Các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2015 và đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011-2015
(Tài chính) Năm 2015 là năm đánh dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Do đó, các nỗ lực điều hành nhằm cải thiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng sẽ được đẩy mạnh. Cùng với đà tăng trưởng của năm 2014 và bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo khả quan, kinh tế năm 2015 vẫn tiếp tục đà phục hồi.
1. Các kịch bản tăng trưởng
Các kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2015 được xây dựng với giả thiết kinh tế thế giới không có quá nhiều biến động chính trị, xã hội xảy ra; trong đó các giả thiết cụ thể như sau : tốc độ tăng thương mại toàn cầu năm 2015 đạt mức 5,14%; Tốc độ tăng trưởng kinh tế các quý năm 2015 lần tương ứng là 3,35%, 3,5%, 3,4% và 3,8%.Với các giả thiết này, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 sẽ phụ thuộc vào các diễn biến khác nhau của tình hình trong nước, trong đó các yếu tố quyết định sẽ là vốn đầu tư và nỗ lực điều hành của Chính phủ. Các giả thiết cụ thể với từng kịch bản như sau:
Kịch bản 1, cũng là kịch bản chủ với nhiều khả năng xảy ra hơn diễn ra với giả định tình hình an ninh thế giới cũng như trong khu vực không có quá nhiều biến động, tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam; Trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu chính, tuy nhiên việc đẩy mạnh hơn tăng trưởng nhằm tạo đà phát triển cho nền kinh tế cũng sẽ được chú trọng. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 được giả định vẫn dựa vào vốn đầu tư (giả thiết đầu tư công tăng 7-7,5% trung bình năm). Với dân số tăng trung bình 0,3%/quý và việc làm tăng 0,8%/quý năm 2015, khi đó tăng trưởng kinh tế năm 2015 sẽ đạt mức khoảng 6,32%, lạm phát trung bình năm 2015 ở mức 5%.
Kịch bản 2, tuy ít khả năng xảy ra hơn so với kịch bản chủ nhưng vẫn có thể xảy ra với giả thiết như kịch bản 1 nhưng kinh tế Việt Nam năm 2015 được hưởng lợi nhiều hơn từ tiến trình cải cách kinh tế và hội nhập; Nỗ lực cải cách pháp lý và môi trường đầu tư có những kết quả bước đầu; Kỳ vọng điều hành chính sách tài chính – tiền tệ như mong đợi, cụ thể: chính sách tiền tệ và tỷ giá linh hoạt, trong đó tỷ giá tương đối ổn định, lãi suất điều hành trung bình 7% năm 2015 và cung tiền, tín dụng đạt được mục tiêu đã đề ra. Khi đó tăng trưởng GDP sẽ có thể đạt cao hơn, ở mức 6,67% trong khi lạm phát vẫn ở mức ổn định, ước khoảng 6%.
Với các giả định như vậy, dự báo GDP các quý năm 2015 sẽ tiếp tục được cải thiện. Với kịch bản cao, GDP 6 tháng cuối năm là khả quan, cụ thể như trong bảng dưới:
Như vậy, ở cả 2 kịch bản, với các giả thiết về kinh tế thế giới và trong nước đã trình bày, tăng trưởng GDP năm 2015 nhiều khả năng sẽ tiếp tục cải thiện so với năm 2014. Về phía cung, tăng trưởng GDP năm 2015, xu hướng chính của năm 2014 vẫn sẽ được duy trì, trong đó, đáng chú ý là sự hồi phục của khu vực CN-XD, vượt qua được khu vực DV. Theo đó, khu vực DV năm 2015, trở lại xu hướng thời gian gần đây tiếp tục trở thành khu vực dẫn dắt và đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Về phía cầu, vốn và xuất khẩu vẫn sẽ là yếu tố chủ đạo đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Xu hướng xuất siêu dự báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì.
2. Ước thực hiện một số chỉ tiêu KT-XH giai đoạn 2011-2015
Kết hợp tình hình kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2014 và dự báo cho năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 trung bình sẽ đạt khoảng 5,8%, thấp hơn so với mức kế hoạch đặt ra 6,5-7%.
Về phía cung, việc giảm sút tăng trưởng toàn nền kinh tế chủ yếu là do tốc độ tăng của khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ không đạt được như dự tính. Tốc độ tăng của khu vực nông lâm thủy sản ở mức khá tốt, cao hơn so với kế hoạch, tuy nhiên, do tỷ trọng thấp nên không đủ bù đắp cho mức giảm của 2 khu vực còn lại.
Về phía cầu, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này là nhờ sự đóng góp đáng kể của thương mại quốc tế. Kim ngạch và tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu đều đạt và vượt khá cao so với kế hoạch đề ra. Theo đó, ước kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt trên 665 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trung bình 5 năm là 19%, cao hơn rất nhiều so với mức kế hoạch 12-14%. Ước kim ngạch nhập khẩu đạt 666 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trung bình 5 năm là 14,6%, cao hơn so với kế hoạch là 12,5%. Kết quả là nhập siêu 5 năm chỉ ở mức 0,12%, thấp hơn rất nhiều so với mức kế hoạch là nhập siêu 10%. Tuy nhiên, có thể thấy, tốc độ tăng vốn thấp có tác động đến tăng trưởng.
Về đầu tư, với chủ trương tái cấu trúc đầu tư, tỷ trọng vốn đầu tư trên GDP đã và đang được duy trì ở mức 30%, đây được coi là thành công bước đầu trong việc hướng tăng trưởng kinh tế tính đến hiệu quả. Ước hệ số ICOR trung bình giai đoạn 2011-2015 sẽ khoảng 5,3 với tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP là 31% và tăng trưởng GDP là 5,83%, đã thấp hơn so với tương ứng thời kỳ 2006-2010 là 6,1 .
Về giá cả, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để kiềm chế lạm phát và duy trì lạm phát ở mức thấp trong những năm cuối của kế hoạch, tuy nhiên, mức lạm phát trung bình 5 năm ước ở mức 8,7%, vẫn cao hơn so với kế hoạch đề ra.