Vé điện tử xe buýt: Cú hích mới về chuyển đổi số cho doanh nghiệp vận tải
Việc ra đời và áp dụng vé điện tử cho xe buýt sẽ là cú hích tiếp theo về chuyển đổi số của doanh nghiệp vận tải, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chuyển đổi số quốc gia.
Ngày 26/9, tại Thái Nguyên, Công ty CP Thương mại và du lịch Hà Lan (Công ty Hà Lan) đã cho ra mắt hệ thống lệnh điện tử - vé điện tử xe buýt, áp dụng cho toàn hệ thống xe buýt của doanh nghiệp này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Công ty Hà Lan là đơn vị đầu tiên tại địa phương này áp dụng hệ thống vé điện tử dành cho xe buýt, đồng thời, được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích trong chuyển đổi số, tiến tới áp dụng rộng rãi đối với các hệ thống vận tải hành khách khác trên địa bàn và nhân rộng mô hình ra toàn quốc.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT công ty Hà Lan cho biết, hệ thống lệnh điện tử, vé điện tử cho xe buýt khi được áp dụng là một bước ngoặt trong quy trình quản trị của công ty, minh bạch hóa doanh nghiệp, đặc biệt, phần nào thay đổi nhận thức của người dân khi sử dụng dịch vụ về chuyển đổi số, là giải pháp đột phá trong ngành vận tải hướng tới việc thuận tiện, minh bạch, hiệu quả trong dịch vụ giao thông công cộng.
Theo ông Hà, sự thay đổi này cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, người dân sẽ được hưởng những dịch vụ chất lượng hơn, doanh nghiệp dễ kiểm soát doanh thu, chất lượng dịch vụ, tiết giảm tối đa chi phí, tránh lãng phí về thời gian và nhân sự.
Đồng tình về quan điểm này, ông Dương Văn Thái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên cho rằng, theo quy định của Luật Quản lý thuế và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh có sử dụng hóa đơn phải hoàn thành việc đăng ký, kết nối và bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Do đó, việc áp dụng lệnh điện tử, vé điện tử sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế trong việc kiểm soát thuế, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước và giảm thiểu chi phí in hóa đơn giấy cho các đơn vị.
Ngành vận tải vừa phải trải một giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hình thành, phát triển. Dịch bệnh chưa qua – bão giá lại đến, khiến hầu hết doanh nghiệp trong ngành vận tải gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt đối với ngành vận tải công cộng bằng xe buýt. Ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch Hội xe buýt miền Bắc cho rằng, các doanh nghiệp đang đứng trước một bài toán khó có lời giải. Bên cạnh đó, yêu cầu quản lý của pháp luật đối với ngành vận tải rất cao, đặc biệt về việc lắp hệ thống camera giám sát hành trình với chi phí cao, khiến doanh nghiệp phải thích ứng linh hoạt.
Xe buýt là loại hình vận tải đặc thù, bởi lượng hành khách không cố định, lên xuống nhiều. Theo ông Hà Duy Hưng, hàng loạt các câu hỏi đặt ra cho doanh nghiệp về cách vận hành vé tháng, vé lượt sao cho hiệu quả. Việc áp dụng hệ thống vé xe buýt điện tử đã đáp ứng được yêu cầu của pháp luật về an toàn giao thông, mạng lưới tuyến và nghĩa vụ thuế. Do đó, doanh nghiệp công nghệ số cung ứng dịch vụ này phải không ngừng hoàn thiện hơn nữa về công nghệ, đồng thời nghiên cứu đổi mới, cập nhật phần mềm liên tục để đáp ứng được yêu cầu quản lý của doanh nghiệp vận tải và quản lý nhà nước ngành vận tải, góp phần xây dựng nền kinh tế số an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Bàn về chuyển đổi số doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, ngành vận tải đang đứng trước yêu cầu về chuyển đổi số rất cấp bách, bởi chuyển đổi số toàn diện ngành vận tải về quản trị doanh nghiệp, mối quan hệ tương tác với khách hàng và cơ quan nhà nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt, khai thác tốt tiềm năng của thị trường và khách hàng, giảm được chi phí trong quản trị. Điều này giúp cho doanh nghiệp minh bạch hơn, kết nối với cơ quan QLNN nhanh chóng, tiết kiệm hơn.
Việc ra đời và áp dụng hệ thống lệnh điện tử, vé điện tử sẽ là cú hích tiếp theo về chuyển đổi số của doanh nghiệp vận tải, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chuyển đổi số quốc gia.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Mai Hương, Giám đốc chi nhánh xe buýt - Công ty Hà Lan cho hay, nếu như trước đây, công ty phải sử dụng vé giấy với hệ thống kho lưu trữ, chi phí in ấn lớn, khó kiểm soát và tìm kiếm khi cần thiết, thì sau khi áp dụng hệ thống lệnh điện tử - vé điện tử xe buýt, nhân viên phục vụ sẽ in vé trực tiếp từ máy POS trên xe để bán vé cho khách hàng. Mỗi tờ vé bán ra đều được ghi nhận doanh thu, truyền hoá đơn về Tổng cục Thuế. Các dữ liệu được cập nhật ngay tại thời điểm phát vé, qua đó giúp minh bạch hoá doanh nghiệp, kịp thời thống kê báo cáo bất kỳ số liệu nào công ty cần quản trị.
Đối với doanh nghiệp, việc này giúp tinh gọn và giảm tải cho bộ máy cồng kềnh trước đây khi vận hành vé giấy. Đồng thời, tạo ra hệ sinh thái về chuyển đổi số cho việc kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số hiệu quả.
Là đơn vị cung cấp ứng dụng này, ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty CP Công nghệ trực tuyến Skysoft (Hà Nội) thông tin, việc sử dụng vé giấy đang gây mất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp bởi hoàn toàn được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Hai năm trước, Skysoft đã cho nghiên cứu hệ thống vé điện tử để cải thiện được những hạn chế đó.
Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính ra đời, yêu cầu các công ty vận tải phải truyền vé điện tử lên Tổng cục Thuế tức thì, là một sức ép cho các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi số, nhưng cũng mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp trong quản lý.
Hệ thống lệnh điện tử - vé điện tử của Skysoft bảo đảm yêu cầu quản lý hiệu quả vé tháng, vé lượt, vé hàng, thanh tra hoạt động, thống kê và truyền dữ liệu trực tuyến. Hệ thống giúp tiết kiệm chi phí in ấn, kho lưu trữ, quản lý vé giấy cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm an toàn, nhanh chóng, linh hoạt.
Đây cũng là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh vận tải xe buýt và thực hiện theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC về việc chuyển đổi hoá đơn điện tử, vé điện tử.