Cải cách thể chế quyết định tăng trưởng dài hạn
“Điều chúng tôi lo ngại là lấy lý do bối cảnh bất định phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để làm chậm quá trình cải cách. Đồng ý điều đó là quan trọng, nhưng không thể dừng quá trình cải cách được, bởi đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng trong dài hạn”. Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Anh Dương nêu ý kiến tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư do CIEM tổ chức sáng qua, 17/10.
Tăng trưởng có thể đạt 6,88%
Ông Nguyễn Anh Dương nhìn nhận, trong quý III, tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì ở mức tương đối cao, tăng trưởng chưa giảm dần qua các quý như lo ngại. Tính chung 9 tháng qua, mức tăng trưởng đạt gần 7%, cao hơn mức trung bình của năm 2016 - 2017.
Cũng theo đại diện CIEM, mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay 4% “không phải là vấn đề”. Thực tế, hết tháng 8, khi lạm phát tăng trở lại đã dấy lên lo ngại về khả năng không đạt chỉ tiêu, song đến hết tháng 9, lạm phát bình quân mới đạt 3,57%.
Thêm vào đó, lạm phát chưa chịu áp lực do chính sách điều hành tiền tệ (lạm phát cơ bản trong 9 tháng vượt hơn 1,4%), chỉ chịu áp lực nhiều hơn từ chi phí đẩy, đặc biệt là nhóm xăng dầu.
Báo cáo của CIEM chỉ rõ, việc duy trì thặng dư thương mại và tăng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là những yếu tố góp phần giảm áp lực cho điều hành tỷ giá.
Dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán (M2) đều tăng chậm (đến 28/9, dư nợ tín dụng tăng 2,4%, M2 tăng 0,33% so với cuối quý II), qua đó vừa tạo điều kiện kiểm soát lạm phát, đồng thời là cơ hội để tái cơ cấu ngân hàng, cải thiện chỉ số an toàn của hệ thống.
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc rất khó lường, không biết khi nào mới “hạ hỏa”; tỷ giá của khối EU và Nhật hầu như không biến động thời gian qua là chỉ báo để Việt Nam không nên quá nới lỏng hay thắt chặt tỷ giá, đại diện CIEM cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế cả năm nay có thể đạt 6,88%; lạm phát bình quân ở mức 3,97%; tăng trưởng xuất khẩu 13,3%; cán cân thương mại cả năm dự báo 5,1 tỷ USD.
“Với triển vọng ấy, khả năng duy trì đà tăng trưởng trong 4 - 8 quý tới có thể là vấn đề không quá khó”, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô Nguyễn Anh Dương nêu ý kiến.
Bớt tư duy làm thay thị trường
Nhìn vào những chỉ số tăng trưởng trong 9 tháng qua dù tích cực song Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung không yên tâm. Đến giờ, kinh tế tăng trưởng tương đối tốt nhưng năm sau và các năm sau nữa, đâu sẽ là động lực nâng bước chúng ta để đi nhanh hơn trên con đường cải cách?
Trả lời cho câu hỏi này, theo ông Nguyễn Đình Cung, hành trang cho giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; tái cơ cấu kinh tế có kết quả nhất định, nhất là cải cách về phía cung, giảm phụ thuộc vào khai khoáng và tăng trưởng tín dụng; cải thiện môi trường kinh doanh có kết quả bước đầu với bãi bỏ, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh và 50% danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; thành lập Ủy ban Quản lý vốn đầu tư nhà nước…
Cũng theo ông Cung, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa biết bao giờ kết thúc song vẫn mang lại những cơ hội cho Việt Nam, vấn đề là chúng ta có chủ động nắm bắt cơ hội không? Đặc biệt, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ sẽ tạo xu hướng nắm bắt cơ hội của công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo.
Việc Việt Nam “tiến cùng thời đại, vươn lên hàng đầu không phải là viển vông bởi chúng ta có hạ tầng kinh tế số tương đối tốt và lực lượng lao động là kỹ sư công nghệ thông tin. Song, cách tiếp cận và hành động chính sách đang triệt tiêu, ngăn cản, đẩy các cơ hội hơn là hiện thực hóa các cơ hội.
Chẳng hạn dự thảo Nghị định 86 sửa đổi về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của Bộ Giao thông - Vận tải mới đây đã không thừa nhận hình thức kinh doanh mới kiểu Uber, Grab. Đó là điều rất đáng lo ngại!”, Viện trưởng CIEM nói.
Cho rằng “vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng trong dài hạn là phải cải cách thể chế kinh tế (môi trường kinh doanh, cạnh tranh, đổi mới sáng tạo...)”, ông Nguyễn Anh Dương tỏ ý lo ngại khi điều này bị chậm lại.
“Điều chúng tôi lo ngại là lấy lý do bối cảnh bất định phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để làm chậm quá trình cải cách. Đồng ý điều đó là quan trọng nhưng không thể dừng quá trình cải cách được. Đồng thời, tư duy làm thay thị trường thông qua hoạt động “giải cứu” phải được giảm bớt”, ông nói.
Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia Lê Đình Ân nêu ý kiến, trong thời gian tới, để bảo đảm chất lượng tăng trưởng, cần thực hiện đúng theo Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 cũng như chủ động ứng phó với các cú sốc kinh tế (nếu có).
Đồng thời, phải đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Muốn vậy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước “phải là máu doanh nghiệp, hồn doanh nghiệp, áo doanh nghiệp chứ không thể quản lý nhà nước theo các bộ”, ông Ân nhấn mạnh.