng lãi suất và thuế quan thương mại có thể phát sinh sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào cuối tháng này".

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn