Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia:
Cẩn trọng lạm phát vì biến động giá dầu
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, lạm phát 5 tháng đầu năm nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát song rủi ro lớn nhất đối với vấn đề kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 là giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao vượt dự kiến.
Nhìn tổng thể CPI sẽ cao hơn so với năm 2017
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính tháng 5/2018, trong đó nổi lên một số vấn đề đáng chú ý.
Theo đó, trong tháng 5, hoạt động xuất khẩu duy trì được mức tăng khá trong khi tốc độ tăng nhập khẩu giảm mạnh và đây là yếu tố tạo thặng dư thương mại cao nhất trong vòng 5 năm qua (3,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2018). Đáng lưu ý là khu vực kinh tế trong nước đang có những biểu hiện tốt khi có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu vượt khu vực FDI (5 tháng xuất khẩu tăng 17,8% so với 15%; nhập khẩu tăng 10,4% so với 6,7%).
Về lạm phát, CPI tháng 5 tăng cao đột biến 0,55% so với tháng trước (mức cao nhất trong 6 năm qua) và tăng 3,86% so với cùng kỳ. Như vậy CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,01% so với cùng kỳ trong khi lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức ổn định, tăng 1,37% so với cùng kỳ.
UBGSTCQG nhận định, lạm phát 5 tháng đầu năm nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát song rủi ro lớn nhất đối với vấn đề kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 là giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao vượt dự kiến, do đó tác động của việc tăng giá xăng dầu trong năm 2018 vào CPI tổng thể sẽ cao hơn so với năm 2017.
Cụ thể, theo tính toán của UBGSTCQG, nếu giá dầu bình quân năm 2018 tăng 17-20% so với năm 2017 như dự báo từ đầu năm (đạt mức 60-62 USD/thùng) sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 5-7% so với năm trước và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 3,5-3,8 % so với cùng kỳ.
Trường hợp giá dầu bình quân tăng khoảng 24-25% so với cùng kỳ lên mức 65 USD/thùng theo như dự báo mới nhất của WB sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 8-10% so với năm trước, lạm phát năm 2018 dự báo tăng 4-4,1% so với cùng kỳ.
Thị trường chứng khoán có thể về vùng 900-950 điểm
Báo cáo nhận định, thị trường cổ phiếu điều chỉnh giảm và có thể về vùng 900-950 điểm. Đến ngày 24/5/2018, VN-Index đã giảm 18,6% từ mức đỉnh 1.211 điểm, trong đó cổ phiếu ngành Ngân hàng giảm mạnh từ 22% đến 36%. Nguyên nhân chính do mặt bằng giá cổ phiếu cao hơn phần lớn các thị trường trên thế giới và là mức cao nhất từ tháng 10/2009 đến nay.
Hơn nữa, mặt bằng giá cổ phiếu hiện nay (P/E – thị giá cổ phiếu trên thu nhập mỗi cổ phiếu là 18,6 lần) vẫn cao hơn khoảng 10-15% so với mặt bằng giá phù hợp với nhà đầu tư trung dài hạn (P/E khoảng 16 lần).
Về thị trường trái phiếu, phát hành trái phiếu Chính phủ có dấu hiệu chậm lại do chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Lũy kế 5 tháng đầu năm, huy động vốn trái phiếu Chính phủ đạt 57 nghìn 641 tỷ đồng, chỉ tương đương 28,8% kế hoạch năm 2018. Lãi suất trúng thầu tăng nhẹ, mức tăng từ 0,03 đến 0,16 điểm % so với cuối tháng 4.
Về dòng vốn FII, khối ngoại tái cơ cấu danh mục đầu tư. Lũy kế từ đầu năm 2018, khối ngoại mua ròng 1,78 tỷ USD trên thị trường chứng khoán chính thức (1,67 tỷ USD cổ phiếu, 112 triệu USD trái phiếu), trong đó có những giao dịch lớn như cổ phiếu Vinhomes (1,25 tỷ USD) và Novaland (138 triệu USD).
Tuy nhiên, vẫn cần tăng cường giám sát dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán, cần tính đến khả năng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam giảm hoặc có thể đảo chiều trong 2 năm tới, UBGSTCQG cảnh báo.