Cần nhìn xa để giữ đại cục

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhiều chính khách phương Tây đang tỏ ra hài lòng, thậm chí vui mừng trước hàng loạt diễn biến tiêu cực trong nền kinh tế Nga, đặc biệt là sự rớt giá thảm hại của đồng ruble trong những ngày qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định đó là một sai lầm lớn vì nếu kinh tế Nga sụp đổ thì hệ lụy của thảm kịch này với thế giới là khôn lường.

Cần nhìn xa để giữ đại cục
Nếu kinh tế Nga sụp đổ thì hệ lụy của thảm kịch này với thế giới là khôn lường. Nguồn: internet

Đồng ruble của Nga đã có lúc sụt giá tới mức thấp chưa từng có khi 80 ruble đổi 1 USD, và 100 ruble mới đổi được 1 euro. Nhiều người cho rằng đây sẽ là phép thử đối với khả năng xoay xở của Tổng thống Vladimir Putin để thoát khỏi cơn bão kinh tế cùng cuộc đụng độ với phương Tây. Không chỉ vậy, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ Barack Obama dự định thông qua kế hoạch siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhằm phản đối việc Kremlin hậu thuẫn lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine, đã chặn đứng mọi nguồn vay ngoại tệ của Nga và làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng mà quốc gia này đang phải đối mặt.   

Bên cạnh đó, giá dầu thế giới đã giảm tới gần một nửa trong vòng 6 tháng trở lại đây cũng là một trong những nhân tố tiêu cực đối với nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc chủ yếu vào ngành xuất khẩu dầu mỏ. Ngân hàng Trung ương Nga cảnh báo, kinh tế nước này sẽ sụt giảm 5% nếu giá dầu giữ ở mức hiện tại.

Chuyên gia Lubomir Mitov thuộc Viện Tài chính Quốc tế cho rằng, nếu giá dầu tiếp tục giữ ở mức hiện tại, đầu tư và tiêu dùng nội địa sẽ sụt giảm, các doanh nghiệp và ngân hàng không được Chính phủ hậu thuẫn thậm chí có thể bị phá sản. Theo ông, nếu giá dầu tiếp tục duy trì mức 58 - 62 USD/thùng trong vòng một năm hoặc lâu hơn, Nga sẽ lún sâu vào khủng hoảng, và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm nhiều hơn mức ước đoán 5%.

Ngay lập tức, Chính phủ Nga đã có các biện pháp can thiệp mạnh mẽ khi Ngân hàng Trung ương Nga công bố 7 biện pháp nhằm hỗ trợ khu vực tài chính. Thủ tướng Dmitry Medvedev cũng tuyên bố Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga sẽ phối hợp hành động để ổn định tình hình trên thị trường tài chính. Đồng ruble bắt đầu tăng trở lại. Gói biện pháp hỗ trợ khu vực tài chính của Ngân hàng Trung ương Nga bao gồm hạn chế trần lãi suất đối với tiền gửi của người dân, mở rộng khả năng cho vay bằng ngoại tệ, cho phép các ngân hàng được sử dụng lãi suất cũ (thấp) trong một số trường hợp... Các biện pháp trên chủ yếu nhằm hạn chế nguồn cung đồng ruble, mở rộng nguồn cung ngoại tệ và kéo giãn độ sốc ngoại tệ. Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết thêm là riêng trong ngày 15.12 đã chi 1,96 tỷ USD can thiệp vào thị trường để hỗ trợ đồng nội tệ, nâng tổng số tiền can thiệp kể từ đầu tháng lên 10 tỷ USD.

Có thể nói, triển vọng kinh tế ngày càng tồi tệ cùng nguy cơ của một cuộc suy thoái đang thực sự là thách thức nghiêm trọng đối với Tổng thống Vladimir Putin, người đã nhận được sự ủng hộ to lớn của các cử tri sau nhiều năm kinh tế Nga ổn định và phát triển thịnh vượng, chủ yếu nhờ vào việc giá dầu luôn ở mức cao. Đồng ruble mất giá phản ánh điều mà nhiều nhà kinh tế học gọi là một cuộc khủng hoảng lòng tin của nền kinh tế Nga trong bối cảnh Tổng thống Putin đối đầu với phương Tây và nhà lãnh đạo cứng rắn này không hề có ý định thay đổi cách hành xử trong vấn đề Ukraine.

Những tin xấu từ nền kinh tế Nga có thể khiến một số chính khách phương Tây hài lòng. Tuy  nhiên, niềm vui sẽ không dài lâu bởi song hành cùng đó là những hệ lụy khi nước Nga là một bộ phận của nền kinh tế thế giới đang ngày càng toàn cầu hóa. Theo các nhà phân tích, nước Nga ngày nay không phải là người khổng lồ Liên Xô trước đây, vốn có ít quan hệ với kinh tế thế giới. Nước Nga hiện tại cũng không phải là nền kinh tế đang phải vật lộn với cải cách trong thập niên 1990. Đây là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới và đã hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu. Nếu Nga rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài, không chỉ Nga mà các nước khác trên thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả. Khu vực phải chịu tác động đầu tiên là EU, với nhiều thành viên đang có quan hệ thương mại sâu rộng với Nga.   

Sự sụp đổ về kinh tế của Ukraine đã khiến châu Âu phải lo lắng. Tuy nhiên, sự sụp đổ này không thấm tháp gì so với sự sụp đổ của Nga nếu nó xảy ra. Trong thời buổi quan hệ đan xen chặt chẽ như hiện nay, với đầy rẫy rủi ro trên quy mô toàn cầu, việc để mất nước Nga chẳng khác gì hành động tự bắn vào chân mình, thậm chí vào đầu mình.   

Nếu phương Tây có tính đến thời điểm hạ màn với Nga thì đó chính là lúc này. Mỹ và EU phải gạt sang bên những lời chỉ trích và tìm cách thảo luận một cách xây dựng với Nga nhằm ổn định đồng ruble và kiềm chế lạm phát tại xứ sở bạch dương. Bước đi đầu tiên là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt gây hại về kinh tế và chính trị đối với Nga. Ăn mừng chiến thắng không phải là hành động khôn ngoan tại bước ngoặt quan trọng hiện nay. Cần phải nhìn xa trông rộng để giữ được đại cục.