Cách nào chống các "ông lớn" FDI chuyển giá, trốn thuế?
Nhiều doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Những doanh nghiệp này dù được hưởng đủ ưu đãi, vẫn tìm cách chuyển giá, như Coca Cola, Heineken, Keangnam Vina, Ngân hàng Standard Chartered...
Bị phạt hàng trăm tỷ đồng
Thanh tra Tổng cục Thuế mới đây đã “hé lộ” danh tính hàng loạt “ông lớn” có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp (DN) lớn tại Việt Nam bị truy thu, xử phạt mức thuế khủng, trong đó lớn nhất là Coca Cola, Heineken, Standard Chartered và Thiên Ngọc Minh Uy.
Mới nhất, Thanh tra Tổng cục Thuế công bố kết quả thanh tra hoạt động chuyển nhượng vốn của Công ty Heineken. Cụ thể, từ cuối năm 2018, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) có ký hợp đồng chuyển nhượng vốn 100% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam. Giá trị giao dịch này lên đến hơn 4.800 tỷ đồng.
Phía Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp tờ khai thuế thu nhập DN (nộp thay) từ giá trị chuyển nhượng nói trên là hơn 823 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd đã có văn bản gửi Cục thuế thành phố Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế này theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa hai Chính phủ Việt Nam - Singapore. Theo hiệp định này, DN FDI được quyền chọn nộp thuế ở Việt Nam hoặc Singapore. Thông thường, họ sẽ chọn nộp thuế ở nước có mức thuế phải nộp thấp hơn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Thanh tra Thuế (thuộc Tổng cục Thuế), quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam - Singapore và Luật Dân sự nêu rất rõ trường hợp giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50% thì nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng nói trên phải thực hiện kê khai và nộp thuế ở nước sở tại (tức tại Việt Nam).
Qua thanh tra, Vụ Thanh tra kết luận, giá trị bất động sản trên tổng tài sản chiếm hơn 50%, do đó Heineken phải có nghĩa vụ nộp số thuế trên tại Việt Nam. Từ thời điểm chuyển nhượng vốn nói trên đến khi cơ quan thanh tra Thuế vào làm việc, toàn bộ số thuế chưa được nộp vào ngân sách.
Cuối tháng 12/2019, ngay sau khi Tổng cục thuế ban hành kết luận thanh tra, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam buộc thực hiện nộp 917,2 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách, trong đó số thuế chuyển nhượng là gần 823 tỷ đồng và phần còn lại tiền chậm nộp của DN.
Trong tháng 12, thanh tra thuế cũng ban hành quyết định truy thu và phạt Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola hơn 821,4 tỷ đồng. DN này mới chỉ nộp 471 tỷ đồng bị truy thu.
Bị điểm mặt, Coca Cola mới chịu kê khai lãi
Liên quan đến hoạt động chống chuyển giá, trốn thuế, theo một cán bộ Vụ Thanh tra Thuế (Tổng cục Thuế), Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Trong đó, điểm quan trọng nhất được sửa đổi là việc tăng trần chi phí lãi vay cho DN từ 20% lên 30%.
Theo PGS.,TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hiện tượng trốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tránh thuế thông qua chuyển lãi vay ở Việt Nam diễn ra với quy mô ngày càng lớn, phức tạp, tinh vi.
Điển hình cho việc tránh thuế thông qua chuyển lãi vay này là trường hợp các Công ty chế biến trà xuất xứ từ Đài Loan, bao gồm Công ty chế biến trà Ô Long Jun Chơ, Công ty Trà Đài Loan, Công ty Trà Kinh Lộ, hay Công ty King Wan Chen... đều vay nợ từ các Công ty mẹ với chi phí lãi vay rất cao và liên tục báo lỗ. Ngoài ra, các Công ty này còn bị phát hiện bán thành phẩm ra thị trường nước ngoài, nơi có Công ty mẹ với giá rất thấp. Nhờ đó, họ tránh được thuế thu nhập đáng ra phải nộp ở Việt Nam. Sau thanh kiểm tra, các Công ty này đã phải ghi nhận từ lỗ lũy kế hơn 300 tỷ đồng sang thành lãi hơn 1.000 tỷ đồng.
Trở lại với trường hợp của Coca Cola Việt Nam, DN này từng bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xếp vào vị trí số 1 trong danh sách DN nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Các năm từ 2012 trở về trước, Công ty này liên tục kê khai số lỗ “khủng”.
Đến năm 2013, Công ty này bắt đầu kê khai lãi 150 tỷ đồng và tiếp tục lãi 350 tỷ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên, do DN được chuyển lỗ trong vòng 5 năm nên đến thời điểm đó Coca Cola Việt Nam vẫn chưa phải nộp thuế TNDN.
Theo cơ quan thuế, “bí quyết” để DN này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ Công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006 - 2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80 - 85% giá vốn. Đến cuối năm 2012, số tiền lỗ lũy kế của Coca Cola đã lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn là 2.950 tỷ đồng.
Để tăng chế tài xử phạt, răn đe các DN FDI có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị, trong năm 2020, Tổng cục Thuế phải xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2020).
Đặc biệt, Bộ trưởng Dũng yêu cầu ngành Thuế phải tiếp tục đẩy mạnh thanh kiểm tra, chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá theo phương pháp phân tích rủi ro.
Năm 2019, Tổng cục Thuế đã Thanh tra Ngân hàng Standard Chartered, truy thu và phạt 19,05 tỷ đồng. Cục thuế TP. Hồ Chí Minh thanh tra chi nhánh Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, truy thu và phạt 43,41 tỷ đồng; Công ty Dịch vụ vận tải Tâm Phát bị truy thu và phạt 20,8 tỷ đồng; Công ty Phú Hoàng Oanh bị truy thu và phạt 26,62 tỷ đồng, Công ty TNHH KONE Việt Nam bị truy thu và phạt 23 tỷ đồng.
Theo một báo cáo của Tổng cục Thuế, chỉ tính riêng năm 2018, gần 96 nghìn DN vi phạm về thuế, gấp 3 lần con số tương ứng của năm 2020. Tổng số thuế TNDN thu về được sau thanh kiểm tra khoảng 7.145 tỷ đồng. Số giảm lỗ là gần 41 nghìn tỷ đồng.