Cần có luật riêng về hộ kinh doanh
Việc xem xét đưa hộ kinh doanh vào làm đối tượng quản lý theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) còn gây nhiều ý kiến tranh cãi tại Quốc hội tại phiên họp ngày 15/11 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về Luật doanh nghiệp sửa đổi.
Đưa “hộ kinh doanh” vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp
Nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh như sau: Tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.
Quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động); bổ sung quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty.
Đồng thời, sửa đổi Điều 1, Điều 2 dự thảo Luật để bổ sung hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.
Trình bày thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh, khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia vào thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước.
Cần luật riêng cho hộ kinh doanh?
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh, vì hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự thảo Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoặc công nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp như nhiều nước trên thế giới.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Trong thực tiễn hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh cùng tồn tại với các loại hình công ty và doanh nghiệp khác và người dân có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động (hộ kinh doanh). “Đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh” – ông Vũ Hồng Thanh nói.
Thảo luận ở tổ về nội dung này, đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TPHCM) cho rằng, ở nước ta, hộ kinh doanh cá thể chiếm số lượng rất lớn với khoảng 4,5 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, chiếm hơn 29% GDP. Trên thế giới, hiện chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại loại hình kinh doanh này.
Theo đại biểu, do điều kiện kinh tế ở nước ta là kinh tế tiền mặt, kinh doanh nông nghiệp, thủy hải sản tự phát, nhỏ lẻ rất nhiều. Do đó, nếu quy định hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp với những quy định như một doanh nghiệp thì e rằng rất khó.
Đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, nên có Nghị định dưới Luật liên quan đến hộ kinh doanh hướng tới quản lý chặt chẽ, đảm bảo các quy định như một doanh nghiệp. “Nếu quy định hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp thì không nên. Vì hiện nay trên thế giới chỉ có Việt Nam và Trung Quốc quy định hộ kinh doanh trong bộ luật thì chúng ta cá biệt quá. Tôi cho rằng, nên để Chính phủ hướng dẫn trên tinh thần ủng hộ các hộ kinh doanh hướng tới doanh nghiệp chính quy” – ông Phạm Phú Quốc cho biết.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho rằng, hộ kinh doanh là thành phần kinh tế có vai trò rất quan trọng. Nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật thì rất khó, còn nếu không quản lý thì cũng không được. Do đó, với đặc thù nhỏ lẻ của hộ kinh doanh cần có một Luật riêng để tính toán về quản lý, tổ chức kinh doanh thế nào, cũng như thuế, hệ thống sổ sách kế toán ra sao....thì sẽ phù hợp hơn.
“Không nên quy định hộ kinh doanh trong Luật doanh nghiệp, nhưng cũng cần phải có Nghị định để định hướng phát triển loại hình kinh doanh này”- đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, đây là thời điểm nên và cần thiết đưa hộ kinh doanh vào quản lý, nhưng đưa vào Nghị định riêng cho đối tượng này.
“Số liệu mới nhất với việc Nhà nước thất thu thuế tới 30.000 tỷ đồng đối với hộ kinh doanh. Tuy nhiên, bản chất hoạt động, cách thức, quy mô hộ kinh doanh khác với doanh nghiệp, do đó không nên đưa vào quản lý chung một luật với doanh nghiệp”, đại biểu đoàn Hà Nội chỉ rõ.
“Cần sớm xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh. Sau đó, nếu được có thể xây dựng một luật riêng cho việc quản lý hộ kinh doanh, bởi lẽ đã đến thời điểm không thể cứ để đối tượng này phát triển tự phát ngoài”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.