"Cần gấp gói kích cầu 100.000-200.000 tỷ đồng"

Theo VnExpress

GS., TS. Đào Văn Hùng nhận định, sản xuất kinh doanh đang ngày càng đình đốn và cần sự can thiệp cấp bách của Chính phủ, nên thiết kế gói kích thích nền kinh tế ngay trong quý này.

"Cần gấp gói kích cầu 100.000-200.000 tỷ đồng"

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy sản xuất kinh doanh đã được Chính phủ đưa ra, tuy nhiên nền kinh tế năm 2012 chỉ tăng trưởng 5,03% và năm nay khó đạt mục tiêu 5,5%. Trước vấn đề này, PGS., TS Đào Văn Hùng, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia chia sẻ với báo chí một số gợi ý về điều hành vĩ mô thời gian tới.

PV: Hạ lãi suất, khơi thông dòng vốn từ ngân hàng từng được xem là giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần hạ lãi suất, song số doanh nghiệp phá sản và chờ phá sản vẫn lớn. Dưới góc độ một chuyên gia tư vấn cho Chính phủ, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của biện pháp này?

Image
GS., TS. Đào Văn Hùng, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia
GS., TS. Đào Văn Hùng: Rõ ràng sản xuất của doanh nghiệp vẫn đang rất đình đốn. Lãi suất ngân hàng hiện nay đã điều chỉnh xuống mức tương đương năm 2005 - 2007 là 10 đến 12% một năm. Thời kỳ đó, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 20 - 30% và tăng trưởng kinh tế ở mức 7-8%.

Vậy mà hiện nay tín dụng lại tăng rất chậm, có thể những tháng sau tốt hơn nhưng rõ ràng nếu không có giải pháp kịp thời thì khó đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% như Ngân hàng Nhà nước đề xuất và Chính phủ kỳ vọng cho cả năm nay.

Điều này cho thấy khi tín dụng không bơm tiền ra được nữa, kênh chứng khoán gần như không hiệu quả thì chắc chắn cơ quan quản lý phải có những giải pháp cấp bách để can thiệp, không thể để mặc cho thị trường tự điều chỉnh.

Theo ông, giải pháp cấp bách đó là gì?

Chính phủ cần có biện pháp kích thích tổng cầu tăng lên. Kích thích tổng cầu có nhiều cách, bình thường có thể thông qua con đường tín dụng nhưng tín dụng hiện nay hoàn toàn bế tắc, thứ hai là bơm vốn qua thị trường chứng khoán nhưng kênh này hiện nay cũng không thu được hiệu quả.

Do đó, có một kênh duy nhất là tăng chi tiêu Chính phủ, đây sẽ là kênh tạo ra hiệu ứng nhanh nhất trong lúc này. Ví dụ, nếu chi tiêu công tăng lên thì việc sử dụng sắt thép, xi măng và lao động sẽ toàn dụng hơn, kéo theo một loạt các ngành khác phát triển sẽ khiến thị trường ấm lên và nền kinh tế sẽ xoay chuyển được. Thực chất, việc tăng chi tiêu này sẽ thay thế cho lượng vốn tín dụng không bơm ra được.

Theo tính toán của ông, cần tăng chi tiêu công bao nhiêu thì sẽ kích thích được kinh tế phát triển?

Tôi hình dung nếu tăng chi tiêu thêm 100.000 - 200.000 tỷ đồng vào thời kỳ này thì nền kinh tế sẽ ấm lên ngay, sức mua sẽ tăng. Chính phủ cần bắt tay ngay vào quý này thì nền kinh tế cuối năm mới có những khởi sắc, tạo ra niềm tin cho thị trường.

Nếu giải quyết được như vậy nghĩa là một mũi tên trúng được 2 đích, thứ nhất là làm nền kinh tế hồi phục. Nợ xấu giảm đi bởi các doanh nghiệp bán được hàng sẽ có thu nhập trả ngân hàng. Sau đó thấy thị trường có nhu cầu thì lại vay vốn sản xuất và dòng tiền sẽ lưu thông trở lại.

Nhưng ông hình dung Chính phủ sẽ lấy tiền ở đâu ra để thực hiện việc này trong khi nguồn thu hiện nay rất khó khăn, mà giới hạn bội chi phải tuân thủ ngặt nghèo?

Chúng ta cần phải chấp nhận một mức bội chi ngân sách không phải là 4,9% GDP mà thậm chí là 5% GDP cho năm nay. Nhưng đổi lại, khi nền kinh tế hồi phục vào năm 2014, 2015 thì nguồn thu của ngân sách sẽ tốt hơn, khi đó sẽ không cần các biện pháp kích cầu, gia tăng đầu tư và chi tiêu nữa. Chỉ có như vậy mới cứu vãn được nền kinh tế vào thời điểm này chứ không nên quá kỳ vọng quá vào kênh ngân hàng.

Bên cạnh đó, nếu quan sát trên thị trường ngân hàng, tại sao vốn huy động tăng 5% mà tín dụng chỉ tăng hơn 2%, số còn lại đi đâu? Đây chính là do các ngân hàng thương mại dùng để mua trái phiếu. Do vậy, việc tăng chi tiêu thực chất là thay vì cho doanh nghiệp vay vốn đó thì sẽ chuyển sang cho Chính phủ sử dụng.

Tuy nhiên, biện pháp kích cầu chỉ là giải pháp tình thế trong ngắn hạn, phải kết hợp ngay với những giải pháp thúc đẩy tổng cung qua mở rộng sản xuất, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, tạo ra môi trường kinh doanh mới cho doanh nghiệp.

Tăng chi tiêu có thể gây ra lạm phát và khiến Việt Nam rơi vào vóng xoáy của khủng hoảng nợ công. Ông nghĩ sao về nguy cơ đó?

Quá trình này sẽ khiến tổng cung tiền (M2) của nền kinh tế không thay đổi, bởi lẽ ra ngân hàng dùng vốn cho vay nhưng không được thì lại chuyển sang để Chính phủ dùng để chi thẳng cho doanh nghiệp. Mặc dù điều này có thể khiến tốc độ quay của dòng tiền nhanh hơn một chút và gây ra lạm phát, nhưng Ngân hàng Nhà nước có thể hút về qua phát hành trái phiếu, tín phiếu.

Về vấn đề nợ công, tôi cho rằng hiện chẳng có một nghiên cứu khoa học chính xác nào về việc nợ công ở mức bao nhiêu là tối ưu. Có những quốc gia như Nhật Bản hoặc Mỹ tỷ lệ nợ công còn trên 100% GDP. Vậy nên vấn đề của không phải nợ công là bao nhiêu % mà là khả năng trả nợ và tăng trưởng của nền kinh tế.

Lấy ví dụ như một gia đình không vay mượn để chi tiêu thì không phát triển, nhưng nếu vay chi tiêu thì có thể nhìn thấy cơ hội, như vay để đầu tư vào một công việc tốt thì sang năm có thể hoàn toàn trả nợ được. Giả định Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng 7-8% trong mươi mười lăm năm thì vấn đề nợ công không lo ngại, Nhà nước sẽ đủ khả năng trả nợ. Vấn đề đặt ra hiện nay là giai đoạn này đã cấp bách lắm rồi và cần có bàn tay của Chính phủ.

Song sẽ có lo ngại nguồn vốn kích cầu sẽ bị sử dụng lãng phí, doanh nghiệp sử dụng đầu tư vào lĩnh vực không hiệu quả và gây hệ lụy cho giai đoạn sau. Vậy nhà điều hành cần làm gì để tránh tình trạng này?

Tăng chi phải đảm bảo có sự giám sát chặt chẽ, nếu không còn tệ hại hơn việc không tăng. Do đó, ngay trong tháng 6 này, Chính phủ cần xây dựng đề án trình bày rõ ràng về vấn đề sử dụng gói kích cầu này như thế nào để có thể lan tỏa ra mọi thành phần kinh tế tốt nhất.

Tôi tin rằng cơ quan quản lý đủ khả năng để giám sát quá trình này, ngoài ra, chúng ta đã có kinh nghiệm từ năm 2009 nên có thể xử lý rất nhanh. Tuy nhiên, cái chính Chính phủ phải xác định đây là nhiệm vụ cấp bách. Nếu như Chính phủ không thực sự có giải pháp thì nền kinh tế có nguy cơ đình đốn hoàn toàn.

Tốt nhất cần bàn tới giới hạn chi tiêu mới hơn trong giai đoạn này. Không thể để mặc cho thị trường điều chỉnh. Không những thị trường ko điều chỉnh mà ngày càng nghiêm trọng đi. Đây là vai trò của Chính phủ phải khắc phục khuyết tật của thị trường.

Chuyển từ thắt chặt đầu tư công sang nới lỏng liệu có gây mất niềm tin về điều hành chính sách của Chính phủ hay không, thưa ông?

Niềm tin là cơ quan điều hành phải có đề án hiệu quả và tạo được niềm tin cho công chúng. Ví dụ như ghi rõ chi 100.000 tỷ đồng cho hoạt động nào và có tạo được sức lan tỏa ngay hay không thì dân chúng sẽ thấy rằng Chính phủ điều hành rất đúng với cái dân chúng đang cần, từ đó tạo được kỳ vọng tốt hơn. Nếu cứ cắt giảm như hiện nay mà không có động thái nào thì dân chúng còn mất niềm tin hơn.

Tôi tin rằng nếu xây dựng được một đề án tốt, can thiệp thị trường thì nền kinh tế chắc chắn sẽ tốt lên.