Các ngân hàng Mỹ "nhường" đối thủ chiếm lĩnh thị trường tài chính Trung Quốc
Các ngân hàng lớn trên thế giới như Nomura, BNP và UBS đã quay lại thị trường Trung Quốc, trong khi đó căng thẳng thương mại và vấn đề sở hữu trí tuệ đang cản trở các ngân hàng Mỹ quay lại thị trường này.
Mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng các quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài lớn rót vốn vào lĩnh vực tài chính của nước này vào năm ngoái, với quyền sở hữu đầy đủ có hiệu lực sau năm 2021, nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa cho phép điều đó với các ngân hàng liên doanh của Mỹ.
JPMorgan Chase là một ví dụ, ngân hàng này đã đệ đơn thành lập một liên doanh chứng khoán mà vốn lớn thuộc về đối tác Trung Quốc vào tháng 5 năm ngoái ,nhưng vẫn bị kẹt trong khâu thủ tục.
"Cuộc chiến thương mại và sở hữu trí tuệ giữa Mỹ và Trung Quốc dường như có ảnh hưởng đến điều đó", giám đốc điều hành của một tổ chức tài chính nước ngoài tại Trung Quốc cho biết.
Trong khi đó, UBS của Thụy Sĩ đã trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên được chấp thuận có cổ phần chi phối phía nước ngoài vào cuối năm ngoái.
Tiếp đến, Nomura Holdings cũng đã xin phép thành lập một liên doanh chứng khoán tại Trung Quốc vào năm 2018. Nomura Holdings trước tiên sẽ ra mắt dịch vụ quản lý tài sản cho người giàu Trung Quốc để có chỗ đứng trước khi phát triển hoạt động bán buôn sau này.
Tập đoàn chứng khoán Daiwa có trụ sở tại Tokyo cũng đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 11 năm ngoái để thành lập một liên doanh thuộc sở hữu đa số tại Trung Quốc và sẽ nộp đơn xin phê duyệt sớm nhất là vào nửa đầu năm 2019.
Ngân hàng BNP Paribas của Pháp trong tháng này đã chuyển các hoạt động quản lý lưu ký chứng khoán tại Nhật Bản từ ngân hàng sang phân khúc chứng khoán. BNP Paribas đưa ra dự đoán về nhu cầu lớn hơn đối với chứng khoán Trung Quốc, theo đó đã cơ cấu lại hoạt động để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Giám đốc điều hành BNP Paribas (Trung Quốc) C.G. Lai cho biết: “Còn nhiều cơ hội mở rộng cho các nhà đầu tư của Nhật Bản tại thị trường Trung Quốc”.
Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường trái phiếu lớn thứ hai thế giới với giá trị khoảng 12 nghìn tỷ USD. Phần lớn trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ được phát hành bởi chính phủ trung ương, chính quyền địa phương hoặc các tổ chức tài chính trực thuộc chính phủ.
Giao dịch các các loại hình đầu tư này được lựa chọn sau khi các nhà đầu tư nước ngoài có được quyền truy cập hạn chế vào thị trường thông qua chương trình Bond Connect của Hồng Kông, được ra mắt vào năm 2017.
Trái phiếu Trung Quốc dự kiến sẽ xuất hiện rộng rãi hơn trên các chỉ số toàn cầu. Năm ngoái, các nhà đầu tư đã đổ tiền vào chứng khoán Trung Quốc sau khi MSCI (nhà cung cấp chỉ số của Hoa Kỳ được các nhà đầu tư trên toàn thế giới sử dụng) đã đưa cổ phiếu A của Trung Quốc vào điểm chuẩn thị trường mới nổi.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng đang thực hiện các bước để mở cửa thị trường tài chính. BNP Paribas đã nhận được giấy phép vào tháng 12/2018 để bảo lãnh cho cái gọi là trái phiếu gấu trúc, hoặc nợ bằng đồng nhân dân tệ được phát hành ở đại lục bởi các công ty không thuộc Trung Quốc. Ngân hàng HSBC và Standard Chartered của Anh cũng đã nhận được giấy phép tương tự vào năm ngoái.
Năm 2018, Ngân hàng MUFG và Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản cũng đã phát hành trái phiếu gấu trúc. Trước đó, MUFG đã phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ thông qua Hồng Kông nhưng hiện tại đã có thể phát hành trực tiếp trên thị trường Trung Quốc sau khi nhận được sự chấp thuận của chính phủ nước này.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Mizuho vào tháng 10/2018 đã trở thành một trong những nhà quản lý hàng đầu cho việc phát hành trái phiếu bằng USD của Bộ Tài chính Trung Quốc, đây cũng là lần đầu tiên đối với một ngân hàng Nhật Bản.
Mặc dù có mối lo ngại ngày càng tăng về sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc, thị trường tài chính của đất nước này vẫn chưa phát triển tương xứng với quy mô của nền kinh tế. Mở cửa thị trường tài chính dự kiến sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận tại phiên họp của Quốc vụ viện Trung Quốc vào hôm nay (thứ Ba).