Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế


Bằng phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp từ 250 sinh viên khối ngành kinh tế thuộc trường Đại học Trà Vinh (TVU), thông qua phương pháp phân tích hồi quy đa biến, nghiên cứu tìm ra 06 yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế gồm: Hỗ trợ khởi nghiệp; Nhận thức tính khả thi; Môi trường giáo dục; Đặc điểm tính cách; Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp; Tiếp cận tài chính. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa ý định khởi nghiệp cho sinh viên khối ngành kinh tế và sinh viên ngành khác trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Giới thiệu

Lĩnh vực khởi nghiệp được xem là một định hướng chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tinh thần khởi nghiệp là một trong những giải pháp cơ bản góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giải quyết tình trạng việc làm cho nhân dân lao động đặc biệt là sinh viên khối ngành kinh tế khi ra trường. Tuy nhiên, xét từ nhiều khía cạnh khác nhau, sự quan tâm đến “khởi nghiệp” của sinh viên vẫn còn ở mức khá thấp, đa số sinh viên ra trường có xu hướng tìm kiếm việc làm và sử dụng vào các công ty, số ít người có kế hoạch khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo báo cáo về chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GEM) Việt Nam năm 2017-2018 được công bố bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, nhận thức về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam năm 2017 đã giảm so với năm 2015, nhưng vẫn cao hơn giai đoạn 2013-2014. Cụ thể, có 46,4% người trưởng thành ở Việt Nam có nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh năm 2017. Ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tham gia khởi nghiệp vẫn tiếp tục cao hơn nam giới trong năm 2017 (25% so với 22%).

Đối với sinh viên khối ngành Kinh tế, do đặc thù của Ngành là đào tạo những kiến thức và kỹ năng quản lý doanh nghiệp mang tính hệ thống nên ý định khởi nghiệp của sinh viên theo học ngành này có phần tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trở ngại ảnh hưởng đến việc hình thành, phát triển và quyết định khởi nghiệp của sinh viên ngành này. Thực tế tại Trường Đại học Trà Vinh cho thấy, số lượng sinh viên biết và tham gia khởi nghiệp chưa cao mặc dù trường có tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, phát động nhiều hội thảo về khởi nghiệp, thành lập câu lạc bộ Khởi nghiệp hay như Vườn ươm Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh cũng được đặt tại trường nhằm tạo điều kiện cho các bạn sinh viên có thể tiếp cận và nhận thức về khởi nghiệp. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần đánh giá, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành Kinh tế nói chung và tại Trường Đại học Trà Vinh nói riêng.

Lược khảo tài liệu nghiên cứu

Trên thế giới, nghiên cứu của Altanchimeg Zanabazar, Sarantuya Jigjiddorj (2020) đã tìm ra 4 yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Đại học ngành Kinh doanh tại Mông Cổ gồm: (i) Thái độ cá nhân; (ii) Các chuẩn mực chủ quan; (iii) Kiểm soát hành vi nhận thức (có tác động tích cực đến việc trở thành một doanh nhân); (iv) Một nền giáo dục doanh nhân (có tác động nhỏ trong ý định kinh doanh). Trong khi đó, Duygu Turker và Senem Sonmez Selcuk (2009) cho rằng, có 6 yếu tố ảnh hưởng đến ý định kinh doanh của sinh viên gồm: Hỗ trợ giáo dục, độ tự tin, hỗ trợ quan hệ được nhận thức, ý định kinh doanh, hỗ trợ cấu trúc được nhận thức, sự ủng hộ của gia đình và bạn bè.

Francisco Javier DUQUE Aldaz và cộng sự (2017) tìm ra 5 yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành Thương mại năm cuối tại Bồ Đào Nha là: Ý định khởi nghiệp; Độ dài khởi động; Ảnh hưởng của giáo dục đại học; Các yếu tố thúc đẩy sinh viên bắt đầu một công việc kinh doanh mới; Các yếu tố thúc đẩy sự thôi thúc sinh viên ngừng khởi nghiệp kinh doanh của riêng họ.

Nghiên cứu của Luthje và Franke (2004) cho thấy, ý định khởi nghiệp của sinh viên Học viện Công Nghệ MIT (Hoa Kỳ) được tác động bởi 4 yếu tố: (i) Yếu tố đặc điểm cá nhân, (ii) Thị trường, (iii) Tài chính, (iv) Môi trường giáo dục. Nghiên cứu này nhấn mạnh các yếu tố bên ngoài sẽ tác động trực tiếp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, đặc biệt là yếu tố Môi trường giáo dục.

Nghiên cứu của Haris, N. A., và cộng sự (2016) với mẫu khảo sát là 81 sinh viên thuộc ngành công nghệ thông tin tại Đạị học Kuala Lumpur, Malaysia cho kết quả, có tất cả 5 nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên ngành công nghệ thông tin gồm (1) Nhận thức tính khả thi; (2) Lời khuyên từ gia đình và bạn bè; (3) tiếp cận tài chính; (4) Cơ hội nghề nghiệp; (5) Môi trường giáo dục tinh thần khởi nghiệp.

Nghiên cứu của Diệp Thanh Tùng và cộng sự (2018) nhằm tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn của môi trường khởi nghiệp đến ý định của sinh viên, từ đó, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam và Philippines. Bằng phương pháp định tính và định lượng, nghiên cứu đã tìm ra 9 yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp gồm: (i) Các yếu tố xã hội , (ii) Giáo dục khởi nghiệp, (iii) Sở thích và sự đam mê, (iv) Động cơ khởi nghiệp, (v) Rào cản khởi nghiệp, (vi) Môi trường thể chế, (vii) Quy chuẩn quốc gia/văn hóa, (viii) Tính khả thi, (ix) Sự sẵn sàng kinh doanh.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Bích Liên (2020) thu thập thông tin từ 424 sinh viên thuộc các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tìm ra được 5 nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp gồm: (i) Đặc điểm tính cách; (ii) Chuẩn chủ quan; (iii) Nhận thức tính khả thi; (iv) Nguồn vốn; và (v) Giáo dục khởi nghiệp, tương đồng với nghiên cứu Châu Thị Ngọc Thùy và Huỳnh Lê Thiên Trúc (2020).

Nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Thị Kim Pha (2016) xem xét các yếu tố tác động đến ý định của sinh viên Trường Đại học Trà Vinh. Nghiên cứu đã khảo sát 405 sinh viên bậc đại học ở các ngành học khác nhau. Thông qua phương pháp thống kê mô tả, mô hình cân bằng cấu trúc tuyến tính, nghiên cứu tìm ra 4 nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp gồm: (i) Hoạt động giảng dạy, (ii) Hoạt động ngoại khóa, (iii) Ý kiến của những người xung quanh và (iv) Sở thích kinh doanh của mỗi cá nhân có tác động tích cực đến sự tự tin đi đến hình thành ý định khởi nghiệp. Đặc biệt, nghiên cứu nhấn mạnh đối với những sinh viên càng tự tin về tính khả thi tạo lập doanh nghiệp thì ý định khởi sự kinh doanh càng tăng.

Nghiên cứu của Lê Thị Trang Đài, Nguyễn Thị Phương Anh (2016) xác định các nhân tố tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên thuộc khối ngành Kinh tế và kỹ thuật trường Đại học Lạc Hồng, đồng thời nghiên cứu mong muốn góp phần tích cực vào cải tiến chương trình giáo dục ở bậc đại học và xem xét đưa bộ môn khởi sự kinh doanh vào chương trình học chính thức nhằm nâng cao thái độ và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 166 sinh viên có ý định khởi nghiệp thông qua khảo sát trực tiếp bằng bảng câu hỏi. Sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá và hồi quy, nghiên cứu cho thấy, có 5 nhân tố có tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên trường Đại học Lạc Hồng, lần lượt là: (1) Thái độ cá nhân; (2) Nhận thức của xã hội; (3) Nhận thức kiểm soát hành vi; (4) Cảm nhận cản trở tài chính; (5) Giáo dục phù hợp với nghiên cứu của Phan Anh Tú, Trần Quốc Huy (2017).

Phương pháp nghiên cứu

Dựa vào các mô hình và công trình nghiên cứu trước đó, nhóm nghiên cứu có tham khảo Lý thuyết hành động hợp lý TRA; Lý thuyết hành vi dự đinh (TPB); Lý thuyết hành vi có kế hoạch (Shapero - Krueger, 2000); Lý thuyết sự kiện khởi nghiệp Shapero và Sokol (1982) và các mô hình hiệu chỉnh của các công trình nghiên cứu đã trình bày ở phần lược khảo tài liệu. Nhóm nghiên cứu đưa ra mô hình nghiên cứu đề xuất như sau:

Y = β0 + β1X1+β2X2+ β3X3+ β4X4+β5X5+ β6X6+e

Từ cơ sở các học thuyết và các nghiên cứu liên quan, nhóm tác giả nghiên cứu tiến hành xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính với biến phụ thuộc là ý định khởi nghiệp của sinh viên, có 6 biến độc lập là: (1) Hỗ trợ khởi nghiệp; (2) Nhận thức tính khả thi; (3) Môi trường giáo dục; (4) Đặc điểm tính cách; (5) Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp; (6) Tiếp cận được tài chính, được thống kê tại Bảng 1.

Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế  - Ảnh 1

Thực hiện khảo sát 250 sinh viên ngành Kinh tế đang học tại Trường Đại học Trà Vinh, nhóm tác giả tiến hành phân tích độ tin cậy, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và hồi quy đa biến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định khởi nghiệp hay không khởi nghiệp của sinh viên.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả 6 biến độc lập có tác động đến Ý định khởi nghiệp và được giữ lại trong mô hình, đó là: Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp (X1); Tiếp cận tài chính (X2); Đặc điểm tính cách (X3); Môi trường giáo dục (X4); Hỗ trợ khởi nghiệp (X5); Nhận thức tính khả thi (X6).

Từ mô hình hồi quy tổng quát và Bảng 2, nhóm tác giả viết phương trình hồi quy ước lượng mức độ tác động của các nhân tố đến ý định khởi nghiệp như sau:

Y = 0.000 + 0.504X1+0.457X2 + 0.217X3 + 0.148X4 + 0.120X5 + 0.149X6

Dựa vào hệ số chuẩn hóa Beta, nhóm tác giả xác định mức độ ảnh hưởng của các biến độc lập đến biến phụ thuộc. Các số liệu cho thấy, hệ số Beta chưa chuẩn hóa của các biến độc lập lần lượt là 0.504; 0.457; 0.217; 0.148; 0.120; 0.149. Kết quả này thể hiện nhân tố Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp (X1) có tầm quan trọng cao nhất đối với ý định khởi nghiệp, kế đến là nhân tố Tiếp cận tài chính (X2); Đặc điểm tính cách (X3); Nhận thức tính khả thi (X6); Môi trường giáo dục (X4) và cuối cùng là nhân tố Hỗ trợ khởi nghiệp (X5).

Hàm ý quản trị nâng cao khả năng khởi nghiệp của sinh viên ngành Kinh tế

Từ các kết quả nghiên cứu nêu trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp để nâng cao khả năng khởi nghiệp của sinh viên ngành Kinh tế các trường đại học nói chung và tại Trường Đại học Trà Vinh nói riêng gồm:

Thứ nhất, về thái độ đối với hành vi khởi nghiệp: Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp là nhân tố có mức tác động mạnh nhất đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, vì vậy những kiến thức, kỹ năng được học kết hợp với kiến thức khởi nghiệp và thái độ tích cực với việc thành lập doanh nghiệp sẽ là hành trang trên hành trình khởi nghiệp của sinh viên. Nhà trường cần tiếp tục tăng cường hoạt động của các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại trường, tại các Khoa chuyên môn, nhằm nâng cao thái độ của từng sinh viên, từng nhóm sinh viên đối với các ý tưởng khởi nghiệp.

Để tạo nên hứng thú về nghề nghiệp, “tư duy làm chủ thay vì làm thuê” luôn là phương châm để sinh viên muốn thay đổi tương lai. Do đó, để khơi dậy thái độ với hành vi khởi nghiệp, nhà trường cần tăng cường giới thiệu các tấm gương đã khởi nghiệp thành công, các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của Việt Nam cũng như thế giới để khơi dậy ham muốn kinh doanh trong sinh viên.

Thứ hai, về tiếp cận tài chính: Dù có cố gắng nhưng không có vốn đầu tư thì sinh viên cũng không thể bắt đầu khởi nghiệp được. Do đó, việc huấn luyện, đào tạo giúp cho sinh viên biết khai thác, huy động, tích luỹ các nguồn lực trong đó có nguồn vốn là hết sức quan trọng. Nhà trường cần phối hợp với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hoặc đơn vị đầu tư khởi nghiệp để làm cầu nối cho các sinh viên có ý định khởi nghiệp để các đơn vị tài trợ vốn để sinh viên khởi nghiệp. Đồng thời, trang bị thêm kiến thức quản trị tài chính cá nhân, quản trị tài chính doanh nghiệp cho họ để họ biết cách quản lý các nguồn vốn đã huy động và tích luỹ được.

Thứ ba, về đặc điểm tính cách: Đặc điểm tính cách là nhân tố có ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, vì vậy việc sinh viên tự trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết về khởi nghiệp kinh doanh có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh nền tảng kiến thức khoa học công nghệ, sinh viên cần tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu về những mô hình kinh doanh thành công sẽ giúp tăng năng lực cảm nhận ở sinh viên để nâng cao ý định khởi nghiệp.

Các hoạt động ngoại khóa liên quan đến khởi nghiệp và kinh doanh cần được Nhà trường xây dựng trong chương trình đào tạo, tạo nền tảng để sinh viên phát triển kỹ năng và gia tăng ý định khởi nghiệp. Người thực hiện khởi nghiệp rất cần những yếu tố sáng tạo, nhạy bén để có thể cải tiến về mẫu mã, tính năng, chất lượng, giá cả và ngay cả cách thức marketing để đưa sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng mới có thể hy vọng khởi nghiệp thành công. Đồng thời, cần tạo cơ hội cho sinh viên rèn luyện những tố chất cần thiết đối với một nhà quản trị như: Bản lĩnh, tự tin, năng động, sáng tạo, có nghệ thuật tổ chức, quản lý, điều hành, qua đó, năng lực lãnh đạo được vun đắp, là động lực để phát triển ý định khởi nghiệp.

Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kinh tế  - Ảnh 2

Thứ tư, về môi trường giáo dục: Khởi nghiệp cần được đưa vào nội dung giảng dạy chính khoá cần xác định khởi nghiệp là một phần không thể thiếu của nhà trường và rất quan trọng đối với sinh viên. Nội dung đào tạo xoay quanh các vấn đề về: sự cần thiết của Khởi nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp, cách huy động các nguồn lực, lựa chọn ngành nghề khởi nghiệp, dự báo xu hướng khởi nghiệp… Thông qua các bài học giúp cho sinh viên được tiếp thu lý thuyết và tạo môi trường trải nghiệm thực tiễn sinh động giúp sinh viên có được động lực, niềm tin mạnh mẽ vào chính bản thân mình.

Thứ năm, về hỗ trợ khởi nghiệp: Đối với sinh viên khi chập chững bắt đầu khởi nghiệp là giai đoạn khó khăn nhất vì vậy họ rất cần sự động viên, khích lệ rất lớn, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ cụ thể từ phía nhà trường. Để giải quyết bài toán này đòi hỏi nhà trường và gia đình có sự kết nối một cách chặt chẽ về thông tin và phương pháp hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Có thể kết nối thông qua các diễn đàn mạng thông tin online hay mời phụ huynh tham gia các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên do nhà trường khởi xướng tổ chức. Nhà trường cần có những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của sinh viên ví dụ như “Đồng hành khởi nghiệp với sinh viên” là một chính sách hợp lý hiện nay.

Thứ sáu, về nhận thức tính khả thi. Nhận thức tính khả thi có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp. Điều này có nghĩa là khi sinh viên nhận thức được khởi nghiệp là một công việc dễ dàng và họ nắm rõ tất cả các hoạt động cần thiết để khởi nghiệp cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho việc khởi nghiệp và họ có niềm tin nếu như cố gắng hết sức họ sẽ khởi nghiệp thành công thì ý định khởi nghiệp sẽ tăng cao. Để đạt được điều này cần phải có sự chung tay hỗ trợ và góp sức từ phía nhà trường, gia đình và các nhà làm chính sách.

Nhà trường hỗ trợ trong việc cung cấp các kiến thức cơ bản và rõ ràng về khởi nghiệp để sinh viên có cái nhìn tổng thể, bao quát về hoạt động khởi nghiệp. Gia đình cần động viên khích lệ tinh thần cho các bạn sinh viên có ý định khởi nghiệp. Sự khích lệ của gia đình sẽ tiếp thêm nguồn sức mạnh để họ tăng thêm phần tự tin.

Bên cạnh đó, các nhà làm chính sách cần đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ các bạn sinh viên có ý định khởi nghiệp hơn. Về phần mình, các sinh viên có ý định khởi nghiệp cần nhận thức bản thân chính là nguồn trí thức trẻ, năng động, có khả năng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thu Thủy, “Các nhân tố tác động đến tiêm năng khởi nghiệp của sinh viên đại học”, Bảo vệ Luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ngày 12/02/2015, 2015;

2. Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Thị Kim Pha (2016) “Những nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Trà Vinh”, Tạp chí Khoa học số 23 tháng 9, 2016; Trường Đại học Trà Vinh.

3. Dương Kim Hậu, Diệp Thanh Tùng “Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Trà Vinh”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 20/02/2019;

4. Nguyễn Thị Bích Liên (2020), Các yếu tố ảnh hưởng đên ý định khởi nghiệp cua sinh viên: Nghiên cứu trường hợp sinh viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7/2020;

5. Altanchimeg Zanabazar, Sarantuya Jigjiddorj (2020), The factors effecting entrepreneurial intention of university students: case of Mongolia, SHS Web of Conferences 73, 01034 (2020);

6. Duygu Turker và Senem Sonmez Selcuk (2009), Which factors affect entrepreneurial intention of university students?, Journal of European Industrial Training Vol. 33 No. 2, 2009;

7. Francisco Javier DUQUE Aldaz và cộng sự (2017), Factors affecting entrepreneurial intention of Senior University Students, Revista Espacios, Vol. 39 (# 09) Year 2018. Page 32;

8. Luthje, C. & Franke, N. (2004). The ‘making’ of an entrepreneur: Testing a model of entrepreneurial intent among engineering students at MIT. R&D Management, 33(2), 135.

* Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Như Ý , PGS., TS. Nguyễn Hồng Hà - Trường Đại học Trà Vinh

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 12/2021