“Cần bộ quy tắc đạo đức đối với người hành nghề bảo hiểm”
Đây là đề xuất của PGS.,TS. Đặng Văn Thanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI với Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm lần này.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp cuối năm nay. Bình luận về vấn đề này PGS.,TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI cho rằng tiềm năng thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất lớn, nhưng có một thực tế là, rất nhiều người dân… sợ đại lý bảo hiểm, nhân viên môi giới bảo hiểm.
“Cứ nghe đến môi giới bán bảo hiểm, bất kể là sản phẩm bảo hiểm gì của công ty nào, thì có đến 90% người dân không muốn tiếp. Vì sao vậy? Vì vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng giữa các công ty bảo hiểm dưới nhiều hình thức; phí bảo hiểm chưa tương xứng với rủi ro được bảo hiểm.
Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm còn hiện tượng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của khách hàng, thậm chí có tình trạng xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm. Mua bảo hiểm thì dễ, nhưng lúc đòi bồi thường hoặc lấy lại một phần tiền bảo hiểm đã đóng do không thể tiếp tục tham gia thì không khác gì “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”, ông Thanh nói.
Ngược lại, theo quan điểm của ông Thanh tình trạng gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trục lợi bảo hiểm ở Việt Nam mặc dù chưa cao như nhiều nước trên thế giới, nhưng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây và sẽ còn gia tăng mạnh mẽ cùng với sự hội nhập, phát triển kinh tế và sự tăng trưởng đột phá của công nghệ thông tin.
Để hạn chế tình trạng gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, ông Thanh đề nghị khi sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này, phải có quy định về bộ quy tắc đạo đức đối với người hành nghề bảo hiểm.
“Đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm là nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, nên ngoài các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề như một số ngành nghề khác, thì Luật Kinh doanh bảo hiểm cần có thêm quy định về đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp đối với người tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Chỉ khi có được bộ quy tắc đạo đức, thì mới giảm thiểu được tình trạng tiếp tay cho khách hàng gian lận hoặc cố tình chèo kéo, tư vấn lờ đi các thông tin “nhạy cảm”, nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm… Làm sao trách nhiệm của nhân viên bảo hiểm với khách hàng khi nhận tiền bảo hiểm đáo hạn, rút trước hạn hoặc đền bù thiệt hại như lúc tư vấn, môi giới, giới thiệu bán bảo hiểm thì mới lấy được lòng tin của người dân và thị trường bảo hiểm mới có thể phát triển bền vững”, ông Thanh nhấn mạnh.