Các nước ứng xử thế nào với dịch vụ taxi Uber?

Theo canhtranhquocgia.vn

(Tài chính) Dịch vụ taxi Uber đã có mặt tại khá nhiều nước và hiện nay, nó đối diện nhiều thách thức tại những nước đang hoạt động vì nhiều lý do khác nhau.

Các nước ứng xử thế nào với dịch vụ taxi Uber?
Uber là một ứng dụng taxi được cài đặt trên điện thoại thông minh (smartphone). Nguồn: internet

Tranh cãi xung quanh vấn đề Uber nảy sinh ở đa số các nước dịch vụ này có mặt. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia khác nhau thì cách tiếp cận cũng hoàn toàn khác nhau.

Các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Singapore, Pháp đang xem xét dừng hoặc siết chặt hoạt động của dịch vụ vận tải hành khách sử dụng phần mềm này. Một số quốc gia khác đã cấm dịch vụ Uber như Thái Lan, Hàn Quốc, Đức.

Lo ngại chính của các nhà chức trách đối với Uber là dịch vụ này không có giấy phép nhượng quyền (franchise) để hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách. Nếu như các hãng taxi phải xin phép và nộp phí cho các chính phủ, Uber hiện đang hoạt động mà chẳng cần phải giấy phép hay bất kỳ một khoản phí nào.

Ông Bon Suntay, một quan chức thuộc Hiệp hội Quốc gia Các nhà vận hành taxi Philippines, giải thích về lập trường của tổ chức này về việc nên hay không nên cho phép Uber hoạt động: “Điều mà chúng tôi đang muốn hỏi Chính phủ là mức độ công bằng của sân chơi. Các hãng taxi và cho thuê xe phải có xe riêng của mình và phải thuê rất nhiều nhân sự, như thợ cơ khí, thu ngân, nhân viên điều hành, chưa kể lái xe. Hoạt động của chúng tôi bị giới hạn, mức cước chúng tôi áp dụng cũng bị điều tiết”.

Thủ đô Jakarta (Indonesia) hiện có đến 20 triệu người và taxi là phương tiện di chuyển công cộng phổ biến nhất. Uber hoạt động dưới giấy phép "xe cho thuê", nhưng lại hoạt động như phương tiện giao thông công cộng (theo luật Indonesia, bất kỳ xe cá nhân nào mà giá phục vụ được tính dựa trên công tơ mét sẽ được xem như là phương tiện giao thông công cộng).

“Tài xế taxi tại Jakarta phải đạt một số tiêu chuẩn nhất định, trong đó có an toàn. Nếu Uber muốn hoạt động, tài xế Uber phải đạt đủ những yêu cầu đấy. Còn không, đó là bất hợp pháp”, Muhammad Akbar, Trưởng phòng giao thông Jakarta nói.

Vì thế, chỉ sau một tuần chính thức hoạt động (đầu tháng 8/2014), Uber đã bị chính quyền cảnh báo sẽ đóng cửa. Phòng giao thông Jakarta còn làm việc với Bộ Thông tin và truyền thông nước này để chặn những ứng dụng gọi xe của Uber trên điện thoại thông minh.

Còn ở Bangkok (Thái Lan), dù taxi vốn được xem là khá rẻ trong khu vực (chỉ bẳng 1/3 đến 1/2  giá taxi ở Việt Nam), Uber vẫn triển khai được loại hình Uber X có giá thấp hơn cả taxi truyền thống với phí mở cửa chỉ 25 baht (taxi 35 baht), thời gian chờ 1 baht/phút ( taxi 2 baht/phút).

Tuy nhiên, ngày 28/11, Phòng Giao thông đường bộ Thái Lan tuyên bố dịch vụ Uber tại Thái chính thức bị xem là bất hợp pháp và tài xế loại hình này sẽ bị phạt nặng.

Uber bị cấm tại Thái vì không sử dụng đúng mục đích đăng ký, thu phí không đúng quy định. Tài xế Uber cũng được xem là bất hợp pháp vì không có bằng (và cũng không đăng ký) lái xe chở khách công cộng.

Không hạn chế hoạt động của Uber, Cơ quan Vận tải đường bộ Singapore (LTA) mới đây tuyên bố sẽ áp dụng các quy định mới đối với các ứng dụng đặt xe taxi bên thứ ba kể từ năm tới. Quy định mới sẽ yêu cầu các dịch vụ như Uber phải đăng ký với LTA, các lái xe của công ty phải có giấy phép lái taxi, ứng dụng phải nêu rõ các thông tin về cước phí, hành khách phải có quyền không cung cấp thông tin về điểm đến trước khi đặt xe và công ty phải có dịch vụ hỗ trợ khách hàng.

Một tin xấu khác tiếp tục đến với Uber là ngày 12/12 tới đây, Pháp sẽ quyết định dịch vụ Uberpop của Uber có được hoạt động tại nước này hay không. Trước đó, hồi tháng 9/2014, Uber từng đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động trên toàn nước Đức song đã phúc thẩm thành công. Tuy nhiên, công ty Mỹ không thoát khỏi việc bị cấm tại 2 trong số các thành phố lớn nhất nước Đức là Humburg và Berlin do không tuân thủ luật chuyên chở hành khách.

Tòa án Berlin và Hamburg cho rằng tài xế Uber thiếu giấy phép hành nghề. “Dịch vụ vi phạm nhiều luật chuyên chở có tác dụng bảo vệ hành khách. Lệnh cấm nhằm bảo vệ sự tồn tại và chức năng của dịch vụ taxi vốn đóng vai trò quan trọng với công chúng”, người phát ngôn của tòa án Berlin trả lời hãng tin tài chính Bloomberg.

Luồng ý kiến khác

Tuy vậy, Uber phản ứng mạnh trước lời đe dọa của nhà chức trách tại một số quốc gia.

“Đây rõ ràng là một nỗ lực nhằm bảo hộ ngành taxi khiến người tiêu dùng thất vọng của Kuala Lumpur (Malayssia). Ngăn không cho các tài xế của chúng tôi kiếm sống và vận chuyển hành khách an toàn sẽ gây thiệt hại cho người dân và du khách, thiệt hại cho thành phố”, Giám đốc khu vực của Uber, ông Mike Brown, nói trên tờ Malay Mail Online.

Tại Philippines, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Joseph Abaya kêu gọi các nhà điều hành taxi nâng cấp dịch vụ thay vì chỉ chăm chăm chỉ trích Uber. “Mọi người thích sử dụng các dịch vụ dựa trên công nghệ vì thuận tiện hơn. Điều đó thật đơn giản. Bởi vậy, lời khuyên của tôi cho các hãng taxi là hãy hiện đại hóa, sáng tạo, cải thiện hệ thống và dịch vụ của mình”.

Ông Francis Tolentino, Chủ tịch Cơ quan Phát triển Vùng thủ đô Manila của Philippines, thì cho rằng, cấm Uber cũng giống như hạn chế quyền tự do đi lại của người dân.

Uber là một ứng dụng taxi được cài đặt trên điện thoại thông minh (smartphone). Khi một người có nhu cầu đi xe, họ dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ kết nối thông báo với một chủ xe gần đó. Uber sẽ phản hồi cho khách biết trước cước phí cả đoạn đường đi, cũng như đặc điểm, thông tin chiếc xe sắp đón khách, thậm chí có cả thông tin tài xế lái xe. Khi đến nơi, người dùng trả phí thông qua hệ thống thanh toán bằng thẻ quốc tế như Visa hay MasterCard.

Doanh thu của Uber là khoản tiền phí thông qua việc kết nối giữa chủ xe và người cần di chuyển.

Uber xuất hiện ở Mỹ vào năm 2009 và đã lan rộng nhanh chóng sau đó. Hiện tại, ứng dụng này được định giá khoảng 17 tỷ USD và có mặt trên 130 quốc gia.