Cấm bán rượu, bia một số giờ quy định: Nhiều nước đã làm

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Quy định cấm bán rượu bia sau 22h được Bộ Y tế nêu ra trong Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia bị “nghi ngại” về tính khả thi, nhưng trên thế giới đã có nhiều nước thực hiện thành công.

Cấm bán rượu, bia một số giờ quy định: Nhiều nước đã làm
Hệ lụy từ rượu, bia ở mức báo động. Nguồn: internet

Hệ lụy từ rượu, bia ở mức báo động

Theo báo cáo của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), trung bình trên thế giới, mỗi người sử dụng 6,2 lít rượu, bia/năm. Mức độ tiêu thụ này hầu như không tăng trong 15 năm qua. Tuy nhiên, tại Việt Nam lại có xu hướng gia tăng nhanh. Bia, rượu là nguyên nhân gây ra những hậu quả ở mức báo động: 70% số vụ tai nạn giao thông; 68% số vụ bạo lực gia đình (ở Bỉ là 40%, Mỹ 30 - 40%); 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội.

Tổ chức Nghiên cứu thị trường Eurowatch cho biết, riêng năm 2013, Việt Nam đã tiêu thụ khoảng trên 3 tỷ lít bia, tăng gấp 3,5 lần so với 9 năm trước đó. Như vậy, bình quân mỗi năm, mỗi người dân Việt Nam uống 32 lít bia. Với đà tăng như hiện nay thì 10 năm nữa, con số sẽ là 56 lít bia cho mỗi người trong một năm.

Thói quen lạm dụng rượu bia đã để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe, kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, việc ban hành chính sách hạn chế sử dụng rượu, bia là yêu cầu tất yếu.

Các nước quy định thế nào?

Trên thế giới, hiện nay đã có 168 quốc gia có quy định thời gian cấm bia, rượu, đa số là từ 20h hoặc 22h đến 06h hoặc 08h ngày hôm sau. Hầu hết người dân đều dần chấp hành quy định, tỷ lệ sử dụng rượu, bia có xu hướng giảm dần. Ngoài ra, việc quy định nồng độ cồn thấp đối với lái xe cũng giảm được khoảng 20% tai nạn liên quan đến rượu, bia. Điển hình như ở Nhật Bản năm 2002, giảm nồng độ cồn trong máu từ 50mg/dl xuống 30mg/dl thì tử vong tai nạn giao thông giảm 35%.

Để hạn chế người dân sử dụng rượu, bia, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm bán rượu tại siêu thị và các góc của cửa hàng từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền.

Tại Nauy, rượu, bia cũng được bán vào những khoảng thời gian nhất định. Thời gian này có thể thay đổi từ địa điểm này đến địa điểm khác nhưng không muộn hơn 20h vào các ngày thường và 18h ngày thứ bảy và các ngày lễ. Các cửa hàng, siêu thị ở nước này cũng không được bán rượu vào chủ nhật, ngày lễ và ngày bầu cử hoặc ngày trưng cầu dân ý.

Ở Thái Lan và Singapore cũng cấm bán lẻ rượu bia từ 14h tới 17h và từ 24h đêm hôm trước tới 11h trưa hôm sau.

Việt Nam cũng đã có quy định không được bán rượu trong các quán karaoke, vũ trường sau 24h nhằm đảm bảo an ninh, trật tự... Nếu vi phạm sẽ bịđã phạt hành chính, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000đ, tuy nhiên việc thực thi chưa hiệu quả.

Cần sự đồng lòng của cả xã hội

Quy định cấm bán rượu, bia sau 22h đến 6h sáng hôm sau là 1 trong 3 phương án được đưa ra trong Dự thảo mà Bộ Y tế cho là tối ưu nhất. Theo đó, Dự thảo cũng quy định, người bán chỉ được bán rượu, bia cho một người uống tại chỗ với hàm lượng tối đa không quá 1 đơn vị rượu/giờ, 3 đơn vị rượu/ngày đối với nam và 0,5 đơn vị rượu/giờ, 2 đơn vị rượu/ngày đối với nữ (1 đơn vị rượu tương đương khoảng 2/3 chai bia 550ml hoặc một lon bia 330ml 5%, một cốc bia hơi 330ml, một ly nhỏ 100ml rượu vang 13,5%, một chén rượu mạnh 40-43%). Việc bán rượu bia từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau có thể bị cấm tại một số địa điểm như quán bar, karaoke, vũ trường...

Khi xây dựng Dự thảo, Bộ Y tế cũng nhận thức rằng để thực hiện được hiệu quả quy định này cũng khó khăn không nhỏ, nhất là trong khâu giám sát, xử lý vi phạm. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người và trách nhiệm công dân, trách nhiệm pháp lý. Các nước trên thế giới cũng thường tuyên truyền, kêu gọi uống rượu, bia phải có trách nhiệm và mỗi người cần tự điều chỉnh hành vi của mình.

Cũng theo báo cáo một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Y tế, có đến 78% số người dân được hỏi đã đồng ý với những quy định được đưa ra trong Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Đó là một trong những cơ sở quan trọng để Dự thảo sẽ có tính khả thi.

Ngoài ra, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra cho Việt Nam một số giải pháp giúp tăng hiệu quả thực thi của chính sách, như: tăng giá các đồ uống có cồn, cấm bán đồ uống có cồn cho trẻ dưới 18 tuổi, quy định thời gian nhất định được bán đồ uống có cồn trong ngày và xem xét cấm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ uống có cồn tài trợ cho các sự kiện thể thao, văn hóa...

Nguồn tham khảo:

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-y-te-de-xuat-cam-ban-ruou-bia-sau-22h-3019235.html

http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2014/7/238497.cand