Câu hỏi về tỷ giá
Nhiều người đặt câu hỏi: với điều kiện thuận lợi như hiện nay, có nên điều chỉnh tỷ giá về sát hơn với giá trị thực để thúc đẩy xuất khẩu?
Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 10 cả nước đã xuất siêu tháng thứ 5 liên tiếp, thay vì nhập siêu như tính toán trước đây. Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 187,54 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu là 93,8 tỷ USD, tăng 18,9%; nhập khẩu là 93,74 tỷ USD, tăng 6,7%. Như vậy, trong 10 tháng đầu năm chúng ta đã xuất siêu khoảng 60 triệu USD. Những số liệu này cùng với xu hướng tiếp tục bán ngoại tệ ra của các tổ chức và cá nhân đã phản ánh sự dồi dào của nguồn cung ngoại tệ. Bên cạnh đó, thị trường vàng tiếp tục trầm lắng nên tác động đối với thị trường ngoại hối hầu như không có.
Phá giá tiền đồng lúc này là không thông minh
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế VIB cho rằng, tỷ giá thời gian vừa qua ổn định do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tốt kinh tế vĩ mô. Tỷ giá hiện phù hợp với thực trạng kinh tế đang xảy ra và phản ánh đúng giá trị tiền đồng. Do đó, không phải là cách làm thông minh nếu tiếp tục tìm cách phá giá đồng Việt Nam để hỗ trợ xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế. Bởi cho dù cán cân thương mại của Việt Nam năm nay tốt, nhưng sẽ vẫn âm nên việc phá giá sẽ không mang lại nhiều lợi ích. Đặc biệt, từ năm 2002 đến nay, đồng Việt Nam đã mất giá hơn 50%, với chính sách thay đổi liên tục sẽ rất khó khăn cho việc kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Trên phương diện lý thuyết, nếu trong một nền kinh tế thị trường toàn diện thì 1 đồng tại Việt Nam sẽ bằng 1 đồng tại bất kỳ thị trường nào khác. Ví dụ, một quả trứng giá trị ở Việt Nam là 3.500 đồng, nếu tỷ giá USD thông suốt thì giá trị phải ngang nhau. Nhưng trong trường hợp nền kinh tế chưa hoàn hảo như Việt Nam, các nhà quản lý tìm cách tăng sức mua của đồng bạc thì thay vì 3.500 đồng chỉ có 1.500 đồng/quả trứng, có nghĩa trong một hoàn cảnh nào đó, việc nâng sức mua của tiền đồng sẽ làm méo mó giá trị của đồng Việt Nam so với thị trường thế giới.
Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 với chủ đề "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu" của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, rủi ro tỷ giá ở Việt Nam vẫn rất lớn khi tỷ giá danh nghĩa hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ giá thực. Cụ thể, so với năm 2000, chỉ số CPI của Việt Nam trong năm 2010 đã tăng xấp xỉ 123%, trong khi CPI của Mỹ chỉ tăng 26,7% trong cùng giai đoạn. Tỷ giá danh nghĩa giữa VND và USD chỉ tăng xấp xỉ 30,4%. Tính một cách đơn giản, tỷ giá thực USD/VND năm 2010 đang cao hơn so với tỷ giá danh nghĩa khoảng 65,9%, so với mốc năm 2000. "Hiện tại đồng Việt Nam đang được định ở mức cao, nếu thả nổi sẽ "rớt" giá có thể lên đến 23.000, thậm chí 25.000 VND/USD. Trong bối cảnh hiện nay, tăng sức mua của đồng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam là điều cần thiết, bởi nếu thả nổi có thể người dân sẽ không chịu được biến động lớn về giá", nhiều chuyên gia kinh tế, ngân hàng nhận định.
Và câu chuyện phá giá một cách chủ động
Nhưng cũng có luồng ý kiến khác, thậm chí trái chiều. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, trên quan điểm của nền kinh tế thị trường thì phải thả nổi tiền đồng để nó trở về với giá trị thực. Trên phương diện quản lý vĩ mô, trong nhiều trường hợp các quốc gia phải phá giá đồng bạc của mình để hỗ trợ xuất khẩu do hàng bán ra tính bằng ngoại tệ sẽ rẻ hơn và như vậy sẽ tăng được tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Đồng thời ngăn chặn hàng nhập khẩu tràn vào ồ ạt bởi hàng hóa nhập khẩu tính ra nội tệ sẽ đắt hơn nếu đồng bạc của quốc gia đó bị phá giá. "Cách này hay cách khác Chính phủ đang giữ sức mua của đồng Việt Nam cao một cách giả tạo, nhưng khi dần liên thông với nền kinh tế toàn cầu sẽ tiến tới giá trị thực, do vậy không tránh khỏi việc đồng đô la Mỹ lên giá", TS. Hiếu nói.
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu có sự phá giá trong tương lai gần thì đó là sự phá giá chủ động với mục đích tăng bảo hộ các ngành công nghiệp nội địa và cải thiện sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Đây là một chiến lược đúng đắn, nhưng do sự nhạy cảm của công chúng đối với biến động tỷ giá, NHNN sẽ không mạo hiểm thay đổi tỷ giá trong năm 2012 và trong năm tiếp theo. Tóm lại, nếu điều kiện chung không thay đổi đáng kể thì sẽ không phá giá nhiều hơn mức 2-3%/năm.