Cải tổ doanh nghiệp nhà nước qua câu chuyện Cosevco
(Tài chính) Đầu tư mua lại và mạnh tay cải tổ một doanh nghiệp như là một khâu của quá trình hậu mua bán - sáp nhập (M&A) đòi hỏi không chỉ tiềm lực tài chính. Đó còn là tâm huyết và khả năng tạo ra thay đổi lớn của các nhà đầu tư “có nghề”, nhất là với các doanh nghiệp đã quá “ốm yếu”.
Không chỉ là thương vụ đầu tư tài chính
Có nhiều thương vụ cổ phần hóa đình đám diễn ra trong thời gian qua, mà câu chuyện ẩn sau nó là cả một kịch bản tái cấu trúc và cải tổ mạnh mẽ sau khi được nhóm nhà đầu tư mua lại trong bối cảnh kinh tế nói chung và từng ngành nói riêng còn mang nặng màu sắc u ám.
Khi nhà đầu tư quyết định tham gia mua lại những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong tình trạng khánh kiệt về tài chính không chỉ đơn thuần là thương vụ đầu tư tài chính mong sinh lời. Trường hợp Tổng công ty Miền Trung (Cosevco) thuộc Bộ Xây dựng được một nhóm cổ đông tư nhân đầu tư năm 2011 và mất 3 năm cải tổ là một ví dụ.
Là DNNN được thành lập từ năm 1975, Cosevco hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con, kinh doanh đa ngành nghề gồm, sản xuất xi măng, thi công xây lắp, bất động sản, xuất nhập khẩu. Trước khi cổ phần hóa, Cosevco có tới 169 công ty con, công ty liên kết.
Tuy nhiên, mô hình quá cồng kềnh này khiến Cosevco rơi vào tình trạng bết bát, với hàng loạt sai phạm trong sử dụng vốn nhà nước, kinh doanh kém hiệu quả, mất khả năng trả lãi vay…
Năm 2008, Cosevco hầu như ngừng hoạt động, trừ Nhà máy Xi măng Sông Gianh và ngân hàng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Cosevco. Tháng 12/2008, Bộ Xây dựng đã phải chuyển sở hữu vốn nhà nước tại Cosevco sang Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp đô thị Việt Nam (IDICO).?Cùng thời điểm đó, Bộ Xây dựng đã ký quyết định cổ phần hóa.
Tuy nhiên, việc này bị trì hoãn đến tận tháng 6/2011. Khi cổ phần hóa, Cosevco có tổng cộng 12.400 nhân viên, ngoài những phần nợ có tài sản đối ứng thì còn hàng ngàn tỷ đồng tiền nợ, bảo lãnh, treo trên sổ không có khả năng thanh toán.?Dù tình hình bết bát, nhưng Cosevco lại được sự chăm sóc nhiệt tình của các nhà đầu tư lọc lõi trong và ngoài nước. Ngày 27/6/2011, phiên đấu giá 23.978.076 cổ phần (tương đương 53,28%) Cosevco tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã thành công. Giá bán bình quân 10.601 đồng/cổ phiếu cho trên 700 nhà đầu tư, trong đó có 4 nhà đầu tư tổ chức.
Hồi sinh sau ca đại phẫu thuật
Tiếp quản Cosevco, trước căn bệnh nan y lúc bấy giờ mà rất nhiều các DNNN mắc phải là đầu tư dàn trải và đa ngành, nhưng năng lực quản lý yếu kém. Nhóm nhà đầu tư tham gia cổ phần hoá đã quyết tâm “đại phẫu thuật”.
Cần phải nhắc lại là, Cosevco thời điểm sau cổ phần hoá có rất nhiều vấn đề trầm trọng. Đó là tình hình tài chính không lành mạnh, hầu hết công ty thành viên dừng hoạt động hoặc yếu kém. Mô hình kinh doanh trải dài cả bất động sản, xây dựng, vật liệu, gạch ngói...
Nhóm nhà đầu tư tham gia cổ phần hoá đã tiếp quản và lên kế hoạch cải tổ mạnh mẽ cho Cosevco. Bốn nhóm “đại phẫu” được đưa ra, gồm: cải tổ mô hình hoạt động và cơ chế quản trị DN; cải tổ hiệu quả sản xuất và nhà máy; định hướng lại thương hiệu và thị trường; cấu trúc lại nợ và dòng tiền.
Việc cải tổ trên cơ sở thành lập Ban Nghiên cứu chiến lược cải tổ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thị trường, công nghệ kỹ thuật, pháp chế, tài chính… để đưa ra giải pháp và thông qua Đại hội đồng cổ đông, đồng thời cũng được sự ủng hộ tuyệt đối của cổ đông và cán bộ, công nhân viên.
Cụ thể, Cosevco cắt hết những “ung nhọt” là các công ty đang chờ chết và công ty đầu tư ngoài ngành để cơ thể đủ sức nuôi sống lĩnh vực cốt lõi. Trên cơ sở báo cáo đánh giá và đề cương tái cơ cấu do Ban Nghiên cứu chiến lược trình bày, các công ty con, công ty liên kết của Cosevco đã được phân ra các nhóm với đặc thù và hình thức thực hiện cho từng nhóm, cụ thể gồm 4 nhóm chính: có tiềm năng phát triển; duy trì và cần tái cơ cấu; chuyển giao – thoái vốn tại những công ty không còn hoạt động hoặc không nằm trong chiến lược phát triển mới, cần được thanh lý.
Trong khi đó, ở phần cải tổ tài chính, Cosevco đã đàm phán giãn nợ với ngân hàng, tối ưu hóa nguồn vốn hoạt động, tìm kiếm nguồn tài chính với lãi suất thấp, tách bạch chi phí hoạt động giữa tất cả các nhà máy của Cosevco. Đáng chú ý trong hoạt động cải tổ này là, tất cả các thương hiệu xi măng trước đây của Cosevco sẽ hợp nhất chất lượng và thương hiệu mang tên Xi măng Sông Gianh thông qua việc điều chỉnh hệ thống kỹ thuật công nghệ từ Tổng công ty trên toàn hệ thống sản xuất xi măng. Hiện sản phẩm được sản xuất tại Xi măng Sông Gianh, Xi măng Cosevco 19, Cosevco Đà Nẵng, Cosevco Phú Yên đồng thương hiệu XMSG và đồng chất lượng.
Điểm nhấn mang tên Sông Gianh
Xi măng Sông Gianh, thuộc sở hữu 100% của Cosevco với công suất 1,4 triệu tấn/năm, là trường hợp điển hình cho sự chuyển mình, thay da đổi thịt và tăng trưởng bứt phá của một đơn vị được cải tổ theo đúng mục tiêu đề ra từ Ban Nghiên cứu chiến lược.
Không chỉ thống nhất về thương hiệu, mà nhà đầu tư mới còn cải tổ luôn cả hệ thống sản xuất. Toàn bộ hệ thống trạm nghiền trong khu vực của Cosevco được đưa vào gia công 100% thương hiệu Xi măng Sông Gianh. Việc làm này là một mũi tên trúng hai đích: giúp tăng công suất sử dụng của các nhà máy thuộc Cosevco từ 50% trước khi tái cấu trúc tăng lên 105-110% kể từ năm 2013. Việc hợp nhất mang tính nội bộ này giúp Sông Gianh mở rộng thị trường và tự triệt tiêu cạnh tranh thương hiệu trong thị trường khu vực miền Trung.
Ngoài ra, đối với sản xuất xi măng, việc tính toán cắt giảm chi phí đầu vào, nhưng vẫn tăng hiệu quả sản xuất, thị trường gần như là không tưởng, ấy thế mà Cosevco vẫn làm được. Sản lượng clinker và xi măng năm 2014 đã tăng lần lượt 12,5% và 30% so với năm 2013, trong khi chi phí sản xuất giảm xuống tương ứng còn 6% và 10% trong năm 2014.
Điều đáng nói là, Xi măng Sông Gianh liên tục bứt phá trong việc tăng sản lượng lên tới 1,777 triệu tấn năm 2014, tăng 31% so với năm 2013 và 55% so với năm 2012. Sản lượng clinker cũng đạt đỉnh với 1,394 triệu tấn, tăng 13% so với năm 2013 và 15% so với năm 2012.
Nhà máy đã nâng công suất chạy máy lên tối đa trên tất cả các công đoạn, luôn vượt công suất tối đa ở mức 105 - 110%. Năm 2014, hiệu suất vận hành của Cosevco đã nằm trong tốp những nhà máy cao nhất Việt Nam hiện nay (340/365 ngày trong năm 2014).
Việc tăng sản lượng một cách thần tốc xuất phát từ ba nguyên nhân chính, gồm khả năng tối đa hóa công suất và hiệu suất của các dây chuyền; Sự hợp nhất thương hiệu Xi măng Sông Gianh và khả năng phát triển thị trường để có thể bán hết sản lượng sản xuất.
Với những động thái cải tổ mạnh mẽ nêu trên, chỉ sau 2 năm tái cấu trúc, dòng tiền hoạt động của Cosevco đã thoát khỏi thiếu hụt. Từ mức lỗ thuần trên 282 tỷ đồng năm 2012, đến năm 2014, lần đầu tiên kể từ khi đi vào sản xuất, Xi măng Sông Gianh đã có lãi. Từ chỗ có dòng tiền hoạt động sản xuất - kinh doanh âm trong các năm 2009 và 2010 trước tái cấu trúc, đến năm 2012, dòng tiền thuần từ sản xuất - kinh doanh đã đạt 12 tỷ đồng và liên tục tăng trong các năm tiếp theo, với doanh thu trước thuế đạt trung bình trên 30%.
Trong bối cảnh cả ngành này vẫn đang chịu tình trạng không mấy sáng sủa vì cung vượt cầu, kinh doanh bấp bênh, thì kết quả trên đã gây bất ngờ với các DN cùng ngành. Tuy nhiên, so với chuẩn quốc tế, thì Nhà máy Xi măng Sông Gianh còn nhiều việc phải làm để giữ được vị thế sau khi đã được “đại phẫu”.
Chẳng hạn, theo chuẩn của các nhà máy xi măng lớn trên thế giới như Holcim, tiêu chí bình quân khu vực, thì sản lượng trên đầu nhân viên là 4.000 tấn, tại Việt Nam nhìn chung các nhà máy đang ở mức 1.200 tấn/đầu người. Xi măng Sông Gianh đã cải tổ đạt tiêu chuẩn 2.700 tấn/đầu người và kỳ vọng đạt 3.500 tấn/đầu người trong năm nay.
Những “quả ngọt” trên cho thấy, không phải cuộc đại phẫu thuật nào cũng để lại vết sẹo, cơ thể đó không những được hồi sinh, mà còn đẹp hơn, cường tráng hơn trước nhiều.
Điều cốt lõi ở đây là, cần có một nhóm nhà đầu tư tâm huyết, có tầm nhìn chiến lược và có năng lực cải tổ, thực thi để biến doanh nghiệp ốm yếu thành khoẻ mạnh, tạo nên một sức sống mới đủ sức chiến đấu trên thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.