Cần sớm "hạ nhiệt" trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng

Theo Đình Đối/ Báo Đắk Lắk

Chưa bao giờ vấn đề quản lý trật tự trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Đắk Lắk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng trở nên “nóng bỏng” như hiện nay.

Một trường hợp xây nhà trái phép bị cưỡng chế tháo dỡ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thúy Hồng
Một trường hợp xây nhà trái phép bị cưỡng chế tháo dỡ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thúy Hồng

Vấn đề này “nóng” lên bởi nhiều dự án lớn được các cấp có thẩm quyền quy hoạch và phê duyệt khiến người dân nảy sinh tâm lý “ăn theo, đón đầu” dự án để hưởng lợi bằng cách bất chấp luật pháp, cố tình xây dựng nhiều công trình sai phạm, buộc chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng vào cuộc xử lý mạnh tay.

Trong thời gian qua, các huyện, thị xã và thành phố đã kiên quyết xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng và đất đai. Trong đó nổi lên một số “điểm nóng” như các huyện Cư Kuin, Ea Súp, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ và đặc biệt là TP. Buôn Ma được dư luận quan tâm. 

Ví như tại phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, có hai lãnh đạo, gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND phường đã bị kỷ luật với hình thức cách chức do buông lỏng việc giám sát, quản lý trật tự xây dựng và đất đai trên địa bàn. Được biết, qua kiểm tra trên địa bàn phường, Tổ kiểm tra 3073 (thuộc UBND TP. Buôn Ma Thuột) đã phát hiện 58 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng và đất đai trên. Trong đó, chủ yếu là xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp và xây dựng nhà ở sai so với giấy phép được cấp. Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, vi phạm của hai người này đã gây hậu quả nghiêm trọng, gây tác hại sâu rộng đến toàn xã hội, khiến dư luận bức xúc.

Ở đây, vấn đề trên không dừng lại ở chỗ kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đất đai - mà xa hơn là từ thực trạng đáng báo động ấy sẽ dẫn đến những hệ  lụy khôn lường: Phá vỡ quy hoạch phân khu, phát triển đô thị; các dự án phát triển đô thị sẽ phải tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng... Đặc biệt, trong tương lai sẽ thiếu quỹ đất để đầu tư những công trình dân sinh phục vụ người dân trên địa bàn như: công viên, khu vui chơi - thể thao, bãi đậu đỗ xe, trường học, cơ sở y tế…      

Dưới góc nhìn này, có nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý và phát triển các công trình xây dựng theo đúng quy hoạch trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn hạn chế và bất cập, nhất là đối với công trình nhà ở tại một số phường trung tâm và các xã vùng ven.

Theo Phòng Quản lý đô thị (TP. Buôn Ma Thuột), do công tác quản lý và phát triển các công trình xây dựng nhiều năm qua bị buông lỏng, hay nói đúng hơn là luôn ở trong tình trạng “mạnh ai nấy làm” - vì thế không thể hiện được vai trò kích cầu nền kinh tế kết hợp với chỉnh trang đô thị cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển TP. Buôn Ma Thuột. 

Theo ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, vấn nạn trên đã và đang được chính quyền các cấp chấn chỉnh và kiên quyết xử lý theo luật pháp hiện hành. Theo đó, vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch cũng được các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm thể hiện ý chí thống nhất xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 27/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, các dự án đô thị đã và đang triển khai trên địa bàn Buôn Ma Thuột có diện tích hơn 3.850 ha, trong đó tập trung vào 4 khu đô thị mới thuộc các phường, xã: Tân An, Tân Lợi, Tự An, Ea Tu và Ea Kao được quan tâm, chú trọng hơn trong việc giám sát, quản lý các công trình xây dựng, không làm “nóng” thêm lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.