Cần phối hợp chặt chẽ ngăn chặn hàng giả
(Tài chính) Dự án hỗ trợ chính sách Thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) của Liên minh châu Âu đã hỗ trợ nước ta khoảng 16 triệu euro để hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, trong đó có việc thực thi các cam kết về sở hữu trí tuệ và chống hàng giả. Nhưng để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái hiệu quả, trước hết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp.
Hiện nay, phương thức, thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi. Thậm chí, các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái sẵn sàng chống cự quyết liệt khi bị cơ quan chức năng ngăn chặn. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp do tốc độ đô thị hóa nhanh, không mang lại giá trị cao, nên gần đây xuất hiện nhiều làng nghề làm hàng giả. Đã có một số địa bàn làm thuốc chữa bệnh giả bằng cách bóc nhãn thuốc nội và dán nhãn thuốc ngoại vào tiêu thụ, thu lợi nhuận lớn... Giá trị hàng hóa làm giả không lớn, trong khi theo Bộ luật Hình sự, chủ cơ sở sản xuất chỉ bị xử lý khi giá trị hàng hóa làm giả tương đương với hàng thật từ 30 triệu đồng trở lên. Vì vậy, không nhiều chủ cơ sở sản xuất bị xử lý.
Hàng giả không chỉ được sản xuất ở Việt Nam mà còn từ nước ngoài chuyển vào, công nghệ sản xuất hiện đại, tinh vi. Vì vậy, cơ quan chức năng không thể phân biệt, chỉ có những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đó dùng nghiệp vụ riêng mới có thể nhận ra. Tuy nhiên, sự liên hệ giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng hiện nay vừa thiếu, vừa yếu, nên hàng giả vẫn xuất hiện trên thị trường.
Biện pháp chống hàng giả phổ biến của các doanh nghiệp hiện nay là sử dụng tem chống giả gắn trên sản phẩm và sử dụng mã số, mã vạch in trên tem nhãn sản phẩm; thông tin tuyên truyền về phân biệt hàng thật - hàng giả cho người tiêu dùng; phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm tra và xử lý nhiều doanh nghiệp làm giả… Tuy nhiên, sự phối hợp chưa chặt chẽ, nên vẫn có một lượng tem giả tung ra thị trường, khiến hàng giả vẫn có đất sống. Theo Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Cơ điện Trần Phú Nguyễn Việt Dũng, cần có văn bản quy phạm pháp luật về chống hàng giả và quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý thị trường, các đơn vị quản lý chức năng và doanh nghiệp trong việc chống nạn hàng giả, hàng nhái đặc biệt quan trọng. Nhưng thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm chống hàng giả, thậm chí có doanh nghiệp còn chậm trễ hoặc không đến làm việc với cơ quan chức năng khi được thông báo là hàng hóa của họ bị vi phạm bản quyền.
Song, khi hàng giả, hàng nhái đang hoành hành, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho lực lượng quản lý thị trường về đối tượng vi phạm, phương thức, thủ đoạn, mặt hàng, địa bàn tiêu thụ hàng giả, hàng nhái; đồng thời, phối hợp với quản lý thị trường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, để nhân dân sẵn sàng tố giác tội phạm để các lực lượng thực thi xử lý theo pháp luật.