Cắt giảm thời gian kê khai, nộp thuế: Còn nhiều việc phải làm
(Tài chính) Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2015 của World Bank (WB), sau khi thay đổi phương pháp tính toán, chỉ số nộp thuế năm 2014 của Việt Nam tụt 22 bậc. Trong khi đó, mục tiêu giảm thời gian kê khai, nộp thuế mà Chính phủ đặt ra phải bằng các nước ASEAN 6 (171 giờ) trong năm 2015.
Không dễ cải thiện chỉ số nộp thuế
Theo nhận định của Phó trưởng Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế Hoàng Thị Lan Anh, dù thay đổi phương pháp tính, không có lý do gì cùng một cơ sở dữ liệu mà chỉ số nộp thuế của Việt Nam bị tụt tới 22 bậc. Hiện cơ quan Thuế đang đề nghị phía WB xem lại cơ sở dữ liệu của mình. Bởi lẽ, tất cả số giờ, số lần nộp thuế và tổng thuế suất của Việt Nam không thay đổi.
Trong khi đó, cơ quan Thuế đang thực hiện Nghị quyết 19/NĐ-CP của Chính phủ giảm giờ nộp thuế của Việt Nam đến tháng 9-2015 phải đạt ngang bằng với mức trung bình của các nước ASEAN 6 là 171 giờ. Cụ thể, cơ quan Thuế phải giảm được 415,5 giờ, còn 121,5 giờ; cơ quan Bảo hiểm xã hội phải giảm được 285,5 giờ, còn 49,5 giờ. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng Kế hoạch hành động gồm 7 nhóm giải pháp và 46 đầu việc cụ thể được triển khai từ cấp Tổng cục, Cục và các Chi cục Thuế trên cả nước nhằm thực hiện mục tiêu tạo thuận lợi cho người nộp thuế, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ; đơn giản hoá thủ tục hành chính, góp phần thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tính đến 1-1-2015, Tổng cục Thuế đã sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế GTGT, thuế Thu nhập cá nhân, Thu nhập DN, quản lý thuế, hóa đơn; xây dựng mới 44 quy trình, quy chế, sổ tay nghiệp vụ (sửa đổi, bổ sung 20/46 quy trình, quy chế và xây dựng mới 24 quy trình, quy chế). Thực hiện rà soát, hệ thống hoá danh mục 421 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế; triển khai mở rộng DN khai thuế qua mạng internet (đạt 97%) và nộp thuế điện tử… đã góp phần giảm tổng số giờ về khai, nộp thuế được khoảng 370 giờ. Như vậy, số giờ cơ quan Thuế cần giảm tiếp trong năm 2015 là 45,5 giờ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho rằng, ngành Thuế sẽ hoàn thành mục tiêu này khi việc thực hiện Nghị quyết 19 đã có những kết quả tốt. Theo đó, bên cạnh các giải pháp về chính sách, ngành Thuế tiếp tục đẩy nhanh tốc độ triển khai dịch vụ khai thuế điện tử và tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ người nộp thuế. Triển khai Đề án Đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế để vừa nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan Thuế, vừa hướng tới mục tiêu quản lý thuế hiện đại… Các cải cách này sẽ được thực hiện trong năm 2015 và sẽ giúp giảm được khoảng 50 giờ nộp thuế cho DN.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bà Joanna Nasr - đồng tác giả Báo cáo môi trường kinh doanh của WB, trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016, WB sẽ có thay đổi về cách tính chỉ số giờ nộp thuế. Nếu như trước đây, WB dựa trên 3 chỉ tiêu về: Thời gian, số lần nộp thuế và tổng thuế suất đối với một DN nhỏ và vừa phải nộp và áp dụng tại 189 quốc gia nhưng nay sẽ mở rộng các chỉ số đo lường gánh nặng thủ tục hành chính sau khâu chuẩn bị kê khai và nộp thuế như: Quy trình thanh tra, khiếu nại về thuế và hoàn thuế.
“Với cách tính mới này nếu chúng ta không có những giải pháp kịp thời thì nguy cơ Việt Nam sẽ tụt hạng trong Báo cáo môi trường kinh doanh” - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc tỏ ra lo lắng.
Nguyên nhân được bà Nguyễn Thị Cúc chỉ ra, riêng thủ tục hoàn thuế của Việt Nam là thủ tục được kiểm soát rất chặt chẽ nhằm hạn chế trường hợp gian lận gây thất thu ngân sách Nhà nước, điều này đồng nghĩa với việc có thể khiến thời gian thực hiện công đoạn này tăng lên. Như vậy, nếu tính chỉ số này trong Báo cáo thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng.
“Ngành Thuế cần rà soát các quy định của Luật Quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế GTGT, đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, tối giản các thủ tục hành chính cho người nộp thuế, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp quy liên quan đến các hoạt động này. Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy chế thanh tra tại DN theo nguyên tắc: Không chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và thanh tra kiểm tra” - bà Nguyễn Thị Cúc kiến nghị.
Đồng thời, để có sự cải thiện trong vị trí xếp hạng theo các tiêu chí mới, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế, học tập các kinh nghiệm quản lý hiệu quả, các cải cách thủ tục hành chính cũng như kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này của các nước để điều chỉnh các quy định của Việt Nam theo kịp trình độ các nước này.
Để chính sách không nằm trên giấy
Theo ý kiến của bà Joanna Nasr, thuế suất và quản lý thuế tại các quốc gia mà WB nghiên cứu vẫn đang cồng kềnh là trở ngại hàng đầu đối với DN. Thách thức đối với quốc gia là lựa chọn mức thuế suất và cơ sở thuế. Thiết kế hệ thống tuân thủ thuế khuyến khích sự tham gia của người nộp thuế.
“Sẽ tiết kiệm được thời gian tới 751 triệu ngày nếu các nền kinh tế áp dụng các thông lệ tốt về nộp thuế như: Áp dụng kê khai và nộp thuế điện tử và cơ chế tự khai tự nộp thuế, các loại thuế có cùng căn cứ tính được xử lý như nhau” - bà Joanna Nasr lưu ý.
Việt Nam đã có 1/3 thông lệ tốt đó là tự khai tự nộp thuế. Với cơ chế này sẽ giúp thu thuế sớm hơn và giảm khả năng xảy ra tranh chấp về việc tính thuế. Cơ chế này cũng giảm cơ hội xảy ra tham nhũng.
“Việt Nam có thể xem xét việc lập trung tâm hỗ trợ người nộp thuế. Hình thức này có thể thực hiện hỗ trợ trực tuyến, qua điện thoại hoặc thư điện tử vì Việt Nam hiện có nhiều Thông tư, Nghị định mà người nộp thuế chưa chắc có thể hiểu rõ và cần sự hướng dẫn từ trung tâm này. Mặt khác, việc đẩy nhanh kê khai và nộp thuế điện tử sẽ góp phần giảm thời gian kê khai, nộp thuế cho DN” - bà Joanna Nasr khuyến nghị.
Cùng chung quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, những chính sách đưa ra có thể “chỉ dừng trên giấy tờ” nếu không triển khai tốt. Thực tế, vẫn xảy ra tình trạng cán bộ thuế ở một số địa phương còn chưa nắm hết được nội dung cải cách. Việc có nhiều văn bản sửa đổi, bổ sung, đặc biệt trong lĩnh vực Thuế, dẫn tới có nhiều văn bản quy định về cùng một vấn đề, người nộp thuế và cán bộ thuế phải tra cứu rất phức tạp. Có một số trường hợp văn bản có liên quan chưa được rà soát, điều chỉnh đồng bộ với văn bản có sửa đổi, gây mâu thuẫn trong thực thi.
Để đảm bảo các quy định của chính sách được thực thi trong thực tế, cần tăng cường các cơ chế giám sát, tăng cường sự tham gia của tổ chức xã hội và các đối tượng bị điều chỉnh trong việc xây dựng văn bản và giám sát thực thi. Tăng cường sự tham gia của các tổ chức trung gian trong quá trình tuân thủ pháp luật, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế và cơ quan thuế như: Văn phòng luật sư, tổ chức tư vấn, đại lý thuế, nhằm hỗ trợ đối tượng nộp thuế, đảm bảo thi hành pháp luật được chính xác, thuận tiện, hạn chế vi phạm, giảm thiểu thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm chi phí xã hội và chi phí cho người nộp thuế.