Các kịch bản cho Brexit

Theo Minh Đức/thoibaonganhang.vn

Nếu như Chính phủ Anh không tìm được tiếng nói chung với EU trong kế hoạch Brexit thì một khả năng vẫn phải tính đến đó là Anh có thể rời EU mà không có thỏa thuận.

Rất nhiều khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào.
Rất nhiều khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào.

Trì hoãn một cuộc chia tay

Sau khi các nghị sĩ Quốc hội Anh lần thứ 2 nhất trí bác yêu cầu tổ chức bầu cử sớm nhằm giải quyết bế tắc liên quan đến quá trình Brexit, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang rơi vào tình thế vô cùng khó khăn ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong tháng 10/2019. 

Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức nói lời chia tay EU vào ngày 31/10. Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây khả năng Anh rời EU với một thỏa thuận sẽ khó xảy ra. Thay vào đó, giới phân tích đang vạch ra nhiều kịch bản đối với Brexit.

Anh sẽ rời EU đúng theo kế hoạch vào ngày 31/10 trừ khi chính phủ quốc gia này gửi yêu cầu trì hoãn Brexit đến EU và nhận được sự chấp thuận từ lãnh đạo 27 quốc gia thành viên.

Thủ tướng Johnson không muốn kéo dài thêm quá trình Brexit nhưng nhiều nghị sĩ trong quốc hội quan ngại về việc Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận nào có thể ảnh hưởng lớn đến quốc gia này. Họ đã thông qua một đạo luật buộc ông Johnson phải xin trì hoãn Brexit thêm 3 tháng, cho đến ngày 31/1/2020, để ngỏ khả năng sẽ có những lần trì hoãn tiếp theo.

Dự luật này sẽ chính thức có hiệu lực nếu như ông Johnson không thể đạt được một thỏa thuận rời đi với EU, hoặc bằng cách nào đó có thể thuyết phục được các nghị sĩ ủng hộ kế hoạch “Brexit không thỏa thuận” trước ngày 19/10.

Liệu có đạt được thỏa thuận mới?

Anh có thể thực hiện Brexit đúng ngày 31/10 nếu như thành công trong quá trình đàm phán một thỏa thuận mới với EU và bản thỏa thuận đó phải nhận được sự thông qua của đa số các nghị sĩ trong quốc hội.

Hiện tại, Thủ tướng Anh vẫn tin sẽ đạt được một thỏa thuận mới trước khi Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo quốc gia EU diễn ra trong hai ngày 17-18/10, và có thể đưa nước Anh rời EU như đã hứa vào ngày 31/10. Nhưng đây là một viễn cảnh rất khó xảy ra khi các lãnh đạo EU đã từ chối tái đàm phán về thỏa thuận đạt được trước đó, đồng thời cũng chỉ trích ông Johnson khi đã không thể đề xuất một kế hoạch nào cụ thể hơn.

Nếu như chính phủ Anh không tìm được tiếng nói chung với EU trong kế hoạch Brexit thì một khả năng vẫn phải tính đến đó là Anh có thể rời EU mà không có thỏa thuận.

Tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên diễn tại Luxembourg, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã không đạt được bất kỳ bước đột phá nào, mặc dù trước đó Chính phủ Anh khẳng định đã có một cuộc gặp mang tính xây dựng với đại diện châu Âu. Như vậy, Anh vẫn không đề xuất được bất kỳ giải pháp thay thế khả thi nào đối với điều khoản "chốt chặn", vốn được coi là trở ngại chính để EU và Anh có thể đạt được thỏa thuận Brexit.

Trưởng đoàn đàm phán của EU về vấn đề Anh rời khỏi EU, ông Michel Barnier cho biết yếu tố gây tranh cãi nhất của thỏa thuận, điều khoản "chốt chặn" - cơ chế nhằm giữ cho đường biên giới mở giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland trong mọi tình huống tiếp tục là nút thắt trong quá trình đàm phán giữa hai bên. Tuy nhiên, Anh chỉ đơn giản yêu cầu loại bỏ điều khoản này và hứa hẹn giải quyết vấn đề đường biên giới trên đảo Ireland trong các cuộc đàm phán tương lai mà không có cách làm cụ thể.

Theo nhận định của tờ Le Monde (Pháp), kịch bản Brexit không thỏa thuận nếu xảy ra thì sẽ tạo ra những tác động kinh tế lớn đến cả hai khu vực EU và Anh. Trong đó, tờ báo Pháp nhận định vấn đề đóng góp ngân sách năm 2019 của EU cũng sẽ được tính đến. Nếu Anh rời EU vào cuối tháng 10 tới mà không có thỏa thuận, về mặt lý thuyết ngân sách EU sẽ mất khoảng 17,6 tỷ đóng góp hàng năm của Anh (14,3 tỷ euro được lấy từ các khoản thu thuế quốc gia và 3,3 tỷ euro từ thuế đánh vào hàng nhập khẩu).

Trong khi đó, nền kinh tế Anh cũng chưa sẵn sàng cho kịch bản này. Theo số liệu thống kê mới nhất, kinh tế Anh đã giảm 0,2% trong quý II/2019. Ngoài ra, một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Anh mới đây ước tính nước này bị mất 3% thu nhập quốc gia trong ba năm kể từ khi bỏ phiếu rời khỏi EU.

Bên cạnh đó, sự không chắc chắn trong vấn đề Brexit đã cản trở tăng trưởng đầu tư kinh doanh trong bốn năm  qua tại Anh kể từ khi Quốc hội thông qua luật yêu cầu trưng cầu ý dân. Cơ quan thương mại UNCTAD của Liên Hợp quốc cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Anh vào EU sẽ giảm 16 tỷ USD với kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Mặc dù vậy, theo tờ Financial Times của Anh, khả năng “Brexit cứng”, tức việc Anh ra khỏi EU mà không đạt thỏa thuận, hiện giờ là khả năng cao nhất có thể xảy ra vào cuối tháng 10 tới.