Cần tránh vòng luẩn quẩn tăng trưởng - nợ xấu

Theo thoibaonganhang.vn

Theo PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, VietinBank, muốn đạt được tăng trưởng tín dụng (TTTD) từ nay đến cuối năm thì các cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ban, ngành liên quan phải vào cuộc một cách tích cực, rốt ráo hơn. Làm sao nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống, gỡ cho doanh nghiệp từng khâu một.

Cần tránh vòng luẩn quẩn tăng trưởng - nợ xấu
Bài toán lúc này là làm sao phải cho vay ra nhưng không phát sinh tiếp nợ xấu mới. . Nguồn: Internet

Trao đổi xung quanh vấn đề TTTD từ nay đến cuối năm, PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, VietinBank nói:

Để đạt chỉ tiêu TTTD về mặt số học thì không khó khăn lắm. Nhưng đạt được mà đi đôi với đó là chất lượng và không làm tăng nợ xấu mới là điều khó khăn. Vì sao vậy? Bởi vì với các ngân hàng, xử lý nợ xấu đã phát sinh là vấn đề mà chúng ta đang quan tâm. Thực chất việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp (DN), cho các khách hàng (và cũng là giúp cho ngân hàng) cũng chỉ có ý nghĩa trước mắt. Nếu những vấn đề tiếp theo không được xử lý một cách gốc rễ thì vòng luẩn quẩn: Nợ xấu nợ “đẹp” hơn quay lại nợ xấu… chỉ là vấn đề thời gian.

Hơn nữa, TTTD cao trong những năm trước đây đã đẩy nợ xấu tăng theo. Đây là bài học mà nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã thấm thía. Nên tôi cho rằng, các ngân hàng dù mạnh hay yếu bây giờ cũng đều không thể hạ thấp điều kiện tín dụng được. Bài toán lúc này là làm sao phải cho vay ra nhưng không phát sinh tiếp nợ xấu mới.

Và một khi chất lượng tín dụng được coi trọng hơn thì dù các NHTM rất muốn tăng trưởng, muốn mở rộng hoạt động thì  họ cũng rất thận trọng, coi trọng về chất lượng. Do đó nếu đặt vấn đề là còn hơn 6 tháng nữa mà TTTD cần đạt được 9%, song song với đó là chất lượng tín dụng được nâng lên thì sẽ không dễ dàng đạt được.

PV: Nhưng thưa bà, TTTD lúc này không chỉ cần thiết cho ngân hàng, mà cho cả sự tăng trưởng của nền kinh tế?

PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi: Đúng vậy, nhưng TTTD không chỉ phụ thuộc vào ý muốn chủ quan từ phía ngân hàng. Ngân hàng muốn TTTD và tăng trưởng đó có chất lượng thì sẽ phải phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế, DN. Bởi DN nếu đang còn nợ xấu thì cho dù nay mai Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hay Ngân hàng Phát triển có đứng ra bảo lãnh thì cũng khó có ngân hàng nào dám rót vốn, nếu DN ấy không có phương án làm ăn thực sự hiệu quả và ngân hàng thực sự nhìn thấy được triển vọng của DN. Bởi, một lý do rất đơn giản là nếu có rủi ro sau cho vay thì chính ngân hàng sẽ phải gánh nên buộc họ phải thận trọng.

Đang có nhiều tín hiệu tích cực: sự phối hợp chính sách tài khóa – chính sách tiền tệ “khá” hơn năm ngoái; các gói tín dụng ưu đãi; nhiều giải pháp kích thích cầu; VAMC cũng đã chuẩn bị đi vào hoạt động... Thực tế này có giúp cho TTTD tốt hơn?

Những động thái chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước gần đây để hỗ trợ DN và khôi phục nền kinh tế khá nhiều và có thể nói rất trúng. Nhưng có một thực tế là từ chính sách đến thực tiễn vẫn có khoảng cách khá xa, độ trễ khá lớn. Thế nên có những chính sách, biện pháp đưa ra lúc này nhưng phải mất một thời gian để nó tác động đến thực tế. Lấy ví dụ gói 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở chúng ta đề cập đến từ lâu rồi, nếu giả định nó đi nhanh hơn vào cuộc sống thì sẽ khác.

Nên những động thái tích cực tôi công nhận là có, nhưng muốn đạt được thì các cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ban, ngành liên quan phải vào cuộc một cách tích cực, rốt ráo hơn. Làm sao nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống, gỡ cho DN từng khâu một. Theo tôi, lúc này cần tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tiếp đó đến lĩnh vực du lịch. Song song với đó, cần có các biện pháp thúc đẩy kích cầu của dân cư và DN. Tất nhiên kích cầu thường có tác động cả tích cực và tiêu cực, đặc biệt là rất dễ dẫn đến lạm phát tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì rõ ràng lạm phát không phải là nỗi lo quá lớn.

Xin cảm ơn bà!