Cải thiện môi trường kinh doanh tạo đà phục hồi kinh tế
(Tài chính) Trong nửa đầu năm nay, chính sách tiền tệ của Việt Nam dù bước đầu được nới lỏng, nhưng hoạt động tín dụng vẫn yếu. Xuất khẩu tăng nhưng tập trung vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn trong sản xuất, nhu cầu vay vốn thấp khiến tăng trưởng tín dụng thấp. Theo các chuyên gia, cần cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, dễ dàng hơn, tạo đà cho sự phục hồi kinh tế những năm tiếp theo.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang và tiếp tục được củng cố, lạm phát thấp, cán cân thương mại và tài khoản vãng lai đã bắt đầu thặng dư và sẽ tăng thặng dư trong trung hạn. Tăng trưởng GDP năm 2014 được Ngân hàng Thế giới dự báo ở mức khiêm tốn khoảng 5,4%, do có sự hỗ trợ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo vẫn mạnh. Chỉ số lạm phát chung giảm từ mức đỉnh 23% tháng 8/2011 xuống khoảng 5% vào tháng 6 năm nay.
Bên cạnh đó, cầu trong nước yếu, 90% vốn ngân hàng hiện nằm trong trái phiếu và tín phiếu do lòng tin của khối ngân hàng thương mại vào khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn của các doanh nghiệp Nhà nước và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại cao, dư địa tài khóa bị thu hẹp.
Theo Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa, tăng trưởng dự báo của Việt Nam ở mức 5,4% vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng đó chưa tương xứng với tiềm năng. Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn, do cầu trong nước còn yếu. Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn đòi hỏi Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, đồng thời xóa bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là điểm sáng đáng kể nhất trong tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm. Đánh giá này từ phía các định chế tài chính quốc tế đang củng cố niềm tin về đà hồi phục kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa công bố, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới và bổ sung tuy giảm đến 35,3%, nhưng vốn thực hiện chỉ giảm 0,9%, cho thấy hiệu quả giải ngân vẫn ổn định.
Quan trọng là vốn FDI có những thay đổi tích cực về chất, giảm mạnh ở lĩnh vực bất động sản còn 10% và chuyển dịch tích cực sang chế biến chế tạo với 70%, trong khi đây chính là lĩnh vực tạo tăng trưởng thực sự cho nền kinh tế. Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, giá trị xuất khẩu khu vực FDI trong 6 tháng đầu năm đã tăng đến hơn 16% so với cùng kỳ năm 2013, đóng góp nhiều vào con số xuất siêu. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Với môi trường chính sách như hiện tại, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6% trong ngắn hạn.
Nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng mới dừng ở con số 3,6% do các ngân hàng đang thiếu niềm tin ở khu vực tư nhân. Theo ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, để kích nguồn cầu trong nước, Chính phủ cần tác động mạnh mẽ vào bên cung. Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phát triển các kỹ năng kinh doanh, những rắc rối xung quanh tài sản bảo đảm, để mục tiêu cuối cùng là các hộ kinh doanh gia đình chứng minh được tài sản khi làm thủ tục vay vốn, tạo nguồn hàng ra thị trường, đồng thời kích thích tăng trưởng tín dụng.
Thực tế, lượng tồn kho giảm, nhưng sức cầu của nền kinh tế vẫn yếu, do vậy doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh, từ đó tín dụng tăng chậm. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các chuyên gia nhận định, tăng trưởng tín dụng bao nhiêu phần trăm không quá quan trọng. Trước mắt, cần cải thiện môi trường kinh doanh sao cho thuận lợi hơn, dễ dàng hơn đối với doanh nghiệp, nhằm tạo đà cho sự phục hồi kinh tế trong những năm tiếp theo.