Cẩn trọng "lướt sóng" vàng

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Vàng đang trong xu hướng tăng giá nhưng cũng có có thể rớt bất cứ lúc nào, vì vậy việc lướt sóng với vàng, mua đi bán lại rất nguy hiểm, có thể thua lỗ.

Việc lướt sóng với vàng, mua đi bán lại rất nguy hiểm. Nguồn: Internet.
Việc lướt sóng với vàng, mua đi bán lại rất nguy hiểm. Nguồn: Internet.

Các chuyên gia cho rằng vàng phù hợp với người muốn mua để dành hoặc phân tán rủi ro hơn là tìm kiếm lợi nhuận cao, hoặc đầu tư dài hạn hơn là “lướt sóng” để chốt lời.

Giá vàng leo đỉnh

Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, từ đầu năm 2019, giá vàng thế giới đã tăng hơn 17,3% (khoảng 220 USD/ ounce). Giới phân tích cho rằng nguyên nhân giá vàng tăng là do những bất ổn từ tình hình chính trị và kinh tế thế giới; nhiều ngân hàng trung ương của các quốc gia khác cũng giảm lãi suất đồng nội tệ khiến giá kim loại quý này càng được hỗ trợ tăng.

Chính vì thế, nhiều dự báo cho thấy giá vàng sẽ tiếp tục có những bứt phá mạnh hơn, nhất là khi những tình hình trên tiếp diễn theo chiều hướng tiêu cực hơn.

Sau gần một tuần giảm giá nhẹ, mở cửa phiên giao dịch ngày 13/8, giá vàng trong nước lại tiếp tục tăng lên mức trên 42,1 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng khoảng 300.000- 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, chênh lệch mua vào – bán ra khoảng 400.000 đồng/lượng.

Có thể thấy, giá vàng hiện nay tăng mạnh tương tự như diễn biến những năm 2008 – 2011.

Câu hỏi đặt ra là: vì sao giá vàng liên tục leo thang nhưng không gây xáo trộn lớn, không gây bất ổn như trong giai đoạn trước (thời điểm 2008 – 2013)?

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, cho rằng: “Người dân thấy giá vàng tăng mới đi mua nên thường mua khi giá đã cao. Các đơn vị kinh doanh vàng còn sợ phải đẩy khoảng cách chênh lệch giá mua – bán lên cao hơn vào những lúc thị trường biến động mạnh. Thế nên phải hết sức thận trọng”.

Ngoài ra, nhu cầu tích trữ vàng của người dân nhiều năm trở lại đây giảm khá mạnh, rõ nhất là lượng vàng được khách hàng nhờ ngân hàng thương mại giữ hộ giảm sút, không đáng kể.

Mặt khác, thị trường vàng hiện nay đã được quy hoạch lại trong quản lý so với giai đoạn trước; tiền đồng được giữ ổn định, lạm phát ở mức thấp cũng đã giảm tác động của cơn sốt vàng hiện nay.

Anh Minh Hoàng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ ngày nào cũng theo dõi giá vàng, nhưng vẫn chưa thể chốt mua bởi chênh lệch giá mua vào và bán ra hiện nay quá lớn.

“Giá vàng tăng quá, tôi cũng muốn mua. Nhưng mình mua với giá cao, trong khi bán thì các đơn vị kinh doanh vàng thu vào thấp hơn đến 400.000 – 500.000 đồng/lượng. Chẳng hạn như hôm nay (13/8), Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 41,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,2 triệu đồng/ lượng (bán ra). Như vậy, dù vàng có tăng 500.000 – 1.000.000 đồng/lượng/ phiên thì người mua vàng trong nước vẫn lỗ ngay lúc mua do chênh lệch giá mua – giá bán, còn nếu giá giảm thì mức lỗ này càng nặng hơn”, anh Hoàng chia sẻ.

Cẩn trọng "lướt sóng" vàng - Ảnh 1

Giá vàng trong nước đã tăng khoảng 13% trong 4 tháng qua

Có lãi khi đầu tư dài hạn

Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định giá vàng thời gian tới sẽ vẫn trong đà tăng, nhưng kèm với khuyến cáo đầu tư vàng vào thời điểm này tiềm ẩn rủi ro và không quá hấp dẫn.

Ts. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dù dự báo giá vàng tăng nhưng nhà đầu tư nên cẩn thận. “Giá vàng biến thiên khó lường, nếu không cẩn thận, trong xu hướng tăng, giá cũng có thể rớt. Vì vậy, việc “lướt sóng” với vàng, mua đi bán lại rất nguy hiểm, có thể thua lỗ”. ông Hiếu khẳng định.

Đánh giá mức chênh lệch giữa giá mua và bán vàng, ông Hiếu cho rằng ở mức 100.000 – 300.000 đồng/lượng có thể chấp nhận, hạn chế được sự rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu chênh lệch 300.000 – 500.000 đồng/lượng thì nhà đầu tư mua cần cân nhắc. Còn biên độ 500.000 – 1.000.000 đồng/lượng sẽ đẩy hầu hết rủi ro cho người mua.

Trong khi đó, Ts. Đinh Thế Hiển đánh giá 3 năm qua, giá vàng luôn ổn định, cùng với chính sách của Ngân hàng Nhà nước, nhà đầu tư không còn ham thích mua vàng so với bất động sản, chứng khoán hay gửi ngân hàng. Vàng hiện chỉ là kênh phụ.

Dẫu vậy, chuyên gia này cũng cho rằng khi vàng có biến động mạnh về tăng giá, người ta sẽ chú ý. Giống như chứng khoán năm 2017 tăng điểm, nhiều nhà đầu tư nhảy vào dù chưa biết chứng khoán là gì, rồi đến năm 2018 suy giảm lại quay lui.

Thực tế, thời điểm năm 2008, khi giá vàng biến động mạnh, người dân ồ ạt đổ xô đầu tư vàng, nhưng từ năm 2013, vàng giảm giá, giới đầu tư đã không còn mặn mà. Do đó, sẽ khó xuất hiện làn sóng nhà đầu tư cá nhân mua vàng sắp tới.

Ông Hiển nhận định việc mua vàng hiện tại phù hợp với những người muốn phân tán rủi ro tài sản, chứ không phải là kênh nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao, dù giá vàng có tăng lên 45 triệu đồng/lượng.

Cảnh báo về rủi ro khi “lướt sóng” vàng trong ngắn hạn, song một số chuyên gia cho rằng nhà đầu tư có thể chốt lời nếu đầu tư dài hạn. Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng, nhìn nhận có rất nhiều yếu tố hỗ trợ cho giá vàng thế giới từ ngưỡng 1.480 USD/ onuce hiện nay có thể chạm mức 1.500 – 1.600 USD/ounce trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, kéo theo vàng trong nước đạt 45 – 46 triệu/ lượng. Trong đó có việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất, những bất ổn của tình hình thế giới cũng như thị trường chứng khoán, bất động sản có nhiều rủi ro khiến vàng tăng sức hút là nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư.

“Do đó, nếu tính trong dài hạn, đầu tư vào vàng sẽ vẫn có lãi và an toàn”, ông Khánh nói.