CEO Đức bàn chuyện kinh doanh tại Việt Nam

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Nền kinh tế của Việt Nam đang vươn lên rất mạnh mẽ trong thời gian qua và đang là một địa điểm có “sức hút” với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Đức nói riêng.

CEO Đức bàn chuyện kinh doanh tại Việt Nam
Quang cảnh buổi tọa đàm. Nguồn: internet
Đó là ý kiến đánh giá của các CEO đến từ CHLB Đức tại buổi tọa đàm “CEO Talks” do Phòng Công nghiệp Thương mại Đức tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 20/11 tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Perter Kompalla, Phó Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam nhận định, trong thời gian vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang nổi lên là một nước có tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đang có nhiều đổi mới về cơ chế và chính sách, nhất là những bước tiến trong đổi mới cải cách thủ tục hành chính, thủ tục thuế, hải quan và cấp giấy phép đầu tư. Đó là những điểm nhấn có sức hút rất lớn với các nhà đầu tư mới cũng như những nhà đầu tư hiện hữu đang có ý định mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam.

Điều này đã được minh chứng rõ nét khi chỉ trong 10 tháng kể từ đầu năm, đã có 21 dự án với 142 triệu USD được đăng ký mới tại Việt Nam. Tổng số dự án của các DN Đức đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tăng lên con số 239 với 1,336 tỷ USD. Theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, có tới 80% các DN của Đức tại Việt Nam muốn mở rộng đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều lĩnh vực kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam sẽ đem đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Đức nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung. Điển hình như công nghiệp hỗ trợ đang được Chính phủ Việt Nam tập trung phát triển trong thời gian tới để phục vụ cho nền công nghiệp đang phát triển nhanh chóng.

Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho các DN trong nước và các DN FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đây sẽ là cơ hội “vàng” cho các DN Đức bởi đây là quốc gia có thế mạnh về công nghiệp cơ khí, điện tử.

TS. Alex Stepken, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TÜV SÜD AG cho biết, là một nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhanh, Việt Nam còn rất nhiều “sân chơi” để các DN FDI đầu tư.

Cụ thể, Tập đoàn này đã tập trung đầu tư vào dịch vụ kiểm định, đánh giá chất lượng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Đây là lĩnh vực được rất ít các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam quan tâm.

Trong 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu sang Đức với một khối lượng sản phẩm tương đương 3,32 tỷ USD. Do đó, TS. Alex Stepken cho biết trong thời gian tới TÜV SÜD AG sẽ đầu tư xây dựng thêm 1-2 phòng thí nghiệm tại Việt Nam. Tập đoàn này sẽ mở rộng kiểm định đánh giá hàng xuất khẩu sang các lĩnh vực khác như điện tử, công nghiệp thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao tại Việt Nam.

Ông Oliver Massmann, Tổng Giám đốc công ty Luật Duane Morris Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang nổi lên là một “con rồng” về kinh tế của khu vực ASEAN với những thành tựu kinh tế nổi trội. Đồng thời, với cơ cấu dân số đang trong thời kỳ vàng, Việt Nam không chỉ là một thị trường tiêu thụ lớn đối với hàng hoá nội địa mà sẽ cung cấp nguồn nhân lực dồi dào.

Hơn nữa, những ưu đãi về thuế, quỹ đất và thủ tục giấy tờ đang được thực hiện sẽ giúp Việt Nam mở rộng cửa hơn nữa đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ưu thế, các DN nước ngoài đang gặp phải một số vướng mắc, trở ngại trong quá trình muốn đầu tư vào Việt Nam. Đó là, thời gian cấp giấy phép, thủ tục xin mở chi nhánh còn chậm với nhiều thủ tục rườm rà. Điều này nhiều khi đã làm “nản lòng” các nhà đầu tư mới. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực… đang còn nhiều hạn chế cũng làm cho các nhà đầu tư e ngại.

“Hy vọng với những nỗ lực của Chính phủ đã thực hiện trong thời qua cùng với chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, những vướng mắc, rào cản này sẽ dần được xoá bỏ”, ông Oliver Massmann nói.