Cần chuyên nghiệp hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài
(Tài chính) Việc người dân thắt chặt chi tiêu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp (DN) bán lẻ. Đấy là chưa kể những khó khăn khi các điều kiện đối với DN bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam ngày càng được nới lỏng. Cho rằng sự xuất hiện của các DN bán lẻ nước ngoài không hoàn toàn là tác động tiêu cực, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan tin tưởng, sức ép này là động lực để DN bán lẻ trong nước chủ động, chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực, sẵn sàng cạnh tranh với DN bán lẻ nước ngoài.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Trong bối cảnh sức mua giảm sút và nhiều khó khăn khác về mặt bằng bán lẻ, logistics, vấn nạn hàng giả, hàng nhái... các DN bán lẻ đã có nhiều nỗ lực để mở rộng thị phần. Hành động rõ nhất là DN mở thêm các điểm bán lẻ. Một số nhà đầu tư mới trong nước và nước ngoài đã gia nhập thị trường, làm tăng nguồn cung cho hệ thống bán lẻ để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Các DN thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã nhanh chóng bám sát xu hướng này.
Có thể kể đến những DN bán lẻ hàng đầu của Việt Nam như: DN bán lẻ tổng hợp Saigon Coop đã mở được gần 70 Coop Mart và gần 70 Coop Food tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều thành viên khác của Hiệp hội cũng nỗ lực đầu tư, mở rộng hệ thống và nâng cao chất lượng phục vụ trong lĩnh vực bán lẻ tổng hợp như: Satra, Hapro, Phú Thái, Fivimart, OceanMart, Intimex, Lan Chi... Hay, trong lĩnh vực bán lẻ chuyên doanh như Nguyễn Kim, SJC, Fahasa, VinatexMart, VNF1 jsc, Kangaroo, Trần Anh, Pico...
Ngoài việc mở rộng các điểm bán lẻ, thành viên của Hiệp hội cũng mở rộng chủng loại hàng hóa, tích cực và chủ động tham gia bình ổn thị trường, giúp giảm chi phí sinh hoạt thường ngày cho người tiêu dùng. Đó là những thành tựu cần được ghi nhận của DN thành viên, cũng như ngành bán lẻ của nước ta trong năm qua.
Kinh tế trong nước và trên thế giới trong năm 2014 dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các DN bán lẻ trong nước, thưa bà?
Tình hình năm 2013 đã cho thấy, kinh tế tiếp tục khó khăn khiến sản xuất kinh doanh của DN đình đốn, lương thưởng của người lao động bị giảm sút đáng kể. Thu nhập giảm buộc người dân phải thắt chặt chi tiêu, làm giảm sức mua. Doanh số bán hàng và doanh thu của nhiều DN bán lẻ trong nước và trên thế giới cũng theo đó bị giảm sút.
Nhưng như câu ngạn ngữ trong đám mây đen nào cũng có ánh bạc, điều quan trọng là tìm được cơ hội trong khủng hoảng, tìm được lối đi trong khó khăn. Nhiều đơn vị thành viên và DN trong ngành cho biết họ sẵn sàng đối mặt với khó khăn trong năm 2014. Hành động cụ thể là tiếp tục thực hiện chủ trương mở rộng các điểm bán lẻ hiện đại nhằm đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng.
Hiệp hội và các DN cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu xu hướng tiêu dùng trong nước và trên thế giới nhằm định hướng phát triển cho ngành bán lẻ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới cũng như nhu cầu của người tiêu dùng có nhiều thay đổi so với trước đây.
Thưa bà, DN bán lẻ cần lưu ý đến những thay đổi nào liên quan đến nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian tới?
Người tiêu dùng hiện nay có thêm nhiều thông tin hơn do mạng internet được phổ cập rộng rãi. Nhất là việc sử dụng điện thoại smartphone (điện thoại thông minh) ngày càng phổ biến hơn, giúp người tiêu dùng có thể tìm hiểu thông tin mọi lúc, mọi nơi và có nhiều lựa chọn hơn khi có nhu cầu mua hàng hóa. Các thông tin phản hồi về chất lượng sản phẩm, chế độ bảo hành thường xuyên được cập nhật nhanh.
Những đặc điểm này đòi hỏi DN bán lẻ phải cung cấp thông tin một cách trung thực hơn, nhưng không được nhàm chán nếu muốn thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. DN phải luôn đổi mới thông tin để truyền tải đến người tiêu dùng những điều thú vị về sản phẩm hàng hóa cung ứng ra thị trường.
Và một yêu cầu nữa DN bán lẻ cần chú ý, đó là yêu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa phải ngày càng cao, cho nên không thể chỉ đưa ra những sản phẩm hàng hóa trung bình mà cần đa dạng về sản phẩm hàng hóa, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. Và có lẽ quan trọng hơn cả, sản phẩm hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có chế độ bảo hành tốt... Yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe.
Điều này buộc DN phải cải tiến, đổi mới phương thức quản trị, nâng cao hiệu suất của mọi khâu trong quá trình bán lẻ. Nếu DN không đáp ứng được yêu cầu của người mua thì lẽ đương nhiên là họ sẽ bị mất khách hàng vào tay đối thủ cạnh tranh có khả năng đáp ứng tốt hơn.
Trong thời gian tới, các điều kiện ràng buộc về việc xác định nhu cầu kinh tế khi DN bán lẻ nước ngoài mở chi nhánh thứ hai ở nước ta sẽ được nới lỏng. DN nước ngoài có thể sẽ hiện diện nhiều hơn ở nước ta, gây sức ép cạnh tranh lớn hơn với DN bán lẻ trong nước, thưa bà?
Sự hiện diện của DN bán lẻ nước ngoài ở nước ta không còn là câu chuyện mới. Thực tế, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thì ngay khi nước ta gia nhập tổ chức này đã phải mở cửa thị trường phân phối - bán lẻ (năm 2007). Và đến ngày 1/1/2009, thì nước ta phải mở cửa gần như hoàn toàn thị trường này. Nhà bán lẻ nước ngoài hiện chỉ bị giới hạn bởi các điều kiện để xác định nhu cầu kinh tế khi mở chi nhánh thứ hai.
Tuy nhiên, các điều kiện này đã được nới lỏng hơn từ tháng 6/2013. Ví dụ, việc lập cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi có diện tích dưới 500m2 tại khu vực đã được tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch cho hoạt động mua bán hàng hóa và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ không phải kiểm tra nhu cầu kinh tế... Về phía hiệp hội và các DN thành viên thì luôn xác định, việc xuất hiện DN bán lẻ nước ngoài có tăng sức ép, song không hoàn toàn là tác động tiêu cực.
Ngược lại, sức ép này có tác động tích cực buộc DN trong nước phải chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực để sẵn sàng cạnh tranh. Việc này không chỉ giúp các DN bán lẻ trong nước thay đổi theo chiều hướng tích cực, mà còn giúp cung ứng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn cho người tiêu dùng, cho xã hội.
Sự hiện diện của DN bán lẻ nước ngoài ở nước ta giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn và có cơ hội được hưởng dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp hơn. Nhưng nếu giả dụ ngành bán lẻ nước ta phụ thuộc vào DN nước ngoài, thì đây có là tin vui với người tiêu dùng hay không?
Việc DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường bán lẻ không phải là điều đáng khuyến khích. Điều này không chỉ đúng với Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng xác định như vậy. Bởi ngành bán lẻ có vai trò quan trọng đặc biệt, quyết định sản xuất, tiêu dùng của một quốc gia. Nếu thị trường bán lẻ phụ thuộc vào DN nước ngoài thì có thể sẽ có những tác động không mong muốn. Đây không chỉ là những thiệt hại về kinh tế trước mắt, mà còn có những thiệt hại lâu dài, khó khắc phục và đòi hỏi chi phí khắc phục lớn. Vì vậy, cơ quan hoạch định chính sách cần cân nhắc nhiều khía cạnh.
Với lợi thế về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, thương hiệu, thì DN bán lẻ nước ngoài đang có lợi thế hơn DN bán lẻ trong nước. Để có thể sẵn sàng cạnh tranh, theo bà, DN nội địa cần chú ý đến những điểm nào?
DN bán lẻ trong nước đã bày tỏ sẵn sàng cạnh tranh với DN nước ngoài. Đây là điều rất mừng vì có nhận thức đúng thì mới có hành động phù hợp. Để nâng cao sức cạnh tranh, tôi thấy rằng, DN phải nắm bắt xu hướng phát triển, xây dựng chiến lược phát triển của mình. Nhưng tự DN trong nước sẽ rất khó khăn để thắng trong cuộc cạnh tranh không cân sức giành thị phần nếu như không có hệ thống chính sách thông thoáng và một số biện pháp hỗ trợ.
Cần lưu ý là chúng ta không phải e ngại khi triển khai các biện pháp hỗ trợ vì đây là hỗ trợ cho ngành dịch vụ nên hoàn toàn phù hợp với cam kết gia nhập WTO. Ví dụ như triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu về người tiêu dùng, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, cung cấp thông tin cho DN...
Hiện nay, các hoạt động nói trên chủ yếu do DN và một phần do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thực hiện, rất ít hoặc không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ngoài ra, cần có hỗ trợ cho ngành thương mại, trong đó có DN bán lẻ. Không ai phủ nhận tầm quan trọng đặc biệt của sản xuất, nhưng sản xuất để làm gì nếu như không bán được sản phẩm, hàng hóa? DN bán lẻ trong nước sẽ có sức mạnh nhiều hơn, làm tốt hơn vai trò cung-cầu nếu như có chính sách khuyến thương, cụ thể là khuyến khích ngành phân phối – bán lẻ.
Ví dụ như các chương trình đào tạo nhân lực bán lẻ ở cả 3 cấp độ (sơ, trung và cao cấp); chương trình nâng cao năng lực quản lý; chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình phân phối bán lẻ, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; chương trình phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin; chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế...
Để hỗ trợ DN thành viên nâng cao sức cạnh tranh, cung ứng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, thì Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ triển khai những hoạt động gì trong thời gian tới, thưa bà?
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trước hết, sẽ là cầu nối cho DN với các cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Thứ hai, Hiệp hội sẽ đại diện cho DN thành viên tiếp tục tham gia xây dựng và phản biện các chính sách, pháp luật liên quan đến ngành bán lẻ, trong đó có các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương sắp ký kết. Đẩy mạnh kết nối giữa DN bán lẻ thành viên và DN khác trong ngành, với các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Và đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu cho DN thành viên.
Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu để cung cấp thông tin hữu ích và cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật cho DN thành viên.
Xin cám ơn bà!