Cần tận dụng thế mạnh của mình khi xây dựng trung tâm tài chính

Lê Thu

Việt Nam cần tận dụng thế mạnh của mình khi xây dựng trung tâm tài chính như sự phát triển kinh tế, kim ngạch thương mại tăng trưởng hàng năm, nguồn nhân lực…

Tại Hội nghị “Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam” do Bộ Tài chính và UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 28/3, các chuyên gia đến từ các định chế tài chính, quỹ đầu tư, công ty tư vấn trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính, nhằm rút ra bài học và gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trao đổi với các chuyên gia bên lề Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trao đổi với các chuyên gia bên lề Hội nghị.

Ông Andrew Oldland - Trưởng nhóm công tác về Trung tâm tài chính quốc tế, Tổ chức TheCityUk cho rằng, một trong những điều quan trọng là Việt Nam cần điều chỉnh mô hình xây dựng trung tâm tài chính cho phù hợp bối cảnh Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của ông đã giúp xây dựng các báo cáo để thực hiện trung tâm tài chính ở Việt Nam như xây dựng cơ sở hạ tầng, thành lập cơ quan điều hành trung tâm tài chính, cần có cơ chế điều khiển các dòng tiền tự do... Đặc biệt, báo cáo cũng giúp Việt Nam đánh giá được nền kinh tế khác gì các nền kinh tế đã thành lập trung tâm tài chính; xác định rõ xu hướng đổi mới sáng tạo trong trung tâm tài chính, điểm khác biệt về xu hướng tài chính so với một số quốc gia đã hình thành trung tâm tài chính, thúc đẩy tài chính xanh, tài chính số...

TS. Kuang Qu - Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Kế hoạch và phát triển kiêm Giám đốc Chiến lược Phát triển Bền vững, Ngân hàng Trung Quốc nhắc đến khu vực Khu thương mại tự do Thượng Hải có một số cơ chế cởi mở hơn, để giúp giao dịch quốc tế một cách dễ dàng. Đây là một kinh nghiệm quan trọng để gợi mở cho Việt Nam.

Ông Rich McClellan - Cố vấn cấp cao về phát triển Trung tâm tài chính, nguyên Giám đốc quốc gia Việt Nam của Viện Nghiên cứu Tony Blair cho rằng, với những lợi thế hiện có, Việt Nam cần tận dụng thế mạnh của Việt Nam khi xây dựng trung tâm tài chính như sự phát triển kinh tế, kim ngạch thương mại tăng trưởng hàng năm, nguồn nhân lực…

Các chuyên gia đến từ ngân hàng, quỹ đầu tư trong và ngoài nước cũng đã tập trung thảo luận về các chính sách và giải pháp cụ thể cần thiết để hình thành và phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Trong đó, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư (đặc biệt là đầu tư nước ngoài), xây dựng khuôn khổ thể chế và chính sách thuận lợi, cũng như thúc đẩy các xu hướng công nghệ tài chính (fintech), tài sản số và tài chính xanh…

Các chuyên gia hàng đầu đến từ các định chế tài chính, quỹ đầu tư quốc tế tham dự Hội nghị.
Các chuyên gia hàng đầu đến từ các định chế tài chính, quỹ đầu tư quốc tế tham dự Hội nghị.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp trong việc việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo lập hệ sinh thái bền vững cho trung tâm tài chính…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá đây không chỉ là sự kiện đối thoại chính sách thông thường mà thực sự là một bước ngoặt – một dấu mốc mang tính chiến lược trong tiến trình xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam. Thay mặt Bộ Tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã ghi nhận và gửi lời cảm ơn tới các đại biểu đã dành sự tâm huyết, thẳng thắn và tầm nhìn dài hạn để chia sẻ và đóng góp những ý kiến thiết thực, có chiều sâu cho Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tin tưởng rằng với sự đồng hành của các đại biểu, Việt Nam sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế; khẳng định vai trò, vị trí của mình trong các trung tâm tài chính toàn cầu.