Cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
(Tài chính) Ngân hàng Thế giới đánh giá, cầu trong nước của Việt Nam vẫn còn yếu, một lượng lớn vốn của ngân hàng hiện nằm trong trái phiếu và tín phiếu, do lòng tin của khối ngân hàng thương mại vào khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn của các doanh nghiệp Nhà nước và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn cao. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sandeep Mahajan cho rằng, cần cải thiện môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công...
Ông Sandeep Mahajan
Ông Sandeep Mahajan: Chúng tôi cho rằng, tăng trưởng triển vọng của Việt Nam có thể đạt mức 6%, nhưng hiện nay, chúng tôi chỉ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2014 đạt 5,4% và năm 2015 đạt 5,5%. Như vậy, Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng tiềm năng. Một trong những nguyên nhân ở đây, đó là lòng tin của khu vực tư nhân ở mức thấp và các nhà đầu tư tư nhân chưa đầu tư nhiều để tăng trưởng.
Việt Nam phải cố gắng để thay đổi tình hình này nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Và chúng tôi dự báo xu hướng này trong vòng một năm tới sẽ không thay đổi nhiều. Việt Nam cần phải cải thiện tình hình cân đối tài sản, bảng cân đối kế toán của khu vực ngân hàng, giải quyết được những bất cập và yếu kém của khu vực doanh nghiệp, gỡ bỏ những rào cản, yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư.
Trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2014, Ngân hàng Thế giới có đề cập yếu tố lòng tin của khu vực tư nhân. Vậy tác động của yếu tố lòng tin đến nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong trung hạn ra sao, thưa Ông?
Theo các chuyên gia thì Việt Nam đang ở trong nền kinh tế hai đường đua (hay nền kinh tế kép), một mặt chúng ta có khu vực đầu tư nước ngoài rất tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh và sẵn sàng đầu tư mới, nhưng mặt khác, khu vực đầu tư tư nhân vẫn chưa thấy tin tưởng và khả năng nắm được cơ hội để có thể đầu tư giống như các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất là khả năng tiếp cận nguồn vốn tài chính của khu vực tư nhân trong nước bị hạn chế. Các ngân hàng hiện nay cũng ngần ngại, không muốn cho các doanh nghiệp mới vay vì không muốn chấp nhận rủi ro.
Thứ hai là hiện nay có những doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn và được hưởng một số cơ chế ưu đãi và ảnh hưởng đến cơ chế tham gia sự phát triển của khu vực tư nhân. Ngoài ra hiện nay có một số quy định quản lý Nhà nước cũng làm ảnh hưởng tới niềm tin của khu vực tư nhân, làm hạn chế đầu tư của họ, ví dụ như thủ tục giải quyết trong trường hợp họ bị mất khả năng thanh toán, giải quyết nhiều thủ tục hành chính, thủ tục về thuế còn phức tạp… Đây là những vấn đề Việt Nam cần giải quyết trong thời gian tới.
Thưa Ông, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới dự báo là thấp, vậy Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa trong nửa cuối năm nay?
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC là biện pháp cụ thể mà Chính phủ đã triển khai, góp phần giải quyết nhanh vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nhưng tỷ lệ nợ xấu ngân hàng còn cao, chúng ta cần phải đẩy mạnh áp dụng và tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế liên quan trong xử lý nợ xấu, tính toán chính xác mức độ nợ xấu với nhiều thông tin hơn, minh bạch hơn. Ngoài ra, cũng rất cần một kế hoạch tái cấp vốn cho các ngân hàng.
Về lâu dài, theo Ngân hàng Thế giới, do đầu tư sẽ bị tác động bởi lãi suất cao nên thành công trong việc đẩy mạnh tăng trưởng và giảm nghèo sẽ phụ thuộc vào tái cơ cấu kịp thời. Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư và đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tăng trưởng toàn cầu sáng sủa hơn sẽ giúp các nước đang phát triển như Việt Nam thực hiện cải cách, hồi phục và tăng trưởng trên một nền tảng vững chắc hơn.
Xin cảm ơn Ông!