Cảnh báo từ câu chuyện của Vietnam Airlines
(Tài chính) Vietnam Airlines đang phải cạnh tranh với các nhà khai thác khác trong nước, nhưng trong tương lai rất gần, hãng hàng không quốc gia sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp khác nữa.
Việc nhiều phi công của Vietnam Airlines (VNA) đồng loạt xin nghỉ việc để chuyển sang các hãng hàng không khác đang gây nhiều tranh cãi.
Vietnam Airlines đương nhiên không thích thú gì với tình trạng này. Tại cuộc họp báo chí chiều 12/1, lãnh đạo VNA đã khẳng định, hiện tượng phi công nói riêng, lao động kỹ thuật cao nói chung tại đơn vị này đồng loạt làm đơn xin nghỉ ốm là bất thường, có thể gọi là lãn công tập thể. Hiện tượng này được cho là làm xáo trộn, làm suy giảm nguồn nhân lực chất lượng cao của VNA, thậm chí uy hiếp an toàn khai thác tàu bay.
Trước vụ việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu VNA rà soát, thực hiện chế độ tiền lương để tăng thu nhập cho lực lượng lao động kỹ thuật cao, cùng các chế độ đãi ngộ khác. VNA cũng cho biết điều chỉnh lương đối với đội ngũ nhân lực chất lượng cao để giữ chân họ.
Giải pháp nói trên nhận được sự ủng hộ của hầu hết các ý kiến trên báo chí, nhưng nhiều kiến nghị khác của hãng hàng không này lại không được đồng tình như vậy.
Đó là kiến nghị các hãng hàng không nội địa chỉ được mở rộng quy mô phát triển đội bay và được cấp phép khai thác khi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (phi công, kỹ sư, máy bay, điều hành khai thác bay, tiếp viên).
Đồng thời, kiến nghị Cục Hàng không không cấp bằng, chứng chỉ đối với các phi công, kỹ sư máy bay, điều hành khai thác bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc và chuyển sang làm việc cho các hãng hàng không khác trong thời gian chờ quy định nói trên.
VNA cũng kiến nghị Cục Hàng không xem xét không chấp thuận các hãng hàng không lôi kéo, vận động, chuyển dịch lao động đặc thù giữa các hãng hàng không Việt Nam trong thời hạn từ nay đến hết năm 2020; cho đến khi cấp có thẩm quyền có quy định mới.
Báo Pháp luật Việt Nam dẫn lời luật sư Lê Đình Vinh cho rằng các kiến nghị này của VNA không đúng so với hàng loạt quy định của pháp luật hiện hành. Đó là Luật Doanh nghiệp về quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp; quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của công dân và của người lao động được quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong Bộ luật Lao động năm 2012.
Đồng thời, vi phạm nguyên tắc được quy định tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam về sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng; vi phạm Luật Cạnh tranh.
“Không một hãng hàng không nào có thể tự đào tạo đủ phi công, tiếp viên. Các hãng hàng không phải tuyển chọn đội ngũ này từ thị trường lao động. Vấn đề là hãng nào có chính sách tốt thì sẽ thu hút được”, luật sư này nói.
Báo điện tử VTC News dẫn ý kiến luật sư Bùi Quang Hưng cho biết, VNA là một doanh nghiệp nhà nước, vì vậy việc người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động để chuyển đi một đơn vị khác là chuyện bình thường. Các thủ tục để chấm dứt sẽ được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và hợp đồng lao động ký giữa người lao động và VNA.
Còn về quyết định của Bộ trưởng Đinh La Thăng (tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA), theo luật sư Hưng là hợp lý vì Bộ trưởng chỉ yêu cầu tạm thời chưa chấp thuận để tránh xảy ra sự xáo trộn, ảnh hướng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của hãng hàng không quốc gia đã được Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt, trong thời gian này VNA sẽ phải điều chỉnh việc tăng lương cho phù hợp.
Trong khi đó, báo Thanh Niên bình luận, chuyện khủng hoảng nhân lực trình độ cao ở VNA có giá trị cảnh báo rất tốt đối với khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, khi lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 đang rất gần. Trong đó, các quốc gia thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động.
Với những rào cản thủ tục hành chính gần như bằng không như vậy, sẽ có nhiều nhân sự cấp cao có kinh nghiệm và chuyên môn tốt tìm đến các doanh nghiệp lớn, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu tại Việt Nam và ngược lại các nhân sự tốt ở Việt Nam cũng có thể rời doanh nghiệp để sang một quốc gia khác tìm việc làm có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn.
Rõ ràng, câu chuyện nhân lực của VNA cần được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn, đó là việc Chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Cùng với đó, là việc Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, đồng nghĩa với việc chấp nhận áp lực cạnh tranh.
Không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, thậm chí giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, viễn cảnh ấy buộc doanh nghiệp Việt phải chấp nhận và thích nghi để phát triển. Vấn đề không chỉ là nhân lực, cũng không chỉ thuộc về VNA hay riêng khối doanh nghiệp nhà nước.