Các tổ chức tín dụng đã dư thừa vốn khả dụng

Tường Vi (TTVN)

Tính đến quý III/2012, hệ thống các tổ chức tín dụng dư thừa vốn khả dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước

Các tổ chức tín dụng đã dư thừa vốn khả dụng

Đó là thông tin trong báo cáo về việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã ký và vừa được gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Đến quý III/2012, các tổ chức tín dụng đã dư thừa vốn khả dụng

“Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Khả năng chi trả của các ngân hàng nói trên đã được cải thiện đáng kể, nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi”, báo cáo cho biết.

Theo báo cáo, trong số 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, phải cơ cấu lại thì có 3 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém đã được hợp nhất. Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong và Ngân hàng Thương mại cổ phần Nhà Hà Nội đã được phê duyệt phương án cơ cấu lại. Đối với 4 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn lại, NHNN đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng và hoàn thiện phương án tái cơ cấu phù hợp, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Các giải pháp về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng cũng đang được triển khai tích cực. Cụ thể, Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành căn bản cổ phần hóa và chuyển thành các ngân hàng thương mại cổ phần.

Tính đến quý III/2012, hệ thống các tổ chức tín dụng dư thừa vốn khả dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước, nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi.

Sự gia tăng nợ xấu có xu hướng tăng chậm lại

Báo cáo cho hay, đến ngày 30/6/2012 có 36,5 ngàn tỷ đồng dư nợ tín dụng được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ. Giải pháp này đã giúp giảm bớt áp lực trả nợ, lãi phạt và tăng khả năng tiếp cận vay vốn ngân hàng đối với khách hàng vay.

Cũng theo Báo cáo, sự gia tăng nợ xấu đã được kiềm chế, có xu hướng tăng chậm lại từ quý II/2012: Tháng 1: +7,29%; Tháng 2: +8,42%; Tháng 3: +9,35%; Tháng 4: +8,28%; Tháng 5: +6,59%; Tháng 6: +1,2%.

Đến cuối tháng 8/2012, số dự phòng rủi ro đã được các tổ chức tín dụng trích lập nhưng chưa sử dụng là 72.907 tỷ đồng, tăng hơn 14 ngàn tỷ đồng so với cuối năm 2011. Trong 8 tháng đầu năm 2012, số nợ xấu được các tổ chức tín dụng xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro là gần 8 ngàn tỷ đồng.

Thời gian tới, sẽ sớm phê duyệt phương án tái cơ cấu đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém còn lại; chỉ đạo các tổ chức tín dụng khác xây dựng phương án và thực hiện tái cơ cấu; giải quyết nợ xấu trong khuôn khổ công ty quản lý tài sản được thành lập...