Cần dẹp loạn thị trường thực phẩm chức năng
Bàn về phương án phối hợp trong công tác quản lý, đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trần Hùng cho biết, thời gian tới sẽ đặc biệt tăng cường công tác đấu tranh để kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, vì đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người.
Nhiều vi phạm nghiêm trọng
Chăm sóc sức khỏe bằng thực phẩm chức năng đang dần trở nên phổ biến đặc biệt với người dân ở các thành phố lớn. Điều này vô hình trung dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… trong lĩnh thực phẩm chức năng tạo nên sự hoang mang cho dư luận. Theo tổng kết của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, năm 2017, Hà Nội đã xử lý hơn 1.580 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trong đó, lực lượng quản lý thị trường xử lý 1.550 vụ, công an xử lý 2 vụ, y tế xử lý 2 vụ và hải quan 2 vụ… Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Đội trưởng đội Quản lý thị trường 14 TP. Hà Nội Dương Ngọc Viện cho biết, hiện nay có hàng chục đầu ngành kiểm tra vi phạm an toàn thực phẩm, nhưng khi tổng kết lại, chỉ có bóng dáng của quản lý thị trường và công an, hải quan.
Trong năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng kiểm tra, xử lý hơn 10 đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng kém chất lượng, trong đó có 3 - 4 đơn vị làm giả chất lượng lên tới hàng tỷ đồng tiền sản xuất.
Trong khi đó, con số xử lý của Cục An toàn thực phẩm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm năm qua là xử phạt 48 cơ sở vi phạm hành chính với số tiền khoảng 2 tỷ đồng; thu hồi 105 giấy xác nhận công bố hợp quy, tiêu hủy 33 lô sản phẩm vi phạm, tạm dừng 49 lô sản phẩm. Đồng thời, chuyển 6 vụ có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả sang cơ quan cảnh sát điều tra của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để xem xét dấu hiệu hình sự.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách của Ban chỉ đạo 389 Bộ Công thương (Tổ công tác 344) Trần Hùng, các sản phẩm đơn thuần, khi giám định chất lượng sản phẩm dưới 70% tiêu chuẩn cho phép được nhận định là hàng giả. Nhưng với mặt hàng thuốc, chỉ 1% đã được coi là giả vì liên quan đến tính mạng con người. Do đó, những vi phạm trong lĩnh vực này cần phải được kiểm tra sát sao và có những xử lý kịp thời.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Đỗ Hữu Tuấn cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã tập trung chủ yếu thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng; phối hợp với cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý các trang web có hành vi quảng cáo không đúng với sự thật.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xử lý và truy tố những vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng không dễ, vì để đánh giá làm giả chất lượng hay không còn phụ thuộc vào giám định. Có rất nhiều tiêu chí qua thời gian biến đổi. Người sản xuất làm tốt nhưng người kinh doanh hoặc trong quá trình bảo quản, người kinh doanh không bảo đảm chất lượng dẫn đến vi phạm.
Sự hỗn loạn của thực phẩm chức năng trong thời điểm hiện nay đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng. Để tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý và xử phạt mạnh tay hơn nữa với các đối tượng vi phạm nhằm cảnh cáo và răn đe theo.
Theo Phó Tổ trưởng Tổ công tác 344 Kiều Nghiệp, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như hải quan, quản lý thị trường, cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế… trong công tác hậu kiểm.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Đỗ Hữu Tuấn cũng khẳng định, Cục sẽ bố trí nhân lực, bố trí kế hoạch phối hợp kịp thời và nhịp nhàng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, quản lý thực phẩm chức năng; sẽ yêu cầu các đơn vị trong đợt cao điểm phải đáp ứng, trực chiến trong thời gian tổ công tác hoạt động để triển khai phân tích, giám định và trả kết quả nhanh nhất, có những xử lý kịp thời.
Ngoài ra, mỗi người hãy làm người tiêu dùng thông thái, cần phải hết sức thận trọng trước các sản phẩm thực phẩm chức năng, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bảo vệ chính mình và tránh nguy cơ tiền mất tật mang.