Căng thẳng Mỹ - Iran tác động mạnh thế nào đến thị trường thế giới?

Theo Khởi Vũ/doanhnhansaigon.vn

Bên cạnh đẩy giá dầu lên cao, căng thẳng Mỹ - Iran leo thang đang khiến giới đầu tư toàn cầu bán mạnh những tài sản rủi ro cao và tìm kiếm những "vịnh tránh bão" an toàn như vàng hay trái phiếu kho bạc Mỹ.

Hiện, mối lo lớn nhất với kinh tế thế giới là căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát, và Mỹ tấn công quân sự toàn diện vào Iran.
Hiện, mối lo lớn nhất với kinh tế thế giới là căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát, và Mỹ tấn công quân sự toàn diện vào Iran.

Căng thẳng ở Trung Đông "tăng nhiệt" mạnh từ thứ Sáu tuần trước, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định thực hiện một vụ không kích vào Baghdad, khiến tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng.

Kênh truyền hình CNBC dẫn lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif rằng, cuộc tấn công có chủ đích nhằm gây ra cái chết của tướng Soleimani là "cực kỳ nguy hiểm và là một hành động leo thang căng thẳng ngu ngốc".

Sau đó, Chính phủ Iran hôm 5/1 tuyên bố nước này đã tự xem bản thân không còn bị ràng buộc bởi bất cứ giới hạn nào trong thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), nhằm kiềm chế chương trình phát triển hạt nhân của Tehran.

Về phía Iraq, Quốc hội nước này gọi cuộc không kích của Mỹ vào thủ đô Baghdad là hành động vi phạm chủ quyền quốc gia nghiêm trọng, qua đó yêu cầu Chính phủ rút lại đề nghị vào năm 2014 về việc nước ngoài can thiệp quân sự vào Iraq để chống tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ở chiều ngược lại, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết Mỹ sẽ phái thêm ít nhất 3.000 binh sĩ tới Trung Đông, lấy lý do lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei đã thề sẽ "trả thù mạnh mẽ" cho cái chết của Soleimani. Vụ việc đã làm dấy lên hàng loạt lo ngại về xung đột tại "chảo lửa" Trung Đông, kéo theo nguy cơ đẩy giá dầu thế giới tăng cao, gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế cũng như tác động mạnh mẽ tới các thị trường vàng, dầu, chứng khoán và tài chính thế giới trong thời gian tới.

Được biết, sau khi Iran lên tiếng đe doạ trả thù Mỹ, giá dầu Brent đã tăng tới 4,2%, lên 69,06 USD/thùng trên sàn giao dịch London lúc 10g26 (giờ Singapore) ngày 3/1 - mức tăng nhanh nhất từ tháng 9/2019 đến nay. Còn hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 4,4%, lên 63,84 USD/thùng.

Đến gần 9g00 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent giao sau trên sàn giao dịch London tiếp tục tăng 1,51 USD, đạt mức 70,11 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,22 USD, lên 64,27 USD/thùng. Thậm chí, giới quan sát còn cho rằng, giá xăng, dầu diesel có thể sẽ lên cao hơn nữa trong vài ngày tới.

Với trữ lượng dầu ước tính lên tới 150 tỷ thùng và sở hữu vị trí bên bờ vùng Vịnh cùng eo biển Hormuz – nơi gần 25% lượng dầu và khoảng 1/3 lượng khí tự nhiên hóa lỏng mà thế giới tiêu thụ đi qua, Iran hoàn toàn có thể gây ra thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu nếu quyết định đóng cửa eo biển này.

"Thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng dầu mỏ mỗi ngày. Do đó, giá dầu tăng mỗi 5 USD sẽ tương đương đánh thuế 183 tỷ USD/năm, tức khoảng 0,1% GDP toàn cầu", Ian Shepherdson - trưởng chuyên gia kinh tế tại Pantheon Macroeconomics tính toán.

Còn Jason Tuvey - trưởng chuyên gia kinh tế các thị trường mới nổi tại Capital Economics nhận định: "Rõ ràng, mối lo lớn nhất với kinh tế thế giới là các sự kiện này vượt khỏi tầm kiểm soát, và Mỹ tấn công quân sự toàn diện vào Iran. Kinh tế Iran sụp đổ có thể khiến GDP toàn cầu mất 0,3% - tương tự tác động mà chúng tôi đã dự báo từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung".

Do đó, căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Iraq cùng nỗi sợ gián đoạn nguồn cung năng lượng đã làm dấy lên sự lo ngại trong giới đầu tư toàn cầu, thúc đẩy họ bán mạnh những tài sản có độ rủi ro cao như cổ phiếu và tìm đến những tài sản an toàn như vàng hay trái phiếu kho bạc Mỹ.

Theo Bloomberg, hiện giá vàng thỏi giao ngay đã tăng 2,3% lên mức 1.588,13 USD/oz - mức cao nhất kể từ tháng 4/2013. Tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay lúc gần 10g00 trưa 6/1 theo giờ Việt Nam dừng ở 1.577,4 USD/oz, tăng 24,1 USD/oz, tức tăng gần 1,6% so với mức đóng cửa cuối tuần trước tại New York.

Đối với Việt Nam, Công ty Bảo Tín Minh Châu gần 10g00 trưa nay đã niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 44,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,3 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá mua và bán vàng miếng cùng thương hiệu lần lượt ở mức 43,9 triệu đồng/lượng và 44,35 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần, giá vàng miếng hiện tăng khoảng 1,1 triệu đồng/lượng.

Người biểu tình phản đối vụ không kích vào Baghdad và buộc tội Tổng thống Trump bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại Iraq.
Người biểu tình phản đối vụ không kích vào Baghdad và buộc tội Tổng thống Trump bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại Iraq.
 

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ căng thẳng ở Trung Đông, các thị trường chứng khoán có phiên đầu tuần giảm khá mạnh. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm 1,81%; Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,54%; Kospi của Hàn Quốc tụt hơn 0,9%... Song đến gần trưa, chứng khoán châu Á đã có sự phục hồi nhất định, các chỉ số bớt giảm.

Ngoài ra, căng thẳng tại Trung Đông còn kéo theo phản ứng dây chuyền đối với các nền kinh tế Nam Á, mà nguyên do xuất phát từ nguồn kiều hối lên tới 131 tỷ USD năm 2019 từ khoảng 20 triệu người lao động đang làm việc ở Ả Rập Saudi, Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Oman và Bahrain.

Theo Ngân hàng Thế giới, nguồn kiều hối từ người lao động làm việc tại Trung Đông gửi về các nước Nam Á đã tăng trung bình 12% trong năm 2018, gấp đôi mức tăng so với cùng kỳ năm trước.