Cạnh tranh trong truyền hình trả tiền là cần thiết

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Kinh tế thị trường đòi hỏi sự cạnh tranh lành mạnh để ngày càng cải thiện chất lượng và giá cả các hàng hóa và dịch vụ. Nguyên lý cổ điển này đã được chứng minh đầy thuyết phục từ việc mở cửa thị trường viễn thông và xem ra không mất ý nghĩa trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả tiền ở nước ta.

Cạnh tranh trong truyền hình trả tiền là cần thiết
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực tế cho thấy, nhờ mở cửa cạnh tranh thị trường viễn thông, người dùng điện thoại di động đã hưởng lợi lớn khi giá cước di động giảm liên tục và tiện ích của viễn thông được tăng cường. Số trạm phát sóng di động tăng không ngừng, phủ sóng đến vùng sâu vùng xa. Đến nay, giá cước đã giảm còn 1.200 đ/phút, tức giảm khoảng 250% so với giá 3.000 đ/phút vào thời điểm trước năm 2000 và được tính theo block 6 giây + 1. Sự mở cửa cạnh tranh đã nâng khả năng kết nối Internet 3G giá rẻ trở nên hiện thực ở cả vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Việt Nam đang trở thành một thị trường viễn thông lớn và phát triển nhanh của khu vực và thế giới với hơn 40 triệu thuê bao internet trong gần 90 triệu dân.

Ngược với xu hướng và thành quả tích cực của thị truờng viễn thông, thị trường truyền hình trả tiền sau 9 năm phát triển, tính độc quyền vẫn khá đậm nét VTV đang chiếm hơn 70% thị phần. Giá cước tăng liên tục (3 năm qua, giá dịch vụ truyền hình cáp VCTV tăng gần 300%, từ mức 44.000 đồng/tháng năm 2009, tăng lên 65.000 đồng, rồi 88.000 đồng và tới 110.000 từ 1/9/2012). Đáng nói hơn, dù cước thuê bao liên tiếp tăng, nhưng chất lượng dịch vụ truyền hình trả tiền hiện nay chưa được cải thiện tương ứng cả về tín hiệu kỹ thuật hình ảnh và các kênh hấp dẫn…

Các doanh nghiệp viễn thông vốn được Luật cho phép cung cấp dịch vụ trên hạ tầng truyền dẫn sẵn có. Nhiều doanh nghiệp trong nước mong muốn tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền này. Nếu được cấp phép, họ sẽ tận dụng hạ tầng viễn thông có sẵn, góp phần tạo áp lực cung cấp dịch vụ trả tiền với giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn cho người dùng. Đây cũng là đóng góp thiết thực vào việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (bởi 100% người Việt dùng dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam). Tuy nhiên, việc cấp phép bị lần lữa đến mức đích thân Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cấp phép dịch vụ truyền hình cáp cho các doanh nghiệp mới đủ tiêu chuẩn.

Điều đáng suy nghĩ là dường như đang có sự quan ngại về việc thị trường truyền hình trả tiền sẽ bị phá giá quá nhanh làm mất lợi nhuận độc quyền đang có. Đây có lẽ là lực cản chính làm chậm trễ tiến độ mở cửa cạnh tranh để giảm giá và nâng chất lượng dịch vụ truyền hình trả tiền ở nước ta.

Được hưởng các dịch vụ truyền hình trả tiền với giá cả hợp lý, chất lượng cao là yêu cầu, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đây cũng là mục tiêu các nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý cần hướng tới. Nếu bất chấp quyền lợi của khách hàng để cố thủ những lợi thế độc quyền, sớm muộn người tiêu dùng cũng sẽ quay lưng khi có lựa chọn khác.