Cần chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu tôm
(Tài chính) Trước sự cạnh tranh gay gắt của một số nước có thế mạnh về xuất khẩu tôm (Thái Lan, Ấn Độ, Mexico), cũng như các rào cản chất lượng và thuế quan từ nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống, các chuyên gia cho rằng, cần chủ động mở rộng thị trường để xuất khẩu tôm có thể hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Mặc dù đang có sự tăng trưởng tương đối ổn định, nhưng ngành tôm của nước ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Đầu tiên phải kể đến đó là sự cạnh tranh của một số quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu tôm, như: Thái Lan, Ấn Độ, Mexico... Bởi dù Mexico đang phải nhập khẩu nhiều tôm hơn xuất khẩu do ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm (EMS), hay nguồn cung tôm của Thái Lan và Ấn Độ không đáp ứng đủ yêu cầu, thì những quốc gia này đã tích cực cải thiện kỹ thuật nuôi, đầu tư đổi mới dưới sự trợ giúp của Chính phủ, để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này. Điều này khiến cho môi trường cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng tôm ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Tiếp đến là Nhật Bản vừa quyết định kiểm tra chặt chẽ chất oxytetracyline với 100% các lô hàng tôm nhập khẩu từ nước ta. Điều này khiến các lô hàng mất nhiều thời gian thông quan, chi phí xuất khẩu tăng và gặp nhiều cản trở hơn khi thâm nhập vào Nhật Bản – thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của nước ta. Ngoài ra, nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản lớn khác cũng đưa ra những rào cản phi thuế quan mới và thường đánh vào các khâu quản lý chất lượng sản phẩm trong nuôi trồng, khai thác và chế biến tôm. Mới nhất, trong tháng 9.2014, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố mức thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm của nước ta vào thị trường này cho đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) từ ngày 1.2.2012 - 31.1.2013 có mức thuế 6,37%, cao nhất từ trước đến nay. Điều này khiến mặt hàng tôm xuất khẩu của nước ta giảm sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác tại thị trường Hoa Kỳ.
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, ngoài những thị trường nhập khẩu chính hiện nay (Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU), chúng ta cần chủ động mở rộng thị trường để xuất khẩu tôm có thể hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng muốn thực hiện được giải pháp này, trước hết, các doanh nghiệp cần tiếp tục từng bước chuyển từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng; không sử dụng các loại hóa chất cấm, hoặc lạm dụng các chất hóa chất trong quá trình nuôi, bảo quản, chế biến. Doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng triển khai kiểm soát nguồn nguyên liệu trước khi chế biến bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến. Tùy theo quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng và trình độ kỹ thuật để ứng dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến, như: Quy phạm Quản lý tốt hơn (BMP), Quy phạm thực hành nuôi tốt (GAP) và các tiêu chuẩn quốc tế khác.
Và để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường nhập khẩu, các cơ quan chức năng cần phối hợp với doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, thâm nhập các thị trường tiềm năng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chủ động tiếp cận, đàm phán với các quốc gia có tiềm năng về nhập khẩu tôm để ký kết các bản ghi nhớ, hợp tác nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như giải quyết những tranh chấp thương mại, hoặc tháo gỡ các rào cản thương mại.