Cần tính toán kỹ trước yêu cầu bổ sung điện của 55 địa phương
Có tới 55 địa phương đề xuất thêm nguồn điện (gió, khí) vào quy hoạch phát triển Điện VIII, với tổng công suất hơn 440.000 MW sau khi Chính phủ có công văn, yêu cầu báo cáo tổng hợp bổ sung nguồn điện và lưới điện chưa được phê duyệt.
Địa phương ồ ạt xin bổ sung điện gió
Điển hình, ở khu vực Duyên hải miền Trung như Bình Thuận, Ninh Thuận đều đề xuất bổ sung điện vào quy hoạch lần lượt là 25.300 MW và 42.595 MW. Cụ thể, Ninh Thuận đề xuất bổ sung trên 21.000 MW điện gió ngoài khơi, gần 1.900 MW điện gió trên bờ, 4.400 MW điện gió gần bờ.
Riêng tỉnh Bình Thuận đề xuất chủ yếu nguồn năng lượng điện gió với những dự án quy mô lớn như: Bình Thuận 5.000 MW, Tuy Phong 4.600 MW, La Gàn 3.500 MW, Thăng Long Wind 3.400 MW...
Tỉnh Cà Mau cũng đã có văn bản hỏa tốc đề xuất bổ sung nguồn và lưới điện, trong đó có cả 3 dự án điện khí, điện mặt trời và điện gió. Tỉnh này đề xuất 4 dự án điện khí LNG với tổng công suất 10.700 MW, 24 dự án điện gió với tổng công suất hơn 12.000 MW, trong đó có 6 dự án điện gió ngoài khơi.
Tại khu vực phía Bắc như Nam Định, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, cũng đề xuất tham gia bổ sung lượng lớn công suất điện gió, điện khí vào quy hoạch điện VIII lần này.
Trong đó, TP. Hải Phòng đề nghị bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi; tỉnh Thái Bình muốn đưa 8.700 MW điện gió; Tỉnh Nam Định xin bổ sung 12.000 MW... vào quy hoạch điện VIII. Tỉnh Quảng Ninh cũng muốn đưa vào quy hoạch khoảng 5.000 MW điện gió với 3.000 MW điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum cũng đề xuất tiếp tục bổ sung vào các dự án này. Tới nay, tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất đưa vào quy hoạch điện 8 với số lượng 30 dự án điện mặt trời công suất khoảng 12.000 MW và 60 dự án điện gió với quy mô công suất hơn 11.000 MW.
Cần tính toán kỹ để có mức độ bổ sung hợp lý
Việc các địa phương xin bổ sung quy hoạch nguồn điện gió với tổng công suất gấp 3 kịch bản Bộ Công Thương đưa ra đến năm 2030 khiến không ít chuyên gia năng lượng ngạc nhiên. Dù Việt Nam có tiềm năng lớn và có thể thành trung tâm điện gió ngoài khơi, nhưng việc đồng loạt các địa phương muốn xin bổ sung loại năng lượng này với tổng công suất lớn cũng cần được xem xét và cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
TS. Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết: Việc Chính phủ vừa ký kết hiệp ước với Quốc tế về giảm rác thải khí CO2 chống biến đổi khí hậu đến 2050, chứng tỏ được Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn. Trong đó, phổ biến nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng điện gió.
So với năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió có phần ưu điểm hơn. Cụ thể, không cần phải có hệ thống tích lũy năng lượng, mà chủ yếu phụ thuộc vào mật độ gió tùy vào từng thời điểm, chiếm ít diện tích thực hiện, chủ yếu là diện tích ngoài biển. Bên cạnh đó, còn hạn chế sử dụng các hóa chất xử lý, đảm bảo hơn về mặt môi trường.
Tuy nhiên, vẫn không thể tránh khỏi một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Điển hình như việc xây dựng hệ thống truyền tải còn phải phụ thuộc rất nhiều vào giải phóng mặt bằng. Đường dây hệ thống phải đi qua nhiều cơ quan thực hiện, địa phương, thêm vào đó chủ yếu là đất nông nghiệp nên việc thực hiện giải phóng cũng cần rất nhiều thời gian.
Ngoài ra, việc phát triển điện gió còn gây ảnh hưởng, ô nhiễm tiếng ồn và hệ sinh thái của các vùng lân cận. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lâm, những khuyết điểm này không quá lớn, nếu không khắc phục được thì phải chấp nhận việc có đánh đổi khi thực hiện.
PGS.,TS. Nguyễn Bội Khuê, chuyên gia nghiên cứu về điện gió nhận định: Để giảm phát thải khí nhà kính thì việc sử dụng năng lượng tái tạo rất hợp lý, nhưng nếu trong thời điểm hiện tại mà tăng thêm số lượng quá lớn thì nên xem xét kỹ lưỡng địa phương đó lượng tiêu thụ điện thấp hay cao để có mức độ bổ sung phù hợp, nếu không sẽ gây ra tình trạng lãng phí và kém hiệu quả.
Rút kinh nghiệm từ việc phát triển năng lượng mặt trời, các cơ quan chính quyền nên chủ động hơn trong việc thực hiện, nên cho phép các doanh nghiệp tư nhân thực hiện tham gia và vận hành hệ thống truyền tải ở mức độ cho phép đối với năng lượng tái tạo trong khoảng 110 – 220 KV.
Đồng thời, cần nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn chuyên ngành, đưa ra lộ trình cụ thể cho từng khu vực tại nhiều thời điểm khác nhau. Đặc biệt, không để cho tình trạng thiếu điện xảy ra trong quá trình thực hiện.