Cải cách thể chế tạo cơ hội đầu tư mới
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân. Các phương án phục hồi sau đại dịch cũng đã được tính toán và theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc cải cách thể chế (CCTC) sẽ đem lại hiệu quả lớn. Làm tốt CCTC trong giai đoạn này sẽ là sự chuẩn bị tốt nhất cho sự bứt phá vươn lên sau đại dịch.
Thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai do đại dịch COVID-19 gây ra. Không là ngoại lệ, Việt Nam cũng đang trong tình cảnh khó khăn nhất từ trước đến nay.
Trong bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành kịp thời nhiều giải pháp bảo đảm tính mạng, an toàn, an sinh xã hội cho người dân, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh.
Đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực, nghiêm trọng đến mọi mặt của nền kinh tế. Tình trạng DN đóng cửa, rút lui khỏi thị trường không chỉ xuất hiện ở nhóm các DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, mà đợt dịch COVID-19 lan rộng còn làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các DN có quy mô lớn, các nhà máy, DN sản xuất chế biến tại các khu công nghiệp trọng điểm ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế ngay trong thời điểm hiện tại để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, đón đầu xu hướng.
Trước hết, phải chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, triển khai “sớm nhất - hiệu quả nhất” các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ những vấn đề cấp bách cho DN để DN nhanh chóng ổn định duy trì hoạt động SXKD. Nếu chậm trễ ngày nào, thiệt hại sẽ ngày càng lớn hơn và chúng ta sẽ phải tốn nhiều thời gian và chi phí hơn để khắc phục hậu quả và hồi phục SXKD.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, với tình hình hiện tại chúng ta hy vọng vào giải pháp vaccine, nhưng có thể phải mất vài tháng nữa mới có thể triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng 60 - 70% dân số, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài với những biến thể phức tạp.
Do đó, chúng ta phải xác định tinh thần là cuộc chiến sẽ trường kỳ về cả y tế và kinh tế, đòi hỏi phải có những giải pháp lâu dài, có tính chiến lược. Muốn vậy, cả Chính phủ và DN đều phải chuyển trạng thái. Dù trước mắt đang phải nỗ lực chống đại dịch và duy trì SXKD, nhưng đồng thời cần phải thực hiện các biện pháp dài hạn để phục hồi và phát triển.
Bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực cần thiết triển khai các biện pháp hỗ trợ dài hạn, bền vững giúp DN phục hồi nhanh để quay trở lại mạnh mẽ hơn.
Theo đó, để tạo nền tảng hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, cần xây dựng chính sách phát triển DN có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế. Cần có chính sách để phát triển các DN tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt. Nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực DN nhà nước. Tình hình mới đặt ra buộc các chính sách kinh tế phải thích ứng.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trước hết phải xác định DN chính là một lực lượng chống dịch. Cần phải đề cao vai trò, tính sáng tạo, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của DN, để DN tự xác định mô hình sản xuất nào phù hợp nhất vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì SXKD.
Thực tế, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN và người dân và đang dự kiến trình QH thêm nhiều giải pháp nữa. Tuy nhiên, gói hỗ trợ lớn nhất là CCTC. Nếu CCTC làm tốt trong giai đoạn này, đây sẽ là sự chuẩn bị tốt nhất cho sự bứt phá vươn lên sau đại dịch.
Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, cần sớm có kế hoạch phục hồi và đẩy nhanh kế hoạch tăng trưởng. “Từ khóa” cho chương trình phục hồi và tạo nền tảng cho sự phát triển là khuyến khích đầu tư và CCTC tạo cơ hội đầu tư mới. Chính phủ cần tập trung lực lượng để có được một kế hoạch phục hồi và có được sự nhất trí của QH.
Chương trình phục hồi cần tập trung vào khuyến khích đầu tư xã hội, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đầu tư công, tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Chương trình cũng cần có kế hoạch, giải pháp để phục hồi và phát triển DN.