Các ngân hàng trung ương lớn đã sẵn sàng đảo ngược chính sách


Các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn nhất thế giới đang trên đà đảo ngược chu kỳ tăng lãi suất nhanh và mạnh để kiềm chế lạm phát trong giai đoạn trước đó, nhưng tốc độ giảm lãi suất được cho là khá khiếm tốn so với tốc độ tăng lãi suất.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ là NHTW lớn đầu tiên giảm lãi suất.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ là NHTW lớn đầu tiên giảm lãi suất.

Sẵn sàng giảm lãi suất trở lại

Các NHTW đã bắt đầu tăng lãi suất từ cuối năm 2021 do những hạn chế về nguồn cung sau đại dịch COVID-19 cộng thêm giá năng lượng tăng cao do cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy lạm phát lên mức hai con số trên khắp thế giới.

Phản ứng quyết liệt và đồng bộ của các NHTW lớn đã khiến lạm phát nhanh chóng hạ nhiệt và được dự báo sẽ ở trên hoặc trở về mức mục tiêu 2% tại hầu hết các nền kinh tế lớn trong năm nay.

“Điểm mấu chốt là trên toàn OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), các NHTW đã nới lỏng chính sách trở lại hoặc sắp làm như vậy”, Ngân hàng đầu tư Macquarie cho biết trong một lưu ý gửi khách hàng.

Quả vậy, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã trở thành NHTW lớn đầu tiên nới lỏng chính sách hôm 21/3 với việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản đầy bất ngờ do lạm phát đã nằm trong phạm vi mục tiêu 0% đến 2% của cơ quan này. Động thái này cũng phá vỡ những suy đoán trước đó của các nhà đầu tư rằng, tất cả các NHTW lớn đều không muốn hành động trước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì việc cắt giảm lãi suất sẽ khiến đồng nội tệ của mình bị suy yếu, từ đó thúc đẩy lạm phát nhập khẩu tăng lên.

Theo các nhà phân tích, NHTW châu Âu (ECB) chắc chắn sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất vào tháng 6, trong khi Fed và NHTW Anh (BoE) đều ám chỉ rằng họ có thể là NHTW tiếp theo, nhưng vẫn giữ thông điệp là động thái giảm lãi suất có thể thực hiện vào tháng 6 hoặc tháng 7, miễn là diễn biến tăng trưởng và lạm phát không làm đảo lộn kế hoạch của họ.

Mặc dù các NHW lớn không phải là những ngân hàng đầu tiên cắt giảm lãi suất trên toàn cầu khi mà nhiều NHTW tại các nền kinh tế thị trường mới nổi như Brazil, Mexico, Hungary và Cộng hòa Séc đều đã cắt giảm lãi suất. Nhưng thị trường tài chính vẫn muốn lấy tín hiệu từ các NHTW lớn do ảnh hưởng của họ đối với các công cụ tài chính là quá lớn.

Sẽ không có chuyện xả lũ

Theo giới chuyên môn, sẽ không có chuyện "xả lũ", tức cắt giảm lãi suất nhanh và mạnh, mà thay vào đó các ngân hàng ở hai bờ Đại Tây Dương có thể sẽ chỉ cắt giảm lãi suất ở mức nhỏ nhất với những khoảng thời gian tạm dừng định kỳ, vì lo ngại rằng tỷ lệ thất nghiệp cực thấp có thể khơi dậy lạm phát, vốn vẫn đang cao hơn so với mục tiêu của họ.

Mức đáy cuối cùng của lãi suất cũng có thể sẽ cao hơn nhiều so với mức thấp lịch sử của thập kỷ trước và những thay đổi lớn trong cơ cấu nền kinh tế toàn cầu có thể khiến chi phí đi vay tăng cao hơn trong nhiều năm tới.

Theo đó các nhà đầu tư hiện chỉ kỳ vọng Fed, ECB và BoE sẽ chỉ cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản trong nửa cuối năm nay với 3 lần cắt giảm, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Đó là những mức thay đổi khá nhỏ so với những lần tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm 2022 khi mà có thời điểm Fed hay ECB tăng lãi suất tới 75 điểm chỉ trong một quyết định. Việc định giá của thị trường cũng gợi ý rằng, do chỉ có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong số 5 cuộc họp sẽ được tổ chức từ tháng 6 đến cuối năm, nên việc tạm dừng chắc chắn sẽ xảy ra.

Điều đáng chú ý nữa là mặc dù thời điểm kết thúc việc cắt giảm lãi suất, có thể vào năm 2024 hay năm 2025, đến nay vẫn chưa chắc chắn. Nhưng các nhà hoạch định chính sách có vẻ tự tin rằng, lãi suất cực thấp, thậm chí là lãi suất âm trong một số trường hợp, sẽ không được xem xét lại.

Trên thực tế, một số người cho rằng thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc đến mức xu hướng giảm lịch sử ở cái gọi là lãi suất trung lập, vốn không kích thích cũng không làm chậm tăng trưởng, có thể đảo ngược. “Bây giờ chúng ta có thể phải đối mặt với một bước ngoặt như vậy”, thành viên Ban điều hành ECB Isabel Schnabel cho biết trong tuần này. “Nhu cầu đầu tư đặc biệt phát sinh từ những thách thức cơ cấu liên quan đến chuyển đổi khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số và thay đổi địa chính trị có thể có tác động tích cực lâu dài đến lãi suất tự nhiên”.

Theo Thời Báo Ngân Hàng