Cạnh tranh mua sân bay - Nhà đầu tư giữ chỗ?
(Tài chính) Việc đầu tư vào hạ tầng hàng không, dù chưa rõ ràng về cơ chế, chính sách, nhưng đã thu hút được không ít nhà đầu tư tham gia, thậm chí cạnh tranh để được mua sân bay.
Theo Đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” vừa được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phê duyệt, ước tính nhu cầu vốn lĩnh vực này lên tới 230.215 tỷ đồng cho giai đoạn 2015-2020.
Dự kiến, khả năng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 30.724 tỷ đồng (13,3%); nguồn vốn xã hội hóa từ DN là 23.968 tỷ đồng (10,1%); nguồn vốn ODA 60.541 tỷ đồng (26,4%); vay thương mại 4.615 tỷ đồng (1,7%); phần còn lại (110.367 tỷ đồng) dự kiến huy động nguồn vốn góp cổ phần và hợp tác công - tư (48,4%).
Trong khi Đề án còn chưa hoàn thiện thì đến thời điểm này, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cho hay, rất nhiều nhà đầu tư đã ngỏ ý được tham gia.
Nhanh nhạy nhất là hãng hàng không Vietjet Air, ngay từ đầu tháng 2/2015, hãng đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT bán lại quyền khai thác toàn bộ Nhà ga T1 Nội Bài (bao gồm cả sảnh E) trong thời hạn 20 năm.
Tuy nhiên, vấn đề chỉ thực sự “nóng” khi chỉ 3 tuần sau, “anh lớn” Vietnam Airlines cũng có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xin được chuyển nhượng quyền khai thác Nhà ga T1 (không bao gồm sảnh E).
Theo tính toán của ACV, giá trị quyết toán của Nhà ga T1 Nội Bài là 990 tỷ đồng và sảnh E là 500 tỷ đồng. Ngoài 2 hãng hàng không chủ lực cùng xin mua T1 thì Bộ GTVT cũng tiết lộ, hiện đang có 4 nhà đầu tư quan tâm hạng mục này.
Ngay sau đó đến lượt sân bay Đà Nẵng rơi vào tầm ngắm của các nhà đầu tư khi Jetstar Pacific xin “mua” một phần sân bay Đà Nẵng; dự kiến, sẽ đầu tư nhà ga hành khách quốc tế với công suất 6 triệu khách/năm, mức đầu tư 3.000 tỷ đồng.
Cùng “ngắm” sân bay này còn có liên danh 3 nhà đầu tư trong nước là CTCP dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco), CTCP đầu tư AOV và TCT Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp).
Hạ tầng hàng không tiếp tục “sốt” khi CTCP tập đoàn T&T đã ngỏ ý đầu tư vào Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc theo 2 phương án: Hoặc mua toàn bộ tài sản sân bay, hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động. Tổng mức đầu tư sân bay này là 4.300 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, hiện đã có 2 nhà đầu tư quan tâm xin đầu tư nhà ga quy mô 2 triệu hành khách/năm của Dự án nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không Cam Ranh với kinh phí đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số hạng mục nhỏ như xây dựng nhà để xe ô tô T2 Nội Bài, công suất 800 chỗ đỗ xe minibus với tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng, hiện đã có 2 nhà đầu tư gửi công văn vào cuối tháng 3 vừa qua xin tham gia.
Mới chỉ là... giữ chỗ
Theo lý giải của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư đổ xô mua các dự án hàng không đó là hàng không Việt Nam hiện được Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) đánh giá nằm trong top 3 về tốc độ phát triển và thị trường hàng không Việt Nam còn nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Thành (Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TPHCM) cho rằng, cũng chưa thể khẳng định điều gì nhiều vào thời điểm này. Vì hiện tại, khung pháp lý, chính sách, giá cả cũng như cơ chế nhượng quyền chưa rõ ràng. Các nhà đầu tư tham gia hiện chỉ mang tính “giữ chỗ”.
Bên cạnh đó, trừ một số sân bay lớn như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất là kinh doanh có lãi, còn lại chưa có lãi, nên mọi động thái của các nhà đầu tư vào thời điểm này cũng chưa mang tính khẳng định gì nhiều.
Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Thành còn lo ngại tài sản Nhà nước bị bán rẻ nếu công tác định giá không được làm khoa học, minh bạch.
Vì thế, Nhà nước cần thuê nhiều đơn vị tư vấn để tài sản công được định giá đúng, hoặc ít nhất là có sự tham chiếu, hạn chế thất thu cho Nhà nước. Đặc biệt, cần tính toán để tránh tình trạng độc quyền ở sân bay khi nhượng lại cho một hãng hàng không khai thác.
Tại cuộc họp về hàng không cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, trong bối cảnh đang tái cơ cấu nền kinh tế như hiện nay, nếu trông chờ cách làm truyền thống là rất khó.
Ngoài ra, chúng ta còn đang bị khống chế mức trần nợ công, vì vậy, việc kêu gọi các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng hàng không là cần thiết.
“Việc nhượng quyền khai thác phải đảm bảo nguyên tắc: Đúng theo tinh thần của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước. Tuyệt đối không chuyển giao cho nhà đầu tư tư nhân các hạng mục như: Quản lý bay, vùng trời, cấp phép bay, quản lý giá cả. Chỉ chuyển nhượng những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Trong quốc phòng, an ninh thì Nhà nước có quyền trưng dụng để phục vụ”, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.
Về vấn đề độc quyền, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định không cần lo ngại việc đó vì khi thực hiện việc chuyển nhượng đã có hợp đồng và điều khoản rõ ràng.
Việc chuyển nhượng quyền khai thác sẽ được định giá, tính toán đảm bảo đúng theo quy định hiện hành. Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ trên cơ sở công khai minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.