Cần thiết phải lập Sở giao dịch vàng

Đầu tư CK

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia để tạo thị trường minh bạch cho nhà đầu tư và người dân giao dịch.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đòi hỏi nguồn vốn rất lớn cho đầu tư và phát triển, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng chủ trương nhất quán và giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vàng trong dân một cách hiệu quả, cả về trung và dài hạn… thì theo yêu cầu của NHNN, NHTM phải chấm dứt huy động vốn bằng vàng vào ngày 25/11.

Nguồn lực lớn được hình thành từ nhu cầu thực tế

Tại buổi tọa đàm “Làm thế nào để huy động được nguồn vốn vàng trong dân” diễn ra tại TP. HCM sáng ngày 4/10, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - vàng cho rằng, nguồn vốn vàng trong dân hiện nay rất lớn và cần được khơi thông.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, căn cứ số liệu thống kê từ các ngân hàng Thụy Sỹ - nguồn cung vàng chủ yếu cho thị trường Việt Nam - tổng lượng vàng đã nhập về nội địa trong giai đoạn 1990 - 2011 vào khoảng 500 tấn. Trong đó, năm thấp nhất là 5 tấn, năm cao nhất đạt 80 tấn.

“Theo số liệu chính thức được công bố, lượng vàng gửi tiết kiệm mà các NHTM Việt Nam huy động được cũng mới khoảng 100 tấn. Như vậy, khoảng 400 tấn vàng còn lại vẫn được nắm giữ rải rác trong dân. Nếu quy đổi ngang giá 1.700 USD/ounce thì lượng vàng này tương đương 22 tỷ USD - xấp xỉ dự trữ ngoại hối hiện nay của Việt Nam ”, ông Hùng cho biết.

Như vậy, nếu huy động được chỉ một nửa số vàng trong dân thì ít nhất cũng có 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế và chắc chắn rằng, nguồn ngoại tệ này sẽ làm giảm áp lực vay nợ từ các tổ chức tài chính quốc tế. Đó là chưa nói, việc huy động vàng nhằm tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối sẽ giúp NHNN có nguồn lực để chủ động và sẵn sàng điều tiết thị trường khi xảy ra những cơn sốt giá.

Cần thiết phải lập Sở giao dịch vàng - Ảnh 1

các nhà đầu tư mong muốn được giao dịch vàng trên một thị trường chung chính thức, đảm bảo minh bạch, khách quan, đảm bảo chất lượng vàng

Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), ông Nguyễn Thành Long cho rằng, từ bao đời nay, vàng là loại tài sản giá trị lớn, có mặt trong rất nhiều gia đình Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, với quan niệm vàng đem lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống. Có những nhu cầu thật và những nhu cầu không thật, chỉ do đầu cơ, nhưng tất cả đều phải được đáp ứng. Từ đó đã hình thành nên một thị trường vàng, được kích thích, mua bán ngày càng sôi động.

Ông Hoàng Huy Hà, Ủy viên HĐQT Ngân hàng BIDV cho rằng, cầu về vàng lớn và là một nhu cầu chính đáng. Không chỉ cá nhân, các doanh nghiệp mà ngay cả ngân hàng trung ương các nước cũng coi vàng là một cấu phần quan trọng trong tài sản của họ. Hơn nữa, trong bối cảnh thế giới hiện có nhiều biến động cả về kinh tế, chính trị và xã hội, không chỉ người dân Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên thế giới đều đang coi vàng là một công cụ bảo đảm giá trị tài sản của họ. Vì vậy, ngay cả khi lãi suất huy động vàng ở mức rất thấp hay sẽ ngừng huy động, người dân vẫn sẵn sàng nắm giữ vàng.

Làm thế nào để huy động được nguồn vàng trong dân?

Với nhu cầu chính đáng trên, các nhà đầu tư mong muốn được giao dịch vàng trên một thị trường chung chính thức, đảm bảo minh bạch, khách quan, đảm bảo chất lượng vàng. Vì thế, theo ông Hoàng Huy Hà, cần thiết thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia. Đây chính là giải pháp phù hợp để tổ chức lại hoạt động thị trường và huy động nguồn lực vàng trong dân.

Ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, có thể huy động vàng trong dân bằng cách phát hành chứng chỉ bằng vàng. Nhưng muốn huy động được vàng, cần phải đảm bảo các yếu tố ổn định cả về mặt chính sách vĩ mô lẫn điều kiện thực thi nhất quán, trên cơ sở cân đối lợi ích của Nhà nước, các tổ chức đầu tư, kinh doanh vàng cũng như người gửi vàng. Chính sách quản lý thị trường vàng phải phù hợp với quy luật và sự phát triển của thị trường, đặc biệt là các yếu tố hội nhập quốc tế.

Đồng thời, phải có khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, không có rào cản cho việc chuyển đổi chứng chỉ vàng lấy vàng miếng và ngược lại. Bên cạnh đó, cần đảm bảo thanh khoản tốt của chứng chỉ huy động vàng và hệ thống ngân hàng luôn sẵn có nguồn vàng đáp ứng nhu cầu rút vàng của dân khi đến hạn, hay khi có biến động bất thường.

Theo ông Hùng, mục tiêu cơ bản của việc huy động vàng ở thời điểm này là tập hợp nguồn vốn cho phát triển kinh tế. Do đó, hiệu quả kinh tế phải được đặt lên hàng đầu khi nghiên cứu, ban hành chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng và huy động vàng, thay vì sử dụng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh.

Ông Hùng cho biết, trong điều kiện hiện tại, nhiều NHTM còn bộc lộ một số yếu kém trong quản trị, cũng như chưa đủ mức độ tín nhiệm. Vì thế, chứng chỉ huy động vàng phải do chính NHNN phát hành. Tuy nhiên, đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ là người gửi vàng không được phép rút trước hạn. Do vậy, vốn vàng có thể được sử dụng làm một nguồn lực dài hạn cho đầu tư phát triển.

Chủ tịch VGTA thì cho rằng, trước hết, cần xác định, không có giải pháp nào là hoàn hảo trong bối cảnh có nhiều vấn đề mâu thuẫn. Những giải pháp đưa ra sẽ được điều chỉnh qua thực tiễn. Theo VGTA, cần tách bạch 2 nhóm giải pháp. Giải pháp quan trọng là xử lý ngay các vấn đề nhập khẩu vàng nguyên liệu và việc huy động vàng miếng của các NHTM. NHNN nên gia hạn ngày chấm dứt việc phát hành chứng chỉ huy động vàng của NHTM, thay vì 25/11 như Thông tư 12 quy định, để giảm bớt áp lực lên giá cả thị trường.

Sau khi ổn định trạng thái vàng của các NHTM, NHNN nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân, nhưng lần này không phải để NHTM kinh doanh mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về NHNN. Dĩ nhiên sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của NHNN và NHTM. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế, xã hội.

TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế vĩ mô

Vàng có thể hiểu là một loại hàng hóa được trao đổi trên thị trường, đồng thời cũng được xem là một tài sản tài chính. Tuy nhiên, để kiểm soát và quản lý vàng hoàn toàn không dễ. Bởi vàng cũng được xem là một tài sản có giá trị để tiết kiệm và nếu đã là tài sản tiết kiệm thì phải được huy động để phục vụ cho nền kinh tế.

Hiện NHNN, về nguyên tắc, độc quyền sản xuất vàng miếng theo quan điểm vàng ở đây là vàng tiền. Ý tưởng này góp phần làm tăng hiệu lực của chính sách tiền tệ, với việc xem vàng là một công cụ có khả năng thanh toán. Đồng thời, khi NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng thì NHNN có thể điều tiết được thị trường vàng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, sau một thời gian ngắn thực hiện, chính sách trên đã bộc lộ những điểm tiêu cực. Khi độc quyền sản xuất vàng miếng, NHNN phải linh hoạt trong điều tiết và giám sát chặt chẽ, song vẫn còn sự lỏng lẻo.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Vàng giống như một ngoại tệ mạnh, do đó, cách quản lý phải đặc biệt phù hợp. Trên tinh thần đó, cần phải thống nhất một quan điểm: Nếu xem vàng là một tài sản tiết kiệm thì tài sản này không thể để thành tài sản chết. Theo đó, chúng ta không thể quản lý vàng miếng bằng cách như NHNN đang làm là biến sản xuất vàng miếng thành độc quyền, nhưng lại để cho sự độc quyền đó chuyển từ tay Nhà nước sang tay doanh nghiệp khi chỉ cho duy nhất SJC sản xuất và lưu thông vàng miếng.

Còn về cách huy động vàng trong dân, theo tôi, phải chăng vẫn cho các NHTM được huy động vàng trong dân và sử dụng tốt nguồn vốn này, không thể để vàng miếng trở lại là một phương tiện thanh toán như trước. Vì thế, quan điểm của tôi là Chính phủ nên xem xét lại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, sửa lại những nội dung còn bất cập, đã bộc lộ trong thời gian gần đây.