Các lựa chọn pháp lý của Việt Nam trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981
(Tài chính) Đấu tranh pháp lý cũng là đề xuất của một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trong thời gian qua. Để tìm hiểu về các lựa chọn đấu tranh pháp lý của Việt Nam, bài viết trước hết xin phân tích về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc hạ đặt giàn khoan. Sau đó, bài viết sẽ phân tích các lựa chọn về biện pháp pháp lý qua khả năng sử dụng các cơ chế tài phán khác nhau để bảo vệ quyền lợi cho Việt Nam.
Trước những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, ngày 21/5, khi trả lời phỏng vấn của các phóng viên quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời rằng Việt Nam đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.
1. Các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981
Thứ nhất là chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Việt Nam có đủ các bằng chứng pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa. Mặc dù thiếu các bằng chứng pháp lý, Trung Quốc cũng nhận có họ có chủ quyền với Hoàng Sa.
Từ góc độ pháp luật quốc tế, khi yêu sách của một bên về một vấn đề thực tiễn, pháp lý, hay chính sách vấp phải sự từ chối hay phủ nhận từ bên kia hoặc cả hai bên đưa ra những yêu sách trái ngược nhau thì sẽ tồn tại một tranh chấp. Như vậy, tồn tại tranh chấp cần giải quyết để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa.
Thứ hai, là việc giải thích và áp dụng các quy định của Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 về quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, một quốc gia ven biển, với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và nghĩa vụ của Trung Quốc trong việc tuân thủ các quyền của Việt Nam trong vùng biển này. Việc hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc đã xâm phạm vào quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Thứ ba là việc giải thích quy chế đảo để xác định khả năng các vùng biển được tạo ra từ các đảo theo Công ước Luật biển 1982. Mặc dù Việt Nam có các bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với toàn bộ Hoàng Sa, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tuyên bố rằng địa điểm hạ đặt giàn khoan thuộc vùng biển của đảo Trung Kiến (tên Trung Quốc đặt trái phép cho đảo Tri Tôn của Việt Nam) của Trung Quốc. Lập luận này của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa mà còn tạo ra vấn đề pháp lý về việc xác định vùng biển của các đảo ở Hoàng Sa.
Thứ tư là việc bảo đảm quyền tự do hàng hải, an toàn an ninh hàng hải tại Biển Đông. Trong vụ việc hạ đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc đã đơn phương yêu cầu tàu thuyền không qua lại trong phạm vi 3 hải lý và cố tình tiến hành đâm va, phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam. Hành động này vi phạm quyền tự do hàng hải mà Công ước Luật biển 1982 quy định cho tàu thuyền của tất cả các quốc gia, đe dọa đến an ninh và an toàn hàng hải.
Thứ năm là việc thực hiện nguyên tắc hòa bình để giải quyết tranh chấp. Trong vụ việc hạ đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc đã đơn phương tiến hành các hành vi khiêu khích, triển khai tàu hải quân, máy bay quân sự để đe dọa sử dụng vũ lực với Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế.
2. Các lựa chọn về biện pháp pháp lý
Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế là một nghĩa vụ được quy định rõ tại Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, các quốc gia có nghĩa vụ lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Hiến chương của Liên hợp quốc gợi ý các biện pháp là: Đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án và giải quyết thông qua các tổ chức quốc tế. Trong các biện pháp này, giải quyết tranh chấp bằng tòa án và trọng tài được coi là các biện pháp pháp lý. Trong các tòa án và trọng tài quốc tế hiện nay có Tòa Công lý quốc tế, Tòa án luật biển, Tòa trọng tài thường trực và các trọng tài vụ việc bao gồm cả Tòa được thành lập theo Phụ lục VII và Phụ lục VIII của Công ước Luật biển 1982.
Tòa Công lý quốc tế (ICJ) là tòa án được thành lập năm 1945 trong khuôn khổ của Liên hợp quốc có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp pháp lý trong mọi lĩnh vực của quan hệ quốc tế giữa các quốc gia. Như vậy về nguyên tắc, Tòa Công lý quốc tế sẽ có thẩm quyền giải quyết cả năm vấn đề pháp lý liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981. Tuy nhiên, về thủ tục Tòa Công lý quốc tế chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu tất cả các bên trong tranh chấp chấp nhận đưa vụ việc ra giải quyết trước Tòa. Hiện nay, Trung Quốc luôn ngang ngược khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với Hoàng Sa và từ chối các đề nghị đàm phán với Việt Nam. Trong vụ việc hạ đặt giàn khoan này, ít khả năng Trung Quốc chấp nhận đàm phán hay đưa ra giải quyết tại Tòa Công lý quốc tế. Thiếu sự chấp thuận của Trung Quốc, cho dù Việt Nam khởi kiện, Tòa sẽ kết luận không có thẩm quyền để giải quyết vụ việc.
Tòa luật biển quốc tế (ITLOS) được thành lập trong khuôn khổ của Công ước Luật biển 1982 có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Luật biển 1982. Như vậy, về nguyên tắc Tòa luật biển quốc tế cũng có khả năng giải quyết hầu hết các vấn đề pháp lý trong vụ việc hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc. Tuy nhiên, tương tự như Tòa Công lý quốc tế, thẩm quyền của Tòa được thiết lập dựa trên sự chấp thuận của các bên trong tranh chấp. Do vậy, thiếu sự chấp thuận của Trung Quốc, Tòa cũng sẽ kết luận không có thẩm quyền để giải quyết vụ việc.
Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) như tên gọi của mình là Trọng tài thường trực, có trụ sở đặt tại Lahay (Hà Lan). Trọng tài có thẩm quyền xét xử rất rộng, tất cả các tranh chấp pháp lý và có thể mở rộng đến cả tranh chấp không mang tính pháp lý giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và cả cá nhân (miễn là một trong hai bên tranh chấp là quốc gia hoặc tổ chức quốc tế). Như vậy, Trọng tài thường trực quốc tế có khả năng xét xử tất cả các vấn đề pháp lý trong vụ việc hạ đặt trái phép giàn khoan của Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng tương tự như Tòa Công lý quốc tế, Trọng tài thường trực quốc tế không có thẩm quyền cho dù ta khởi kiện bởi thiếu sự chấp thuận của Trung Quốc.
Trọng tài thành lập theo Phụ lục VIII của Công ước Luật biển 1982. Đây là trọng tài vụ việc, mang tính tạm thời (ad hoc), được thành lập theo từng vụ việc riêng lẻ và chấm dứt vụ việc sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Trọng tài có thẩm quyền xét xử các vụ việc liên quan đến nghiên cứu khoa học biển. Vì vậy, trong vụ việc lần này, thẩm quyền của Trọng tài hầu như không liên quan và ta khó có thể sử dụng cơ chế này.
Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật biển 1982. Đây cũng là một trọng tài vụ việc nhưng có thẩm quyền xét xử rộng đối với các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước Luật biển 1982. Tuy nhiên, phạm vi này bị hạn chế với một số loại tranh chấp liên quan đến nghiên cứu khoa học biển và đánh cá. Đồng thời, thẩm quyền của trọng tài cũng có thể bị hạn chế thêm với các tranh chấp về phân định biển, vịnh lịch sử, danh nghĩa lịch sử, các hoạt động quân sự và tranh chấp do Hội đồng Bảo an đang xem xét, nếu các bên yêu cầu. Điểm đặc biệt của Trọng tài này là một bên có thể đơn phương khởi kiện mà không cần sự chấp thuận của bên kia trong tranh chấp, với điều kiện tuân thủ một số thủ tục sau:
- Đã tiến hành trao đổi quan điểm trong một khoảng thời gian mà không đạt được kết quả.
- Giữa các bên trong tranh chấp không có điều ước song phương hoặc đa phương nào có thể giải quyết tranh chấp bằng một phán quyết có giá trị ràng buộc.
Liên hệ với vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép 981, Việt Nam đã tiến hành hơn 20 lần giao thiệp mà không đạt được kết quả. Đây có thể coi như nghĩa vụ trao đổi quan điểm đã hoàn thành.
Giữa Việt Nam và Trung Quốc tồn tại hai văn bản có thể được viện dẫn có liên quan đến như điều ước song phương và đa phương để giải quyết tranh chấp. Thứ nhất là, Hiệp ước thân thiện hữu nghị giữa các quốc gia ASEAN (TAC). Trong hiệp ước này, có cơ chế để giải quyết tranh chấp nhưng cần sự chấp thuận của Trung Quốc và không dẫn tới kết quả ràng buộc. Thứ hai là, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông. Văn bản này thực chất không phải là điều ước quốc tế và cũng không có cơ chế giải quyết tranh chấp dẫn tới kết quả ràng buộc.
Kết hợp cả hai điều kiện này, Việt Nam có thể đơn phương khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài theo Phụ lục VII. Tuy nhiên, Việt Nam có thể khởi kiện vấn đề gì cần có sự xem xét kỹ lưỡng:
Thứ nhất, vì Trọng tài theo Phụ lục VII chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước Luật biển 1982 mà Công ước này chỉ quy định về việc xác định các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc khai thác và quản lý biển, mà không quy định về các cơ sở pháp lý để thiết lập chủ quyền lãnh thổ nên Việt Nam không thể kiện Trung Quốc về chủ quyền của Hoàng Sa ra trọng tài này.
Thứ hai, năm 2006 Trung Quốc đã ra tuyên bố loại bỏ các tranh chấp liên quan đến phân định biển, vịnh lịch sử, danh nghĩa lịch sử, các hoạt động quân sự và tranh chấp do Hội đồng Bảo an đang xem xét khỏi phạm vi giải quyết tranh chấp của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Luật biển. Theo quy định của Công ước, tuyên bố này của Trung Quốc có giá trị vì các quốc gia có quyền loại bỏ như vậy. Do vậy, ta không thể kiện Trung Quốc về các vấn đề nêu trên.
Như vậy, ta có thể kiện một số vấn đề cụ thể sau: (1) Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, (2) Yêu cầu giải thích quy chế đảo của Hoàng Sa. Nếu Tòa kết luận được các yêu cầu này của Việt Nam theo hướng Hoàng Sa chỉ có 12 hải lý và Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thì sẽ là một thắng lợi giúp chúng ta bảo vệ được vùng biển, tránh âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò của Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có khả năng để xem xét hai hai vấn đề này Tòa trọng tài không thể đưa ra kết luận cuối cùng vì liên quan đến phân định biển.
Việt Nam cũng có thể kiện các vấn đề pháp lý còn lại của vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép liên quan đến tự do, an ninh, an toàn hàng hải và sự vi phạm nghĩa vụ hòa bình giải quyết tranh chấp của Trung Quốc. Đây là các vấn đề không nằm trong tuyên bố loại trừ của Trung Quốc.
Điểm đáng chú ý là nếu Việt Nam khởi kiện tại Trọng tài theo Phụ lục VII, trong thời gian Tòa thụ lý vụ kiện Việt Nam có thể yêu cầu Tòa Công lý quốc tế hoặc Tòa án Luật biển quốc tế ra quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời để buộc Trung Quốc chấm dứt hành vi gây thiệt hại về phương tiện và thương tích cho lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, đồng thời chấm dứt khoan tại địa điểm hạ đặt trái phép hiện nay cho tới khi có phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài.
Ngoài ra, nếu Tòa cho rằng không thể đưa ra ý kiến về một số yêu cầu của Việt Nam liên quan đến phân định biển thì theo quy định của Công ước 1982, Trung Quốc sẽ phải tham gia hòa giải bắt buộc với Việt Nam để có được một ý kiến khuyến nghị khách quan của một bên thứ ba về giải quyết tranh chấp.
Ngoài thủ tục khởi kiện ra Tòa án và trọng tài quốc tế, các học giả còn đưa ra quan điểm sử dụng Tòa án trong nước hoặc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tòa án trong nước của Việt Nam khó có thể giải quyết vụ việc này bởi hai lý do. Thứ nhất, giàn khoan Hải dương 981 thuộc Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc và có thể được miễn trừ tài phán tại Tòa án quốc gia khác do nguyên tắc miễn trừ tài phán giữa các quốc gia với nhau được quy định trong luật quốc tế. Thứ hai, tính cưỡng chế của một phán quyết của Tòa án trong nước trong vụ việc này không cao vì dễ bị coi là không có tính khách quan và không có công cụ để cưỡng chế thi hành. Tòa Việt Nam cho dù ra phán quyết cũng không thể tùy tiện thi hành phán quyết với các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam do hành vi vi phạm này là trách nhiệm của nhà nước Trung Quốc.
Hội đồng Bảo an sẽ dễ dàng bị vô hiệu hóa, không ra được Nghị quyết lên án hành vi đe dọa hòa bình an ninh quốc tế của Trung Quốc vì Trung Quốc là một thành viên Thường trực có quyền phủ quyết. Đồng thời, nếu ta đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an và Trung Quốc kéo dài thời gian vụ việc được xem xét tại Hội đồng Bảo an thì ta không thể kiện Trung Quốc tại Trọng tài theo Phụ lục VII vì các vấn đề mà Hội đồng Bảo an đang xem xét sẽ bị loại trừ khỏi thẩm quyền xét xử của Trọng tài này.
Tóm lại, qua những phân tích về khả năng sử dụng biện pháp pháp lý, biện pháp khả thi nhất cho Việt Nam là tiến hành đơn phương khởi kiện Trung Quốc ra Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật biển 1982. Tuy nhiên, ta không thể khởi kiện về chủ quyền đối với Hoàng Sa và vấn đề khởi kiện phải được lựa chọn khéo léo để tránh các loại tranh chấp đã bị Trung Quốc loại trừ trong tuyên bố năm 2006. Việc khởi kiện này có thể dẫn tới các phán quyết và quyết định có tính bắt buộc thi hành với Trung Quốc cho dù nước này có tham gia vào quá trình tố tụng hay không. Với các vấn đề pháp lý trong vụ hạ đặt giàn khoan trái phép, phán quyết và quyết định của Tòa trọng tài có khả năng ngăn chặn và buộc Trung Quốc rút giàn khoan khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của ta. Phán quyết đó còn có thể gián tiếp bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù phán quyết có giá trị bắt buộc thi hành, Trung Quốc vẫn có thể không thi hành do hệ thống luật quốc tế không có cơ quan cưỡng chế thi hành với Trung Quốc. Trong trường hợp đó, ta có chính nghĩa là pháp luật, dư luận quốc tế còn uy tín, danh dự của Trung Quốc sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và dư luận thế giới sẽ có cơ sở pháp lý để lên án Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam. Với các cơ chế khác như Tòa công lý quốc tế, Tòa án luật biển quốc tế, Việt Nam có thể đơn phương khởi kiện nhưng Tòa sẽ kết luận không có thẩm quyền, không thể có được phán quyết, vì vậy chỉ có giá trị đấu tranh dư luận. Khả năng này cũng không khả thi do tốn kém và hiệu quả đấu tranh không cao.
Cho dù lựa chọn biện pháp nào, đấu tranh pháp lý là một trong các công cụ đấu tranh và cần được cân nhắc cẩn trọng trong tổng thể các công cụ khác để đảm bảo hiệu quả tối đa cho công cuộc đấu tranh còn lâu dài và phức tạp để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại Biển Đông của chúng ta.