Cái không nằm trong tay ngân hàng - tài sản bảo đảm - nút thắt có hại của nền kinh tế
(Tài chính) Trong tiến trình xử lý nợ xấu có một khâu không nằm trong tay ngân hàng, là tiến độ xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi nợ. Vướng mắc này đang khiến nhiều ngân hàng có xu hướng ưa đắp chiếu khoản nợ xấu hơn là tìm hướng tháo gỡ. Xu hướng này đang gây dồn ứ vốn và tạo ra những nút thắt trong hoạt động tín dụng, rất có hại cho nền kinh tế.
Theo nguyên tắc hoạt động tín dụng, những khoản vay nhỏ thì không cần thế chấp mà chỉ cần tín chấp, song những khoản vay lớn dứt khoát phải có tài sản thế chấp làm bảo đảm. Những gì được coi là tài sản bảo đảm sẽ do ngân hàng quy định và có trách nhiệm thẩm định. Hiện nay, mọi thứ có giá trị đều được coi là tài sản bảo đảm gồm: nhà xưởng, công trình, đơn hàng, dự án hợp tác kinh doanh, nhà, đất, sổ tiết kiệm, hợp đồng cho thuê nhà, hợp đồng mua nhà trả góp; vàng, đồ trang sức, thậm chí là di chúc thừa kế cũng sắp được thực hiện ra làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Do đó, khi khách hàng không trả được nợ, thì ngân hàng mới té ngửa ra một nghìn linh một kiểu tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm. Và vì vậy mới nảy sinh nhiều hình thức tranh chấp về quyền định đoạt tài sản đó.
Nhưng có thể thấy, cơ sở pháp lý cho tài sản cá nhân hoặc tài sản của tổ chức đang khiến ngân hàng như lạc vào rừng rậm không lối thoát. Vì thế, tiến độ xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản vay thường rất chậm. Sự chậm trễ về tiến độ còn làm thay đổi đánh giá về giá trị tài sản thế chấp. Sự biến động không lường trước được của thị trường nhà đất, vàng, chứng khoán… cũng khiến cán bộ ngân hàng gần như bó tay khi xử lý tài sản bảo đảm nợ. Ví dụ: thời điểm năm 2009, một căn biệt thự cao cấp ở một địa điểm đẹp của Thủ đô Hà Nội có giá trị 100 tỷ, khi đem thế chấp vay vốn được ngân hàng cho vay 70% giá trị là 70 tỷ đồng, nhưng 2 năm sau chủ nợ không trả được nợ, nên ngân hàng phải tiến hành bán đấu giá để trừ vào số tiền này. Tuy nhiên, hiện giá bất động sản đã sụt giảm từ 40 đến 50% nên giá trị biệt thự đó đã giảm nhiều. Tình thế này buộc ngân hàng buộc phải ôm căn biệt thự, chờ giá lên, nếu không chịu mất 20 tỷ đồng gốc và phải chịu mất cả lãi. Việc ôm các tài sản này còn phát sinh chi phí bảo trì, duy tu, quản lý, nên ngân hàng cũng khó khăn khi cực chẳng đã phải siết nợ bằng tài sản thế chấp.
Tại các nước phát triển đang tồn tại những công ty dịch vụ chuyên xử lý tài sản siết nợ, tân trang, làm mới, bổ sung tình trạng pháp lý cho tài sản rồi bán lại kiếm lời. Nhưng ở nước ta, dịch vụ này có manh nha xuất hiện nhưng hiện không tồn tại do trình độ thực thi pháp luật ở tất cả các thành phần tham gia chuỗi hành trình kinh tế đều rất thấp. Khi thu lại được tài sản thì chi phí pháp lý bỏ ra có khi quá nửa, thậm chí bằng cả giá trị tài sản. Bởi thế, các công ty xử lý nợ xấu của các ngân hàng đến nay chỉ hoạt động cầm chừng, không tác động được mấy vào đống nợ xấu cứ dày lên từng ngày. Một nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do các cơ quan thực thi pháp luật chưa có nhận thức đúng mức về vai trò của các phiên tòa dân sự, phiên toà tranh chấp kinh tế trong hoạt động kinh tế sôi động hiện nay.
Nhiều khi những vụ án hình sự thì được chỉ đạo xử lý rốt ráo, còn án dân sự thì ra sao cũng được; không có giới hạn thời gian cho việc xử lý một vụ án tranh chấp quyền định đoạt tài sản… Chính những bất cập này đang gây vướng cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng, khiến ngân hàng khóc dở mếu dở khi ôm những tài sản bảo đảm không tự định đoạt được. Những điều này nằm ngoài khả năng của ngân hàng, muốn xử lý được không thể không quan tâm đến nút thắt pháp lý nêu trên.