Cân nhắc thực hiện gói hỗ trợ kinh tế
(Tài chính) Trong quý I, chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh, tăng trưởng tín dụng rất thấp, sức khỏe của doanh nghiệp chưa được cải thiện, lượng hàng tồn kho ở mức cao... Do đó, một số chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc thực hiện gói hỗ trợ nền kinh tế thông qua kích cầu.
Các chuyên gia đưa ra đề nghị này do nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu thiểu phát như: sức mua giảm mạnh, tồn kho cao, tín dụng tăng trưởng thấp... Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng trong quý I chỉ tăng 0,8% so với tháng 12/2013 - là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 10 năm qua. Sức cầu đang giảm mạnh, nhất là khu vực nông thôn do nông dân thua lỗ trong sản xuất nông nghiệp và thiên tai dịch bệnh. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong thời gian này dù tăng 10,2% so với cùng kỳ 2013 và nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1%, nhưng được cho là mức tăng thấp. Và chỉ số tồn kho cũng tiếp tục tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, hay nói cách khác sản xuất vẫn đình đốn.
Tất nhiên, khi chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, thậm chí ở mức âm người tiêu dùng sẽ thoải mái hơn khi chi tiêu. Nhưng nếu giảm sâu thì không phải là tín hiệu tốt cho cả nền kinh tế, vì lạm phát thường được ví như dầu bôi trơn cho sự vận hành của cỗ máy kinh tế. Hơn nữa, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức 6,4% trong năm 2013 cũng do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và học phí theo lộ trình đã đề ra. Thực tế, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã hầu như không tăng, thậm chí một số loại hàng hóa phải giảm giá bán từ cuối năm 2013. Nói cách khác, tình trạng nhu cầu tiêu dùng thấp đã xảy ra trong một thời gian dài, không phải mới xuất hiện. Tình trạng này chậm được cải thiện thì động lực sản xuất của doanh nghiệp sẽ mất đi – là một yếu tố nguy hiểm với mọi nền kinh tế.
Các chuyên gia đề nghị, thứ nhất, Chính phủ cần hỗ trợ tài chính trực tiếp cho nông dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh... để tăng tổng cầu, bảo đảm an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát. Thứ hai, hỗ trợ lãi suất dưới 5% để cho vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn trong lĩnh vực nông nghiệp. Thứ ba, hỗ trợ tài chính và cơ chế để giúp các khoản vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ đã vay với lãi suất cao trước đây kéo giảm xuống dưới 10%. Thứ tư, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình diện chính sách để vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa góp phần tăng nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu xây dựng.
Nhưng có thể thấy, kích cầu thường chỉ được dùng khi nền kinh tế lâm vào trì trệ hay suy thoái, đang cần vực dậy. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP trong quý I của nước ta vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2012, 2013. Tín hiệu tích cực này đến từ cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ. Chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng, phản ánh sức khỏe của khu vực sản xuất) của tháng 3 đạt 51.3 điểm, cao hơn 51 điểm của tháng 2, và là tháng thứ 7 liên tiếp cải thiện theo hướng tốt lên. Thị trường chứng khoán cũng đang trong điều kiện tốt. Tâm lý của doanh nghiệp đang ổn định hơn. Bởi thế, theo chuyên gia kinh tế Trần Vinh Dự, trong ngắn hạn, nước ta đang không chịu sức ép đáng kể nào để phải kích cầu.
Về nguyên tắc, kích cầu chỉ phát huy hiệu quả nếu thực hiện đúng lúc, tức là phải thực hiện ngay khi các doanh nghiệp chưa thu hẹp sản xuất và các hộ gia đình chưa thu hẹp tiêu dùng. Nếu thực hiện sớm quá, kích cầu có thể làm cho nền kinh tế trở nên nóng và tăng áp lực lạm phát. Nếu thực hiện chậm quá, thì hiệu quả của kích cầu sẽ giảm. Vậy với các thông số kinh tế - xã hội còn đan xen các yếu tố tốt và xấu như hiện nay thì đã thực sự đã đến lúc áp dụng biện pháp kích cầu nền kinh tế chưa?
Cần cân nhắc việc áp dụng biện pháp này cũng bởi chính sách giảm, hoãn, miễn thuế cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được thực hiện trong thời gian qua về bản chất là để kích cầu nền kinh tế. Các biện pháp này đã phần nào gây giảm thu cho ngân sách Nhà nước, từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội. Hơn nữa, sau hai năm giữ kỷ luật trong chính sách tiền tệ, thì hiện thị trường tài chính đã tạm ổn định. Vậy có nên hy sinh sự ổn định này hay vẫn tiếp tục giữ kỷ luật tài chính để tạo nền móng bền vững cho tương lai? Rõ ràng, giải pháp nào cũng có ưu và nhược điểm, nên cơ quan chức năng phải sáng suốt khi quyết định để có lựa chọn có lợi nhất cho nền kinh tế.