Cần kiểm toán công tác quản lý, điều hành phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt


Tốc độ đô thị hóa cùng sự gia tăng của phương tiện cá nhân khiến các thành phố lớn tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội, đang phải đối mặt với những thách thức lớn về giao thông. Do vậy, kiểm toán giao thông công cộng nói chung và vận tải hành khách công cộng nói riêng là yêu cầu tất yếu được đặt ra.

KTNN đã thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực giao thông công cộng, cụ thể là với xe buýt nhanh BRT. Ảnh: N.LỘC
KTNN đã thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực giao thông công cộng, cụ thể là với xe buýt nhanh BRT. Ảnh: N.LỘC

Tốc độ đô thị hóa cùng sự gia tăng của phương tiện cá nhân khiến các thành phố lớn tại Việt Nam, trong đó có Hà Nội, đang phải đối mặt với những thách thức lớn về giao thông. Do vậy, kiểm toán giao thông công cộng nói chung và vận tải hành khách công cộng nói riêng là yêu cầu tất yếu được đặt ra.

Để chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc triển khai xây dựng dự án giao thông đô thị, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện 2 cuộc kiểm toán hoạt động liên quan đến hợp phần xe buýt nhanh (BRT) tại Thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có cuộc kiểm toán nào đánh giá toàn diện về công tác quản lý điều hành phương tiện công cộng nói chung và với xe buýt nói riêng trên địa bàn Thành phố Hà Nội - ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Kiểm toán hoạt động, KTNN khu vực I cho biết.

Với diện tích 3.359,82 km² và dân số 8,4 triệu người (theo niên giám thống kê 2022), Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là thành phố đông dân thứ hai và có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng phân bố dân số không đồng đều.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã và đang là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giao thông đô thị Hà Nội, đóng vai trò tăng cường năng lực vận tải đô thị, giảm ùn tắc giao thông và cải thiện môi trường đô thị. Đây là loại hình giao thông cần được đặc biệt quan tâm trong chiến lược phát triển đô thị bền vững của thành phố.

Nhưng hiện nay, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của xe buýt tại Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 10%. Trong khi đó, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại bằng các phương tiện công cộng (trong đó có xe buýt) ở các thành phố tương tự trên thế giới là rất cao (thường >25%). Hơn nữa, xe buýt mới phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người lao động có thu nhập trung bình và thấp mà chưa thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân...

Nhu cầu di chuyển bằng xe buýt trên nhiều tuyến của người dân tại Hà Nội rất cao. Ảnh: N.LỘC
Nhu cầu di chuyển bằng xe buýt trên nhiều tuyến của người dân tại Hà Nội rất cao. Ảnh: N.LỘC

Theo ông Bùi Thanh Lâm - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I, KTNN có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, với 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động). Định hướng phù hợp là thực hiện cả 3 loại hình kiểm toán này đối với lĩnh vực giao thông công cộng.

Từ thực tiễn đã triển khai, ông Trần Trung Hiếu chia sẻ, cần mở rộng hơn, hướng tới kiểm toán công tác quản lý, điều hành phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt với 9 nội dung kiểm toán.

Cụ thể là đánh giá tính hợp lý của quy hoạch và triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; tính đầy đủ của công tác tham mưu ban hành các văn bản pháp quy; công tác quản lý hạ tầng xe buýt (bao gồm cả quản lý, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng).

Cùng với đó là kiểm toán đánh giá công tác đầu tư, đổi mới phương tiện; công tác kiểm tra, giám sát; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành; công tác đấu thầu; chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

Để thực hiện tốt các cuộc kiểm toán này, KTNN Việt Nam cần học tập và áp dụng kinh nghiệm của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới đã thực hiện các cuộc kiểm toán tương tự với những hướng dẫn kiểm toán cụ thể.

Phát huy lợi thế của người đi sau, KTNN cần tận dụng, học hỏi những kinh nghiệm tốt của quốc tế, kết hợp với thực tế tại Việt Nam, trên cơ sở đó biên soạn hướng dẫn riêng cho lĩnh vực kiểm toán vận tải hành khách công cộng nói chung và với xe buýt nói riêng.

Cần biên soạn hướng dẫn riêng cho lĩnh vực kiểm toán vận tải hành khách công cộng. Ảnh: N.LỘC
Cần biên soạn hướng dẫn riêng cho lĩnh vực kiểm toán vận tải hành khách công cộng. Ảnh: N.LỘC

Tuy nhiên, có rất nhiều nội dung liên quan đến vấn đề quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nên khi lựa chọn chủ đề kiểm toán cần có trọng tâm, trọng điểm.

Việc kiểm toán về quản lý, điều hành phương tiện công cộng nói chung và xe buýt nói riêng khi được thực hiện theo cả 3 loại hình kiểm toán sẽ giúp đánh giá toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm quản lý trong công tác quản lý điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Do đó, cùng với việc nâng cao năng lực đội ngũ kiểm toán viên về lĩnh vực kiểm toán vận tải hành khách công cộng thông qua đào tạo, bồi dưỡng, KTNN cũng cần chú trọng kiểm soát chất lượng kiểm toán từ khâu lập kế hoạch đến khâu phát hành báo cáo kiểm toán, đảm bảo tuân thủ quy trình, chuẩn mực của KTNN và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Xe buýt giúp tăng cường năng lực vận tải đô thị, giảm ùn tắc giao thông và cải thiện môi trường đô thị. Ảnh: N.LỘC
Xe buýt giúp tăng cường năng lực vận tải đô thị, giảm ùn tắc giao thông và cải thiện môi trường đô thị. Ảnh: N.LỘC

Đồng thời, việc sử dụng chuyên gia là rất quan trọng, cần phải tính đến ngay từ khi bắt đầu. Tuy nhiên, chuẩn mực sử dụng chuyên gia hiện nay về mặt hình thức là áp dụng cho kiểm toán tài chính (mặc dù về bản chất được biên soạn dựa trên nền chung áp dụng cho các loại hình), nên khi áp dụng vào thực tế cần có hướng dẫn thêm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán vì hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều sử dụng những phần mềm chuyên dụng.

Để có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ công tác kiểm toán, đòi hỏi các kiểm toán viên phải có những công cụ hỗ trợ về công nghệ thông tin để tiếp cận được đối tượng kiểm toán và thực hiện kiểm toán một cách hiệu quả, cũng như phải được đào tạo để sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ - ông Trần Trung Hiếu đề xuất./.

Theo Báo Kiểm toán